Những sĩ tử đặc biệt

Những sĩ tử đặc biệt
TP - Họ là ni cô, chú tiểu, là những học sinh tật nguyền vượt qua bao khó khăn thử thách để đến trường thi.
Những sĩ tử đặc biệt ảnh 1
Ni cô Hoàng Thị Hiền

10 giờ 15 phút sáng 9/7, khi các thi sinh rời phòng thi đổ ra đường trong sự chờ đợi chào đón của người thân, thì cũng có những hình ảnh đơn lẻ một mình một bóng.

Một ni cô trong tấm áo choàng đứng khuất ở khu vực nhà xe tại địa điểm thi trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng. Đó là ni cô Hoàng Thị Hiền. Quê Hiền ở Quảng Trị, gia đình rất khó khăn, bố mất 2 năm nay, mẹ đi bán hàng rong ngoài chợ để nuôi 5 anh em.

Hiền được gửi vào chùa Phục Đán - TP Đà Nẵng 3 năm nay để thuận tiện cho việc học tập.

Sáng Hiền dậy rất sớm chuẩn bị cơm nước bỏ vào túi đạp xe từ lúc 5 giờ để đến địa điểm thi. Một bữa cơm chay với vài miếng đậu phụ, ít rau muống, một túi canh Hiền đã thủ sẵn dành cho bữa trưa “Địa điểm thi xa chỗ em ở, lại một mình đi thi nên em phải chuẩn bị cơm nước trước, ở lại phòng thi luôn vừa ăn trưa vừa ôn lại bài vậy - Hiền tâm sự -  không có điều kiện để đưa em đi thi nên mẹ chỉ biết gọi điện động viên em thi tốt.

Là một ni cô em chỉ có một ước nguyện làm cô giáo để giúp đỡ mẹ và mấy đứa em. Thấy bạn bè có bố mẹ, anh chị đưa đón nhìn vào cũng thấy tủi thân …”.

TPHCM: Làm bài bằng chân

Những sĩ tử đặc biệt ảnh 2
Đào Viết Anh

Tại phòng thi số 8, Hội đồng thi Tiểu học Phước Bình, Q.9 (ĐH Nông Lâm TPHCM), thí sinh đặc biệt Đào Viết Anh vẫn gò từng nét chữ bằng chân thay cho tay bị liệt.

Lặn lội từ Đắc Lắc (Trường THPT Ngô Gia Tự, xã Eakar, TP Buôn Ma Thuột) xuống TPHCM, Viết Anh dự thi vào ngành Quản lý tài nguyên môi trường (ĐH Nông Lâm).

Hành trang của Viết Anh là chiếc ghế 14 kg mang từ nhà xuống hội đồng thi. Chiếc ghế này đã gắn liền với Viết Anh bao mùa thi từ năm lớp 11 cho đến lần thi ĐH này.

Bị khuyết tật bẩm sinh, ảnh hưởng từ di chứng chất độc da cam của cha, tay Viết Anh teo lại không thể viết được nên Viết Anh đã học viết bằng chân từ rất nhỏ. Trong lần thi đợt 1, Viết Anh đăng ký dự thi vào ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) với ước mơ trở thành một kỹ sư phần mềm.

Hiện Viết Anh đã sử dụng thành thạo máy vi tính bằng chân và đã lấy được chứng chỉ A tin học. Sau kỳ thi này, Viết Anh sẽ trở về Đà Nẵng để thi vào trường Cao đẳng  CNTT Hữu nghị Việt - Hàn.

Hà Nội: Đi xe lăn đến trường thi

Những sĩ tử đặc biệt ảnh 3
Viên Hòa Chiến và bố

Đó là em Viên Hòa Chiến (thí sinh dự thi vào HV Tài chính), người dân tộc Tày, nhà ở tỉnh vùng cao Hà Giang. Ngày nhỏ em Chiến bị sốt và để lại di chứng. Vì vậy, em bị liệt, không đi lại được.

Chiến cho biết, nhà em cách trường học (trường THPT huyện Quản Bạ) 1 km nhưng nhờ bạn bè giúp em di chuyển bằng xe lăn nên hàng ngày em vẫn đi học đều.

