Những số phận bên lề - bài cuối: Uất này biết tỏ cùng ai?

Phòng khám Đa khoa khu vực Búng Tàu cất trên đất đã cấp cho bà Bông
Phòng khám Đa khoa khu vực Búng Tàu cất trên đất đã cấp cho bà Bông
TP - Bà già có khuôn mặt hiền lành, lên gặp người em ở thành phố Cần Thơ nói “sợ không gặp nhau nữa”, rồi để lộ ý định tự tử và hai bà ôm nhau khóc. Đó là bà Phạm Thị Bông, 75 tuổi, vợ liệt sỹ Trần Văn Đời, chị của liệt sỹ Phạm Văn Để ở ấp Tân Phú A2, thị trấn Búng Tàu (Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Đầu tháng 10, nghe chuyện, tôi về Búng Tàu ngay. Vùng đất ấy xa xôi trắc trở, gọi thị trấn mới dăm năm nay chứ trước kia là xã Tân Phước Hưng muốn đến phải qua mấy chặng đường bộ lẫn thủy, bây giờ xe bốn bánh đã chạy tới nơi nhưng đường rất ngoằn ngoèo.

Chỗ chết chóc

Bà Phạm Thị Bông đang đứng thắp hương trước bàn thờ, trong căn nhà tình nghĩa được cán bộ nhân viên huyện Phụng Hiệp xây tặng năm 2007. Ân cần mời khách ngồi, bà kể lại cuộc sống “trên mảnh đất chết chóc” từ hồi mới giải phóng. 

Giọng bà rủ rỉ, buổi sớm vừa qua cơn mưa, không khí mát mẻ nhưng câu chuyện nóng nỗi truân chuyên: “Hòa bình, gia đình tôi gồm mẹ già, anh em tôi người là bộ đội người là thương binh và hai đứa con trai nhỏ dại của tôi phải ở đậu rất cực khổ. Năm 1977, xã cấp cho gia đình tôi mảnh đất trong khu đồn bót cũ, lau cỏ mịt mù. Nhiều người dân ngăn cản, nói gia đình hai liệt sỹ được ưu tiên thiếu gì chỗ mà vô chỗ đất chết chóc. Nhưng mẹ tôi khuyên, đất hoang vô chủ thì mới tránh được tranh chấp về sau”.

Mẹ con anh em bà Bông khai phá mảnh đất khổ như lưu dân khai khẩn vùng đất mới xa xưa, nhưng nguy hiểm hơn vì có nhiều đạn và mìn dưới đất. Đốt cỏ là đạn mìn nổ, cuốc đất phải nhẹ tay để nhặt đạn mìn. Theo lời bà Bông, vì đạn mìn ở khu đất đồn bót nổ mà trong ấp có ông Năm Trọng bị thương và em rể ông Năm Trọng chết. Bà Bông ôm hai con nhỏ và anh em dựng chòi lá, khai khẩn từ từ trong nỗi lo sợ vô cùng.

Ngày đêm bà khấn vái, nếu khai hoang được yên lành, bà xin ăn chay tạ ơn. Sau mấy năm, khai phá đất thành công, trồng trọt được mà gia đình bà vẫn yên lành, bà ăn chay trường đến tận hôm nay. Hai người con trai cũng ăn chay trường theo bà chục năm, đến khi có vợ con mới thôi.

Khu đất nguy hiểm đến độ, ông Trương Văn Nhiểu là cha liệt sỹ được cấp ngàn mét vuông đất sát đất của bà Bông mà không dám làm. Năm 1990, ông Nhiểu bán mảnh đất cho bà Bông, giá không cao và bán nợ. Để có tiền trả bà Bông phải tha hương làm thuê mấy năm trời.

Đầy nước mắt

Lời kể của bà Bông nhẹ nhàng, từng mẩu ngắn giản dị nhưng nghe chốc lát, kết nối lại đã có một câu chuyện dài đầy nước mắt. Những năm tha hương làm mướn tận Đồng Tháp, An Giang, mỗi ngày bà chỉ dám ăn một bữa, có người biết được kêu lên: “Vợ liệt sỹ sao khổ thế này?”. Ban ngày nuốt nước mắt vào lòng, đêm bà nằm khóc thổn thức. Hòa bình rồi, người ta có chồng có vợ, cuộc sống dần đủ đầy, còn bà cơ cực đeo đẳng. Bà nói, có lúc buồn khổ quá bỏ về nhà tính không đi làm mướn nữa nhưng giáp mặt con thơ, mẹ già đói rách, lại lầm lũi ra đi.

