Những 'quái chiêu' của bác sĩ phòng mạch tư

Những 'quái chiêu' của bác sĩ phòng mạch tư
TP - Bác sĩ vừa khám bệnh vừa kê toa và bán thuốc; tự “pha chế” thuốc,  bán thuốc quá date, bắt chẹt bệnh nhân để thu lợi bất chính. Những việc làm  phản y đức đó đang ngày càng nghiêm trọng trong hệ thống các phòng mạch tư ở TPHCM.

Tuy nhiên, thi thoảng Thanh tra Sở Y tế mới  “sờ” đến một vài cơ sở có “vấn đề”, còn lại “khoán trắng” cho các phòng y tế quận, huyện. 

Bác sỹ kiêm lang băm

Những 'quái chiêu' của bác sĩ phòng mạch tư ảnh 1
Phòng mạch của bác sĩ Kim Phượng bị rút giấy phép hành nghề do dùng thuốc “kích béo”, thuốc quá đát cho trẻ

Nhiều người chưa hết bàng hoàng sau khi thanh tra Sở Y tế TPHCM “đột nhập” vào phòng khám của Nguyễn Văn Quỳ, 52 tuổi, ở phường 12, quận 8 cuối năm 2007, phát hiện vị bác sĩ chủ phòng mạch này chỉ có bằng chuyên khoa Răng hàm mặt nhưng đã vô tư mở các dịch vụ tiêm chích, thay băng, tiểu phẫu… cho bệnh nhân trong suốt 17 năm nay, thì mới đây, trong cuộc kiểm tra vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt phòng mạch tư hoạt động “quái chiêu” hơn.

Tối 10/1, thanh tra phát hiện tại phòng chẩn trị của bà Lê Thị Lợi nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 7, quận 5, thay vì khám chữa bệnh cho bệnh nhân như giấy đăng ký hành nghề với Sở Y tế, bà Lợi lại chuyển sang… hành nghề massage. Bà Lợi cho rằng “vì bệnh nhân đến khám ít nên nhiều năm nay đã chuyển sang chẩn trị bằng xông hơi, xoa bóp và… massage cho khách”.

Chưa hết, khi kiểm tra phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Văn Đông, ở địa chỉ 60 Nguyễn Trường Tộ, quận 4 vào tối 7/1 vừa qua, thanh tra Sở Y tế đành “bó tay” khi hàng chục toa thuốc mà vị bác sĩ này kê cho bệnh nhân không ai “dịch” được.

Bà Nguyễn Thị Hoài ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình khi đưa con là bé Nguyễn Bảo Nhi, 5 tuổi vào phòng mạch bác sĩ Đông để chữa bệnh cho rằng: “Nhiều khi cứ lấy thuốc về uống chứ không biết bác sĩ ghi gì trong đó”.

Khi lấy toa thuốc của bệnh nhi Nguyễn Bảo Nhi, thanh tra mới tá hoả vì toa thuốc mà vị bác sĩ này kê được viết tắt. Bác sĩ Đông còn công bố đại khái rằng nếu không lấy thuốc tại phòng mạch của ông thì cũng không đi mua thuốc ở đâu được. Bởi vì cách kê toa bằng chữ viết tắt và viết chữ “rồng lượn” nên chỉ có ông mới “dịch” được.

Kinh hoàng hơn là Phòng khám đa khoa Bình An thuộc DNTN Minh Đức ở 17 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh. Bất ngờ đột nhập phòng khám này, cơ quan chức năng phát hiện bác sĩ Nguyễn Đức Tiến đang bào chế thuốc dùng để… tắm trắng và tắm ốm.

Vị bác sĩ thừa nhận đã làm “nghề pha chế” thuốc từ nhiều năm nay, có khi còn pha chế luôn cả thuốc trị… yếu sinh lý. Khi cơ quan chức năng kiểm tra giấy phép hành nghề, phòng khám này chỉ đăng ký khám Nội tổng quát, Răng hàm mặt, Tai mũi họng, Nhi nhưng lại xây dựng cả một bể lớn để điều trị tắm ốm, trắng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bể nước mà bác sĩ xây để tắm ốm, được thiết kế mái bằng tôn rất nóng, chật chội không đúng tiêu chuẩn… Khi phát hiện hàng loạt “thuốc” mà bác sĩ Tiến cho rằng dùng để tắm ốm, trắng, trị yếu sinh lý… nhiều người tá hỏa khi thấy thuốc được để trong tủ rất dơ dáy, nổi mốc, không có nhãn mác, thành phần…

Bác sĩ Tiến cho rằng “thuốc tự chế này rất tốt” và  không ngần ngại lấy mấy viên đưa vào miệng nhai trước mặt bàn dân thiên hạ. Chứng kiến cảnh này, nhiều người cho rằng bác sĩ Tiến không khác gì một “thầy lang”.

