Cứ mỗi chiều thứ Bảy, các TNV của Trash Hero lại có mặt ở khu vực bờ biển, bờ sông, điểm nóng rác thải để nhặt rác Ảnh: Giang Thanh |
Cùng nhặt rác, cùng lan tỏa tình yêu Đà Nẵng
Chiều cuối tuần, Phoenix Transtar (du khách Mỹ) có mặt ở khu vực bãi biển trên đường Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Dựng chiếc xe máy trên vỉa hè, anh lấy một xấp bao tải dứa, găng tay và que nhặt rác và bắt đầu dọn vệ sinh khu vực bờ biển. Chỉ khoảng vài phút đi dọc trên bờ cát, bới nhặt dưới những lớp rau muống biển phủ xanh rì, Phoenix nhặt được gần chục chai nhựa, hộp xốp và kim tiêm. Cẩn thận lấy chiếc túi giấy nhét sẵn trong túi quần, Phoenix cho hết kim tiêm vào một chỗ, sau đó, lớn tiếng cảnh báo tụi nhỏ đang chơi quanh đó về nguy cơ của những chiếc kim tiêm lẩn khuất bằng tiếng Việt lơ lớ.
Là một thành viên của Trash Hero Đà Nẵng, việc dành những chiều thứ Bảy mỗi tuần để tham gia dọn rác ở khu vực bờ biển, bờ sông… đã trở nên quen thuộc với Phoenix. Cách đây 2 năm, khi tới Đà Nẵng, anh tình cờ nhìn thấy một nhóm người nước ngoài đang nhặt rác ở khu vực bờ sông. Thấy tò mò, anh lân la lại hỏi và cùng tham gia. Cứ như vậy, Phoenix trở thành thành viên tích cực của nhóm.
“Đà Nẵng rất đẹp với thiên nhiên hùng vĩ, nhưng đâu đó vẫn có những “điểm đen” rác thải. Từ tình yêu với Đà Nẵng, tôi muốn hành động nhỏ của mình có thể lan tỏa tình yêu môi trường đến nhiều người hơn, đặc biệt là người dân và các bạn trẻ Đà Nẵng, để tất cả cùng chung tay giữ gìn thành phố này”, Phoenix nói.
Chỉ sau vài phút, khu vực bờ biển đã có khoảng 10 tình nguyện viên, đa phần là người nước ngoài. Không ai bảo ai, mọi người chủ động lấy bao tải, đeo găng tay và chia nhau ra dọn rác. Cắm lá cờ Trash Hero Đà Nẵng lên bãi cát, chị Mai Thị Kim Ánh (phụ trách nhóm) cho biết, nhóm được thành lập từ tháng 9/2022 với những thành viên nòng cốt đều là du khách nước ngoài và những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng. Người đầu tiên khởi xướng hoạt động này là Benjamin Lawson – một du khách Mỹ trót yêu Đà Nẵng và lựa chọn nơi này để gắn bó.
Buổi nhặt rác đầu tiên, chỉ có Benjamin và một vài người bạn nước ngoài. Sau đó, cứ mỗi lần tổ chức nhặt rác, anh lại đăng thông tin lên các hội, nhóm người nước ngoài trên facebook để mời gọi mọi người cùng tham gia. Dần dà, qua mỗi buổi nhặt rác, số lượng người tham gia ngày càng đông, Tây có, ta có. Họ có đủ quốc tịch, nghề nghiệp, có thể chỉ ghé chân lại Đà Nẵng đôi ba tháng hay sống và làm việc ở Đà Nẵng vài năm nay. Nhưng tất cả có chung tình yêu môi trường và yêu Đà Nẵng, để giữ Đà Nẵng thêm đẹp, thêm “đáng sống” mỗi ngày.
Sau này, khi Benjamin chuyển vào TP Hội An (Quảng Nam), các hoạt động của nhóm vẫn tiếp tục được duy trì thường xuyên với sự hỗ trợ của chị Ánh. Trong tuần, chị Ánh sẽ dành một buổi để khảo sát các khu vực dọc biển, dọc bờ sông, chân cầu... Ở đâu có nhiều rác, chị sẽ đánh dấu lại địa điểm và thông báo lên nhóm facebook và các hội, nhóm người nước ngoài ở Đà Nẵng để kêu gọi mọi người cùng tham gia. Sau gần 2 năm hoạt động, nhóm đã tổ chức được gần 80 buổi nhặt rác với gần 7 tấn rác được thu gom, mỗi buổi thu hút từ 10 - 50 tình nguyện viên.
