Những ông chủ nước ngoài “chạy” quota khai gì?

Những ông chủ nước ngoài “chạy” quota khai gì?
Bị can Lai Wai Hung, quốc tịch Trung Quốc, P. TGĐ Cty Sun Dance clothing VN khai đã đến nhà ông Mai Văn Dâu từ 6 đến 7 lần. Bị can Tăng Phát Bảo khai 2 lần đến nhà ông Dâu để "nhờ" xin quota giúp.
Những ông chủ nước ngoài “chạy” quota khai gì? ảnh 1
Ông Mai Văn Dâu

Ðây là 2 ông chủ nước ngoài trong số 18 bị can bị đề nghị truy tố trước pháp luật.

Ký cả hợp đồng “chạy” quota hàng trăm nghìn đô la

Lai Wai Hung, SN 1952, quốc tịch Trung Quốc. Sau khi học hết PTTH  ở Hồng Kông, Lai Wai Hung lần lượt leo từ một nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm, lên GĐ rồi P. Tổng giám đốc Cty cho đến trước khi bị bắt.

Sun Dance là Cty 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư năm 2002, thì đầu năm 2003 Lai trở thành P. Tổng GĐ. Biết VN chuẩn bị áp dụng hạn ngạch hàng dệt may sang thị trường Mỹ, Lai tìm người đại diện cho Cty tại Hà Nội và quen với Bùi Văn Tuấn (GĐ Tomotake).

Sau vài lần gặp gỡ Lai ký hợp đồng ủy nhiệm cho Tuấn thay mặt Cty làm thủ tục xin Bộ Thương mại cấp hạn ngạch (thực chất là “chạy” hạn ngạch), giá 3 USD/tá. Tổng giá trị hợp đồng chạy hạn ngạch là hơn 412 nghìn USD.

Lai còn giới thiệu cho người quen là ông Tsang Tak Lung, TGĐ Cty Leader One ký hợp đồng tương tự với Tuấn, trị giá gần 780 nghìn USD. Sau khi được Tuấn sắp xếp cho gặp ông Mai Văn Dâu, Lai đã chuyển cho Tuấn khoảng 82 nghìn USD tiền tạm ứng của HĐ.

Số tiền này là để cho Tuấn quan hệ, biếu xén một số cán bộ Bộ Thương mại phụ trách việc phân phối hạn ngạch. Số tiền này Tuấn đã đưa cho Nguyễn Cương (trong tổng số 140 nghìn USD Cương nhận từ Tuấn) và hai bố con ông Mai Văn Dâu (trong số 10 nghìn USD “quà biếu”, nhưng cả hai đều không thừa nhận).

Thế nhưng Tuấn chẳng chạy cho Sun Dance được món quota nào, lại sa vào cảnh công nợ đầm đìa, sau đó còn bị CQ CSĐT về kinh tế và chức vụ Bộ Công an bắt để điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Số tiền dùng để hối lộ Lai “đầu tư” cho Tuấn chẳng biết đến bao giờ mới thu hồi được.

Thấy Tuấn bất lực, Lai Wai Hung quay ra bắt mối trực tiếp với Nguyễn Cương (Phó ban QL các khu chế xuất TPHCM). Trước đó Lai đã từng có ân nghĩa với Cương khi cho Cương vay 30 nghìn USD.

Lai đặt giá 3,6 USD/tá, Cương đồng ý. Sự hợp tác lần này có vẻ “suôn sẻ” hơn, Sun Dance được cấp hạn ngạch 3 lần. Sau đó Lai 2 lần trực tiếp thanh toán tiền công cho Cương, tổng cộng 18 nghìn USD. Số tiền này cùng với tiền của Bùi Văn Tuấn (Cty Tomotake), Wu Chun Te (Cty Lawn Yard), Chou Ming Chen (Cty Đế Vương) Cương khai đã biếu ông Mai Văn Dâu 38 nghìn USD, Lê Văn Thắng 30 nghìn USD, biếu mang tính xã giao (?) một số cán bộ Bộ Thương mại 4,5 nghìn USD.