Tuy nhiên, em không thể đi học thêm để ôn thi ĐH như nhiều bạn có điều kiện khác mà phải tự học ở nhà (với sự kèm cặp của chị gái - một cựu SV trường ĐH Kinh tế quốc dân). Sở trường của Chiến là các môn khối A (đợt I Chiến thi vào ĐH Thương mại) nhưng Chiến vẫn muốn thử sức mình ở cả khối D.

Người đưa Chiến đi thi cả 2 đợt là bố em - bác Viên Đình Quyết (làm cán bộ kiểm lâm ở Quản Bạ, Hà Giang). Bác Quyết cho biết, hai bố con đi xe ca từ Hà Giang xuống và nghỉ nhờ nhà một người bạn ở Cầu Giấy. Lên xuống xe thì bố cõng con, xe lăn thì gập gọn vào để xách theo.

Hàng ngày người bạn của bác Quyết chở 2 bố con đi thi (bằng xe ô tô). Vừa đưa được Chiến đến điểm thi thì ngay lập tức có các anh chị SV tình nguyện xúm vào khênh cả người lẫn xe lên phòng thi của Chiến (ở tầng 2).

Chiến rất hy vọng vào kết quả bài thi của em ở đợt I. Còn đợt II này thì “không ăn thua”. Làm bài thi môn Văn buổi sáng Chiến chỉ viết được kín 1 tờ giấy.

Bác Quyết nói: “Tay em nó yếu, không viết được nhiều”. Câu chuyện của chúng tôi trong lúc chờ bạn bác Quyết đến đón hai bố con Chiến thỉnh thoảng bị gián đoạn vì các cán bộ, giám thị HV Tài chính đi qua đều đứng lại hỏi thăm Chiến có làm được bài không, có mệt không...

Để trả lời, Chiến cười rất tươi. Một bác bảo vệ góp chuyện: “Làm bài không biết có được 10 điểm hay không nhưng nghị lực của em thì xứng đáng điểm 10 rồi!”.

Ba mẹ con dìu nhau lai kinh ứng thí

Những sĩ tử đặc biệt ảnh 4
Vi Hồng Sơn

Sáng nay, tại hội đồng thi trường Đại học Hà Nội (quận Thanh Xuân, Hà Nội), thí sinh Vi Hồng Sơn (quê Cẩm Khê, Phú Thọ) phải mang đôi nạng gỗ vào phòng thi vì chân bị teo từ nhỏ. Được hội đồng thi cho phép, bà Lê Thị Dâu đưa con vào tận phòng thi, tìm đúng số báo danh, rồi mới vội vã ra ngoài ngồi chờ ở cổng.

Bà Dâu kể, Sơn bị teo hai chân từ khi mới lên 2 tuổi. Không quản ngại khó khăn, vất vả, hai vợ chồng công nhân ấy suốt 7 năm trời cõng con đi chữa trị. Với đồng lương còm cõi, họ phải chạy vạy, vay nợ khắp nơi. Nhưng bệnh của đứa con trai đầu lòng không khỏi.

Dù bị teo chân, không thể tự đi lại được nhưng thấy bạn bè đi học, Sơn đòi bố mẹ đưa đến trường thay vì đến bệnh viện.

Suốt thời gian học tiểu học, trung học cơ sở, dù nắng hay mưa, người em trai Vi Ngọc Hùng vẫn kè kè bên chiếc xe đạp để đưa Sơn đến trường. Ở lớp, thành tích học tập của hai anh em tương đối tốt. Lên cấp 3, Sơn đỗ vào lớp chuyên Pháp, trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ), còn Hùng phải học ở trường khác.

Vì trường cách xa nhau nên Hùng chỉ chở được anh đến cổng trường, để Sơn tự đi vào lớp. Sau mỗi buổi học, Hùng đến trường đón thì thấy Sơn đứng một mình chờ đợi. Các bạn khác đã về nhà từ lâu.

Ngày “lai kinh ứng thí”, Hùng không muốn bố mẹ đưa đi, mà “lập kế hoạch” anh em tự về Hà Nội, nhưng bà Dâu không an tâm. Sau khi thi tốt nghiệp THPT, sức khỏe của Sơn bị giảm sút.

Vậy là, ba mẹ con tay xách nách mang, đưa nhau xuống trường Đại học Hà Nội, xin vào ký túc xá ở. Thương con, bà Dâu muốn thuê bên ngoài một phòng riêng để các con tiện sinh hoạt nhưng Hùng, Sơn không đồng ý.

MỚI - NÓNG