“Từ một nhóm nhỏ của những người nước ngoài, Trash Hero dần dần thu hút đông đảo tình nguyện viên tham gia, trong đó có rất nhiều người Đà Nẵng. Đó cũng là thành công của nhóm khi lan tỏa được thông điệp sống xanh, cùng nhau góp những hành động nhỏ để làm cho Đà Nẵng sạch hơn, đáng sống hơn mỗi ngày”, chị Ánh nói.
Bà Rebekah Winsdor, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức AOGWR tại Việt Nam, trao sinh kế hỗ trợ cho các gia đình khó khăn. Ảnh: NVCC |
“Bà đỡ” của trẻ em nghèo
Hơn 13 năm gắn bó với Đà Nẵng, đôi vợ chồng người Australia Rebekah Windsor và Kelvin Anthony Windsor trở thành “bà đỡ” cho hàng ngàn trẻ em nghèo không may mắn ở những vùng khó khăn của Quảng Nam - Đà Nẵng. Lần đầu gặp vợ chồng Rebekah, chắc chắn ai cũng dễ ấn tượng bởi sự thân thiện và dễ mến. Trong hành trình hơn một thập kỷ gắn bó với Tổ chức cứu tế Thế giới - Úc (Tổ chức AOGWR), dấu chân của đôi vợ chồng Tây đã in khắp huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), huyện Nam Trà My, Bắc Trà My… (Quảng Nam) để giúp đỡ cho các gia đình và trẻ em khó khăn.
Nhớ lại những ngày đầu mới đặt chân đến Đà Nẵng, bản thân Rebekah (Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức AOGWR tại Việt Nam) cũng ngạc nhiên với sự trở mình và vươn lên của thành phố này. “Thời điểm đó, mọi thứ đều rất khác, Đà Nẵng không phát triển và hiện đại như thế này. Khu vực Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung còn khó khăn và cần nhiều sự hỗ trợ. Bởi vậy, chúng tôi lựa chọn ở lại và phát triển các dự án với định hướng hỗ trợ cộng đồng”, bà kể. Hơn một năm sau, chồng bà - ông Kelvin sang thăm và cũng “phải lòng” với Đà Nẵng. Ông quyết định trở lại và đồng hành với vợ mình trong hành trình vì cộng đồng với vai trò Giám đốc dự án của Tổ chức AOGWR.
Cùng sinh ra trong những gia đình lao động bình thường, vợ chồng bà Rebekah hiểu được khó khăn của các gia đình không có điều kiện về kinh tế, phải bươn chải để chăm lo cho con cái mình được ăn học. “Chúng tôi không giàu có để đem tiền bạc đến giúp đỡ cho mọi người, nhưng chúng tôi có tình yêu thương, sự sẻ chia, sẵn sàng trao đi, sẵn sàng làm cầu nối để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, ông Kelvin nói.
Như chương trình hỗ trợ cho trẻ em khó khăn mắc bệnh tim bẩm sinh, nếu trước đây, các dự án chỉ tập trung vào việc hỗ trợ chi phí để các em phẫu thuật thì sau này, chương trình đã phát triển theo hướng sàng lọc trên diện rộng cho trẻ em từ 1-6 tuổi. “Khi được can thiệp sớm, các em sẽ có thể phát triển tốt hơn, toàn diện hơn, tiết kiệm được chi phí phẫu thuật. Trong năm 2023, chúng tôi tổ chức khám sàng lọc cho gần 31,3 nghìn trẻ em trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, con số đó đã là gần 39 nghìn trẻ em chỉ tính riêng địa bàn Đà Nẵng. Đó là niềm tự hào rất lớn của chúng tôi khi có thể kịp thời sàng lọc và hỗ trợ các em”, bà Rebekah nói.
Nhiều năm qua, vợ chồng ông bà Rebekah Windsor cũng triển khai nhiều dự án giáo dục dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa của Đà Nẵng, Quảng Nam, như các chương trình nước sạch cho trường học, trạm y tế…; đào tạo các kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho trẻ; tổ chức trại hè tiếng Anh cho học sinh Tiểu học và THCS; xây dựng sân chơi cho trường học…
Bên cạnh đó, Tổ chức AOGWR cũng chú trọng các hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình ở các vùng khó khăn, đặc biệt với các trường hợp mẹ đơn thân. Với tư duy “trao cần câu, không trao con cá”, các chuyên gia đồng hành tư vấn, hỗ trợ cho các hộ gia đình để phát triển kinh tế bền vững dựa trên nền tảng nông nghiệp, phù hợp với điều kiện địa phương. “Điều đó giúp các người dân có sinh kế bền vững, có thể tự nuôi sống gia đình và có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái. Thay vì như trước đây, chúng tôi chỉ để và trao quà, nhưng điều đó chỉ giải quyết được phần ngọn và không giải quyết được gốc rễ vấn đề”, ông Kelvin chia sẻ.