Đất đồn bót cũ không thể cấy lúa, chỉ trồng cây trái nên lâu cho hoa lợi nhưng dẫu lâu đến mấy cũng có ngày cho trái. Đất đai được huyện cấp giấy chứng nhận, gia đình bà mừng vui khôn xiết, cất lên những căn nhà lá rộng rãi, dựng vợ gả chồng cho con cháu, tổ chức thờ cúng liệt sỹ chu đáo. Ngờ đâu, nước mắt bà chưa thể ngừng chảy trên “mảnh đất chết chóc”, tai ương lại đến từ cán bộ xã. 

Năm 1996, bà Bông nhớ lại, cán bộ xã đến mượn gia đình bà miếng đất để cất trạm y tế. Bà phải dỡ một căn nhà lá và cán bộ xã hứa: Đền bù một nền nơi khác, hỗ trợ 20 triệu đồng cất nhà, còn bán rẻ một nền bên chợ để con cháu buôn bán sinh sống và được kéo điện từ trạm y tế không phải đóng tiền. Bà đồng ý. Trạm y tế cất xong, tất cả lời hứa bay theo gió.

“Nhận tờ quyết định, tôi ngồi mười mấy ngày trong mùng khóc mà không biết làm sao, mới mua chai thuốc sâu tính đi từ biệt chị em rồi nếu người ta đến thu hồi bằng được giấy đất của hai đứa con thì tôi tự tử. Tôi thấy, hồi phải hy sinh thì người ta cần đến gia đình tôi, khi ấm no, mở mang đường sá và lên thị trấn đất đai có giá thì gia đình tôi bị đẩy ra rìa”.

Bà Phạm Thị Bông
Giữa năm 2009, Chủ tịch xã hỏi mua đất của bà để mở rộng trạm y tế thành Phòng khám Đa khoa khu vực nhưng bà không đồng ý, tức thì có nhiều người đến đốn cây cối để xây dựng. Vườn cây mọc lên từ đạn bom chết chóc nên bà nhớ rành rọt, kể lại: Đang cho trái có 28 cây xoài, 32 cây dừa, 17 cây nhãn, 13 cây mít, 4 cây bưởi, 4 cây vú sữa, 45 bụi chuối và một vườn ươm có 240 cây giống chuẩn bị trồng, thêm 307 cây tre.

Giọng bà vẫn rủ rỉ: “Tôi ra khóc lóc ngăn cản thì bị người ta giữ tay giữ chân. Trong thợ hồ có người thương mới chỉ tôi làm đơn thưa nhưng không biết gửi đơn đi đâu, ra xã được lập biên bản nói lung tung rồi thôi. Gửi đơn lên huyện thì huyện trả lời là đơn vượt cấp không giải quyết”.

Cái cơ sở y tế hình thành như thế, trên chính mảnh đất cấp cho bà và bà đã sử dụng ổn định mấy chục năm. Mất đất nhưng bà vẫn sống được ở đây, nhờ mảnh đất mua của ông Trương Văn Nhiểu cha liệt sỹ.

Ngồi lắng nghe bà, càng lúc tôi càng bàng hoàng, đau đớn thay cho bà. Nhưng đúng lúc tôi đã ứa nước mắt thì bà lại cười nhẹ nhàng: “Xóm ấp khen tôi chồng chết lúc mới ngoài ba mươi, một tay nuôi hai con trai nhưng không đứa nào nhậu nhẹt, gây lộn với ai, chúng rất hiền lành”.

Ngang ngược

Ngôi nhà tình nghĩa mở rộng cửa ra con đường nhựa mới làm và dòng sông hiền hòa nhưng câu chuyện của người vợ liệt sỹ trong ngôi nhà thật ngột ngạt. Con trai của bà hiền lành như tên đặt, Trần Văn Rẫy và Trần Văn Ruộng, nhưng mất ruộng rẫy làm ăn nên nghèo, nay người chạy xe ôm, người buôn bán cua ốc. Hai cô con dâu lam lũ chuyện áo cơm, mấy đứa cháu nội đang đi học. Việc bảo vệ đất đai trần ai vẫn chỉ một tay bà. 