Bị can Lai Wai Hung khai đã được Nguyễn Cương dẫn đến nhà ông Mai Văn Dâu 6 đến 7 lần để hỏi và đưa hồ sơ xin hạn ngạch. Bị can Mai Văn Dâu chỉ thừa nhận có 4 lần và cả 4 lần đó bị can này đều có bút phê lên công văn của Sun Dance, đưa lại cho Lai Wai Hung và Nguyễn Cương để nộp Vụ XNK. Bị can Mai Văn Dâu khai trong những lần này chỉ có 2 lần nhận từ Nguyễn Cương 4 nghìn USD tại nhà riêng.

Những hành vi đặt giá, đưa tiền cho Tuấn và Cương để hối lộ, chạy hạn ngạch của bị can Lai Wai Hung đã phạm vào tội “đưa hối lộ”. Được biết hiện nay gia đình Lai Wai Hung đã nộp tiền bảo lãnh 40 nghìn USD để cho bị can này được tại ngoại.

Hối lộ cán bộ để nhận visa khống xuất hàng vào Mỹ

Tăng Phát Bảo là người Hoa, nhưng có hộ chiếu Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan. Năm 1992 Tăng tham gia đầu tư vào casino Đồ Sơn. Ngoài ra Tăng còn là người “năng động” có “công” gọi các ông chủ Hồng Kông đầu tư vào lĩnh vực hàng dệt may của VN vì khi ấy mặt hàng này chưa bị áp dụng hạn ngạch. Thế là hình thành “nhóm Tăng Phát Bảo”, trong tay có hàng chục Cty dệt may trên địa bàn Hải Phòng, riêng Tăng đầu tư vào 8 Cty.

Khi mặt hàng dệt may bị áp hạn ngạch, Tăng cùng “nhóm” của mình đã tìm mưu tính kế để xin được càng nhiều quota càng tốt. Nhóm Tăng đã lừa dối các cơ quan chức năng ở Hải Phòng, khai vống năng lực sản xuất. Kết quả, năm 2003, 3 Cty của chúng đã được Bộ Thương mại cấp vượt mức hạn ngạch trên 6 nghìn tá.

Không dừng lại đó, Tăng tìm cách tiếp cận Trần Văn Sửu (nguyên Trưởng phòng QL XNK khu vực Hải Phòng) để nhờ Sửu giúp đỡ. Tăng Phát Bảo khai 2 lần nhờ Trần Văn Sửu đưa đến nhà riêng bị can Mai Văn Dâu để xin hạn ngạch, biếu 4 chai rượu Henessy XO (100USD/chai) và 1 nghìn USD.

Tăng còn 2 lần nhờ ông Đỗ Cường Thanh (GĐ  Sở TM Hải Phòng) đưa đến nhà bị can Dâu, biếu thêm 2 chai Henessy XO và 500 USD. Bị can Dâu khai chỉ nhận rượu, bánh kẹo, thuốc lá... nhưng không thừa nhận số tiền hối lộ mà Tăng đã khai.

Thấy việc xin hạn ngạch ở nhà bị can Mai Văn Dâu không xong, hàng thì đang “khát” quota, Tăng Phát Bảo đặt vấn đề với Trần Văn Sửu cấp khống visa cho hàng của những doanh nghiệp thuộc nhóm Tăng vào Mỹ. Tiền bồi dưỡng là 0,5 USD/tá.

Đầu năm 2004, Tăng Phát Bảo tìm cách tiếp cận Lê Văn Thắng xin hạn ngạch nhưng bị Thắng từ chối vì “hết hàng”. Sau đó Tăng cùng đồng nghiệp đến nhà riêng của Thắng đặt lại vấn đề, nhưng Thắng vẫn trả lời không giúp được. Lần này họ biếu Thắng 1 chai rượu Henessy XO (giá 100 USD) và 500 USD.

Phần Thắng, khai chỉ nhận rượu, không nhận tiền. Hám lợi và liều lĩnh Sửu làm việc động trời là cấp visa khi chưa được Bộ TM cấp hạn ngạch, cho nhóm của Tăng hơn 170 nghìn tá sản phẩm.

Sửu nhận bồi dưỡng 9 nghìn USD nhờ có thành tích này. Và cũng vì “thành tích” này mà Sửu đã bị đề nghị truy tố tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” và tội “nhận hối lộ”; còn Tăng bị đề nghị truy tố tội “đưa hối lộ”.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.