Hơn 30 năm gắn bó ở nhà xác của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, ông Nguyễn Hoàng Minh, 51 tuổi không còn nhớ rõ mình đã lau chùi, mặc quần áo và “làm đẹp” cho bao nhiêu thi thể vô danh trước khi khâm liệm. “Mỗi năm có khoảng 20-30 xác người vô danh được chúng tôi khâm liệm và bảo quản”- ông Minh kể.
Không người đưa tiễn
Cuốn sổ ghi thông tin về những thi thể vô danh đã dày lên trong tập hồ sơ ở nhà Vĩnh Biệt của BV Chợ Rẫy. Ông Lê Văn Trung - bảo vệ của nhà xác tại đây, ngồi tỉ mẩn lật từng trang kể về hoàn cảnh cái chết của từng người vô thừa nhận được lưu lại.
“Nữ khoảng 30 tuổi chết vì bỏng nặng”- ông Trung nói. Người phụ nữ này không rõ tên, không địa chỉ và không người thân. Cuối cùng các bác sĩ đã phải gán cho người đàn bà xấu số một mã với 5 chữ số “42440”.
Họ lấy dãy số này để gọi tên mỗi khi cần làm việc gì đó với thi thể. Ông Lê Văn Trung đọc chậm rãi những thông tin ít ỏi về con người được gắn mã số 42440 này: “Ngày 13/6/2014, Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM đưa một phụ nữ vào viện trong tình trạng bị bỏng độ 4 với diện tích 90% cơ thể kèm suy hô hấp. Một ngày sau bệnh nhân tử vong. Không người thân thích”.
Sau khi khám nghiệm tử thi, ông Nguyễn Hoàng Minh ở bộ phận giải phẫu pháp y trong khu nhà Vĩnh Biệt của BV Chợ Rẫy cùng những đồng nghiệp của mình tắm rửa, chăm chút và mặc áo quần cho nạn nhân.
Người phụ nữ xấu số được đưa vào khu bảo quản lạnh với nhiệt độ luôn - 40 độ C và ngày ngày được ông Minh cùng đồng nghiệp thay phiên canh gác.
Đã 5 ngày, rồi 10 ngày trôi qua những thông tin để nhận dạng nạn nhân được lan truyền trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn chưa có người thân nào đến nhận.“Cháu khoảng 10 tuổi, trong hồ sơ ghi vô danh. Tội lắm! Khi khâm liệm cho cháu, anh em chúng tôi đều thắp hương cầu nguyện mong trời phật độ trì để có người thân đến đón cháu về. Vậy mà linh nghiệm, gần đến ngày đưa cháu đi hỏa táng thì một người bà con bên mẹ cháu tới nhận”.
Ông Nguyễn Hoàng Minh
Ông Minh và những người ở nhà xác vẫn trông ngóng. 30 ngày, thời hạn cuối theo quy định phải đưa thi thể vô danh đi hỏa táng nhưng những mong chờ người thân của “người mang tên số” vẫn bặt vô âm tín.
Dù rất muốn giữ người phụ nữ xấu số ở lại, nhưng quy định chỉ được “lưu trú” 30 ngày, vậy là những người ở nhà xác phải nói lời chia tay với xác vô danh.
Ông Minh báo lên lãnh đạo BV để tiến hành làm hợp đồng mai táng người vô thừa nhận với Công ty dịch vụ môi trường TPHCM.
Sáng hôm sau, xác vô thừa nhận được vận chuyển ra khỏi nhà lạnh, đưa vào quan tài và lặng lẽ rời nhà xác trên chiếc xe tang tiến về khu vực hỏa táng Bình Hưng Hòa. Tro cốt của người vô thừa nhận được để vào bình, gửi vào nhà chùa hoặc có trường hợp gửi lại nơi nhà xác vô danh ở lò thiêu.
Gần một tháng sau khi bệnh nhân “42774” tử vong, ông Trung và đồng nghiệp vẫn mong ngóng có người thân của họ đến gõ cửa. Nhưng hy vọng tắt dần khi đến ngày đưa thi thể không tên đi hỏa táng vẫn không có bóng dáng ai hỏi han.
Ông Trung kể: “3 giờ chiều 14/6/2014, bệnh nhân được những người đi đường đưa vào Khoa Nội tiết của BV Chợ Rẫy cấp cứu với triệu chứng viêm phổi, bệnh đái tháo đường kèm suy kiệt. Một ngày sau, bệnh nhân tử vong”.
Ông Trung đưa tờ phiếu chuyển từ Khoa Nội tiết xuống nhà Vĩnh Biệt. “Nam bệnh nhân khoảng 65 tuổi, không tên, không rõ dân tộc và địa chỉ, tử vong do viêm phổi kèm suy kiệt nặng”- những dòng ghi ngắn gọn trong sổ vô danh. Các bác sĩ đã đặt cho thi thể xấu số cái “tên”: 42774.
Lặng lẽ bên những thi thể vô danh
Hơn 30 năm làm việc ở đây, ông Minh nói chỉ khoảng vài trường hợp có người thân đến nhận dạng thi thể và xin đưa về. Còn lại, họ đều lặng lẽ ra đi mà bên cạnh không có một người thân thích. Năm năm trước, khi cùng pháp y giải phẫu một cháu bé tìm nguyên nhân cái chết, ông Minh đã khóc rất nhiều.
“Cháu khoảng 10 tuổi, trong hồ sơ ghi vô danh. Tội lắm! Khi khâm liệm cho cháu, anh em chúng tôi đều thắp hương cầu nguyện mong trời phật độ trì để có người thân đến đón cháu về. Vậy mà linh nghiệm, gần đến ngày đưa cháu đi hỏa táng thì một người bà con bên mẹ cháu tới nhận”.
Ở khu hỏa thiêu Bình Hưng Hòa, anh Mã Quang Nhiều, 41 tuổi là người coi sóc những hũ tro cốt của người vô danh. Anh Nhiều làm công việc này đã hơn 10 năm. Cứ mỗi tối về, dù đã quen với cảnh canh hũ tro cốt và xác vô danh chưa hỏa thiêu nhưng anh Nhiều cùng đồng nghiệp lắm khi cũng cảm thấy có chút ớn lạnh.
“Có những trường hợp lưu giữ vài ngày thì có người đến nhận nhưng cũng có trường hợp lưu cả năm vẫn không thấy bóng ai. Lúc ấy mới hỏa táng” - anh Nhiều kể.
Một góc nhà Vĩnh Biệt của BV Chợ Rẫy luôn nghi ngút khói hương mỗi khi chiều về. Những thân nhân và người bệnh đang điều trị thường lại bên một số hũ tro cốt vô danh thắp một nén hương mong những số phận này bớt đi tủi hờn.