Những số phận bên lề - bài cuối: Uất này biết tỏ cùng ai? ảnh 1 Bà Bông cùng con dâu và cháu trước ngôi nhà tình nghĩa

Nhưng bà lại không quen biết ai ngoài cái ấp sinh sống, không biết được cách đi đứng giữa rừng quy định về đất đai phức tạp hơn đạn mìn trên đất hồi nào. Để bảo vệ đất, bà chỉ biết khóc từ nhà đến ấp lên xã. Lần đầu tiên bà tìm đến người em ở Cần Thơ thì như một lần đi từ biệt vì tới đường cùng. Bà lấy ra tờ quyết định do ông Phó chủ tịch huyện Trần Văn Thắng ký hôm 30/6 “thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của Rẫy và Ruộng.

Theo quyết định, đất trước kia cấp cho bà (giấy đứng tên con) là cho “cất nhà tạm ở trên phần đất công”. Quyết định giải thích, khi làm giấy sử dụng đất cho Rẫy và Ruộng là chỉ với mảnh đất mua của ông Nhiểu, nhưng nhầm lẫn nên trùm lên cái Phòng khám Đa khoa khu vực Búng Tàu (dù xây dựng sau), nay phải thu hồi giấy cũ để cấp lại.

“Nhận tờ quyết định, tôi ngồi mười mấy ngày trong mùng khóc mà không biết làm sao, mới mua chai thuốc sâu tính đi từ biệt chị em rồi nếu người ta đến thu hồi bằng được giấy đất của hai đứa con thì tôi tự tử. Tôi thấy, hồi phải hy sinh thì người ta cần đến gia đình tôi, khi ấm no, mở mang đường sá và lên thị trấn đất đai có giá thì gia đình tôi bị đẩy ra rìa”, giọng bà Bông bắt đầu nghẹn ngào. Tôi bước ra khỏi ngôi nhà tình nghĩa, đi loanh quanh đoạn đường từ Phòng khám Đa khoa khu vực Búng Tàu lên trụ sở xã. Những cán bộ xã cấp đất cho bà Bông gần bốn chục năm trước nay ai còn ai mất?

Thời may tôi tìm được ông Bùi Văn Nhì. Hồi mới giải phóng ông làm Phó chủ tịch xã, sau đó Chủ tịch và Bí thư xã và nhiều chức vụ khác, nay nghỉ hưu ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu. Ông còn khỏe mạnh, thoạt nhắc chuyện bà Bông đã nói ngay: “Ăn nói ngang ngược, mượn đất của người ta rồi lại nói người ta mượn đất công”. Ông giải thích, hồi đó đất đồn bót cũ được cấp cho 4 người, ngoài bà Bông và ông Nhiểu còn có ông Nguyễn Văn Tỷ và Trương Văn Hoành, “nếu nói cho mượn phải tất cả chứ sao chỉ với bà Bông vợ liệt sỹ?”.

Một lúc, nguôi ngoai giận, ông Nhì hạ giọng, nói cho bà Bông mượn đất thì chứng cứ đâu, nói đất của Phòng khám Đa khoa thì giấy tờ đâu? Trong lúc, đất đồn bót cũ cấp cho bà Bông khai phá sinh sống mấy chục năm thì ai cũng biết và phải là đất cấp thì mới làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng, từ giấy tạm năm 1992 đến giấy chính thức năm 2002 đều do huyện ký. “Họp hành tôi cũng nói rồi, đừng đuổi vợ liệt sỹ hoài tội nghiệp lắm. Làm cán bộ nói phải nhìn về phía sau với, đừng nói ngang ngược mất hết tình nghĩa”. 

Tôi trở lại nhà bà Bông khi trời đã trưa. Cháu nội của bà đi học về, khoanh hai tay chào. Bà Bông hơi vui nhưng rồi lại buồn: “Đất đai tranh giành thế này chớ đứa em liệt sỹ của tôi đến nay chưa tìm được mồ mả ở đâu?”.

Ông Bùi Văn Nhì nói: “Họp hành tôi cũng nói rồi, đừng đuổi vợ liệt sỹ hoài tội nghiệp lắm. Làm cán bộ nói phải nhìn về phía sau với, đừng nói ngang ngược mất hết tình nghĩa”.

MỚI - NÓNG