Tại phòng khám của bác sĩ Võ Đức Trí ở  đường Cây Keo, quận Tân Phú, chị Trần Kiều Oanh ở đường Tân Kỳ Tân Quý, đang chờ khám ở đây cho biết: Bác sĩ này khám qua loa rồi kê toa bán thuốc luôn, mỗi lần khám 40 nghìn đồng. Ngay khi kiểm tra phòng mạch này vào tối 8/1, bác sĩ Trí không trình được chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, giấy đăng ký kinh doanh; không có sổ khám bệnh…

“Cò” phòng mạch

2 phòng mạch bị tước giấy phép hành nghề vô thời hạn

Ngày 16/1, bác sĩ Phạm Kim Bình- Phó chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, Phòng khám đa khoa Đức Chính do bác sĩ Ngô Công Bình đứng tên vi phạm kinh doanh thuốc phi mậu dịch, không có chứng chỉ hành nghề… sẽ bị tước giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề vô thời hạn.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn là Phòng khám đa khoa Bình An ở 79 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, cũng bị tước giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề vô thời hạn và tước chứng chỉ hành nghề trong vòng 6 tháng đối với người đứng đầu cơ sở là bác sĩ Nguyễn Kim Sơn.

Ngoài ra, 3 phòng mạch khác, gồm phòng mạch của bác sĩ Đỗ Xuân Nguyên, ở 20A Trần Quang Khải, quận 1; bác sĩ Nguyễn Văn Đông, ở 60 Nguyễn Trường Tộ, quận 4 và phòng mạch của bác sĩ Võ Đức Trí, ở 19 Cây Keo, quận Tân Phú bị phạt hơn 14 triệu đồng.

Để “đánh bóng” tên tuổi và phòng mạch của mình, nhiều bác sĩ đã thuê một “đội quân” đi phát tờ rơi và cả cánh xe ôm chuyên “săn” bệnh nhân rồi đưa tới phòng mạch để ăn chia hoa hồng. Khi chúng tôi đi đến bệnh viện Da liễu trên đường Nguyễn Thông, quận 3, vừa đảo qua khỏi ngã tư đường Võ Thị Sáu và Bà Huyện Thanh Quan đã bị “cò” đón lõng tiếp thị ngay: “Anh có phải đi khám bệnh không?

Nếu khám về da liễu nên đến phòng mạch của bác sĩ Vương Tự Kiên ở số 127 Bà Huyện Thanh Quan, vừa tiện lợi vừa có bác sĩ giỏi?! Ông ấy là Phó khoa Da liễu đó! Bác sĩ Kiên khám chỉ mất có 10.000 đồng thôi. Còn vào bệnh viện thì giá cả trên trời, vừa mất công chờ mà bác sĩ cũng khám qua loa lắm!”.

Vừa mới thoát được “cò” ở phòng mạch bác sĩ Kiên, ở đầu đường Nguyễn Thông lại gặp một đám “cò” khác đón lõng để tiếp thị vào phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt ở số 10 Trần Đình Toái gần đó. Một “cò” trong số đó đon đả: “Bác sĩ Nguyệt từng phụ trách chuyên khoa của bệnh viện Da liễu, nổi tiếng ai cũng biết.

Không chỉ chữa cho bệnh nhân ở thành phố mà ở miền Tây, thậm chí ngoài Bắc cũng vào đây. Anh tìm đến bác sĩ Nguyệt là đúng chỗ rồi!”. Rồi “cò” tiếp thị tuyên bố “không lấy một cắc tiền xe ôm”.

2-3 năm không “đụng” thanh tra

Trao đổi với Tiền phong, ngày 15/1, bác sĩ Đặng Văn Quỳ- Trưởng phòng Quản lý dịch vụ Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến tháng 11/2007, toàn thành phố có gần 13.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Trong đó, phòng khám đa khoa có 78 cơ sở, phòng mạch chuyên khoa 5.732  cơ sở và 9 bệnh viện đa khoa tư nhân, 7 phòng khám vốn nước ngoài. Ngoài ra còn có hàng nghìn nhà hộ sinh, dịch vụ y tế, phòng chẩn trị y học cổ truyền…

Trong khi đó, theo bác sĩ Quỳ, hiện tại Sở Y tế chỉ quản lý về các bệnh viện quận, huyện; bệnh viện tư và các phòng mạch nước ngoài, phần còn lại giao cho phòng y tế quận, huyện quản lý, Sở chỉ đi tái kiểm tra khi có “dấu hiệu không minh bạch”. Và, theo bác sĩ Quỳ, hiện Phòng Quản lý dịch vụ y tế chỉ có 6 nhân viên nên không thể kiểm soát nổi.

Trong khi đó, Thanh tra Sở Y tế thì mỗi năm chỉ đi kiểm tra 2 đợt, tuy nhiên việc kiểm tra cũng chỉ tập trung vào những cơ sở có vấn đề. Phần còn lại “khoán” cho phòng y tế quận huyện thanh tra.

Trong đợt đi kiểm tra Phòng khám đa khoa Bình An, ở phường 26, quận Bình Thạnh vào ngày 8/1 vừa qua, thanh tra Sở Y tế bất ngờ khi nhiều sai phạm ở phòng mạch này tồn tại gần 2 năm qua nhưng ngành chức năng ở địa phương gần như không hề hay biết.

Không chỉ ở Bình Thạnh, mà tại quận 11, cuối năm 2007 thanh tra còn phát hiện quận này có đến 200 phòng mạch vi phạm, từ bác sĩ vừa khám vừa kê toa bán thuốc, không giấy tờ sổ sách, thậm chí có 2 phòng mạch không có giấy phép hành nghề nhưng quản lý y tế ở đây vẫn không biết (?!).

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG