Những ông bầu đang kề bên... “ghế điện”

Những ông bầu đang kề bên... “ghế điện”
TP - Không chỉ riêng HLV tuyển Đức Klinsmann, trong số 32 HLV đội tuyển quốc gia dự VCK World Cup 2006 trên đất Đức hè tới còn ít nhất 3 người nữa cũng đang kề bên... “ghế điện”.
Những ông bầu đang kề bên... “ghế điện” ảnh 1
Klinsmann hồi còn là cầu thủ được tin cậy hơn hiện tại
Những ông bầu đang kề bên... “ghế điện” ảnh 2
HLV đội tuyển Anh Sven Goran Eriksson
Những ông bầu đang kề bên... “ghế điện” ảnh 3
HLV tuyển Pháp Raymond Domenech
Những ông bầu đang kề bên... “ghế điện” ảnh 4
HLVtuyển Tây Ban Nha Luis Aragones

Đó là HLV đội tuyển Anh Sven Goran Eriksson, HLV đội tuyển Pháp Raymond Domenech và HLV đội tuyển Tây Ban Nha Luis Aragones.

Cả ba HLV này cũng đều đang phải giơ đầu chịu báng dẫu đã dẫn dắt đội nhà vượt qua vòng loại World Cup đầy kịch tính.

Và với cả người kể trên, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ ở VCK mùa hè tới, sự nghiệp cầm quân của họ coi như lập tức đi tong.

Việc giành vị trí thứ ba tương đối khả quan tại Cup các Liên đoàn châu lục mùa hè qua sau Brazil và Argentina cũng chỉ giúp Klinsmann có một thời gian “dễ thở” tương đối ngắn.

Chiếc ghế của ông lập tức lại bị nung nóng sau những thất bại bẽ bàng trước Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ. Một trận hòa trước Hà Lan và 2 chiến thắng nhạt thếch trước những đối thủ nhẹ ký Nam Phi và Trung Quốc chỉ càng đẩy bầu không khí bực tức trong dư luận Đức đến đỉnh điểm.

Việc ông chủ các CLB ở Bundesliga phê phán phương pháp huấn luyện của Klinsmann chỉ là cái cớ, thực ra họ cảm thấy rất chướng khi Klinsmann quanh năm sống ở Mỹ nhưng suốt ngày ra rả chỉ trích các CLB Đức xuống dốc.

Ngoài ra, việc Klinsmann bị coi là bỏ bê các tài năng khác của đội tuyển, chỉ tin dùng tới mức lệ thuộc vào tiền vệ Michael Ballack, và không sao tạo ra được một “chất thép” truyền thống cho hàng phòng ngự đã khiến dư luận Đức rất bất bình.

“Klinsmann, tại sao chúng ta đá dở thế ?”, nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất nước Đức Bild giật  tít  sỗ sàng sau thất bại của đội nhà trước Thổ tại Istanbul.

Hay lời cay nghiệt của tờ Bild am Sonntag sau lễ bốc thăm VCK World Cup ở Leipzig: “Hoan nghênh các bạn tới Đức, nơi các bạn sẽ không có gì phải sợ đội chủ nhà”.

Nhiều người cho rằng nếu như mối quan hệ giữa HLV các CLB ở Bundesliga với Klinsmann không được cải thiện, World Cup này có thể sẽ là một thảm bại của người Đức ngay trên sân nhà. 

Những đòn công kích Eriksson, dù không cay nghiệt như những gì mà Klinsmann phải chịu đựng, nhưng lại làm nhà cầm quân Thụy Điển này sửng sốt vì ông đã đưa sư tử Anh tới Đức trên tư cách đầu bảng.

Những người hâm mộ cùng giới báo chí Anh thì tỏ ra hết sức “cực đoan”, họ vẫn chưa bỏ qua thái độ của Eriksson với “vẻ mặt cứ thản nhiên như không” ở thời điểm tấm vé dự VCK World Cup của Anh bị đối thủ áo đe dọa, và đến giờ vẫn không ngừng bóng gió đòi Eriksson từ chức.

Tuy nhiên Eriksson cũng tỏ ra hết sức cứng rắn, sẵn sàng chấp nhận thách thức: “Một số kẻ chỉ muốn tôi từ chức ngay trong ngày mai. Nhưng đội bóng của tôi đã kết thúc vòng loại ở vị trí nhất bảng và  đội tuyển Anh đang có một đội hình hoàn hảo nhất kể từ ngày tôi dẫn dắt.

Tôi sẽ là một HLV rất tồi nếu như đệ đơn từ chức vào lúc này. Tôi chưa bao giờ có ý định làm việc đó”. Sự thực thì ở chừng mực nào đó, báo chí và dư luận Anh vừa nể lại vừa không ưa vị HLV ngoại quốc này.

Bên kia eo biển Manche HLV Domenech cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự nhưng so với Eriksson, có lẽ Domenech đáng thương hơn bởi ông chưa có được sự lạnh lùng và cứng rắn như nhà cầm quân Thụy Điển.

Tờ France Football  lên tiếng dù  Pháp đã vượt qua vòng loại, nhưng ai cũng có quyền đặt dấu hỏi nghi vấn về trình độ của HLV Domenech. Khốn khổ cho Domenech bởi đội tuyển Pháp cũng phải chờ tới trận vòng loại chót mới đảm bảo có mặt ở VCK World Cup và chiến thắng đậm 4-0  trước đội tuyển Síp bé nhỏ chỉ nhận được những tiếng la ó chế giễu của đồng bào ông.

Có lẽ Domenech chỉ tìm được một đồng minh duy nhất cho mình, đó là cuộc thăm dò dư luận trên tờ Le Jounal du Dimanche trong đó 79% độc giả cho rằng chưa nên vội vàng sa thải Domenech lúc này.

Với ông bầu Aragones, sau lần bị phạt tiền vì dại miệng nói những lời lẽ phân biệt chủng tộc với Thierry Henry, ông lại làm công chúng Tây Ban Nha cảm thấy xấu hổ về việc chỉ kiếm được vé tới Đức qua cánh cửa hậu.

Trận play-off với Slovakia (dù Tây Ban Nha thắng áp đảo dễ dàng) vẫn bị coi là một sự sỉ nhục với xứ đấu bò tót nơi có giải  Premira Liga được coi là mạnh nhất hành tinh cùng đội tuyển được mệnh danh “những ông vua vòng loại”.

Khó có khả năng Klinsmann, Eriksson, Domenech và Aragones bị sa thải trước lễ hội mùa hè. Nhưng ngay từ bây giờ, “ghế điện” đã kề bên những nhà cầm quân của 4 đội bóng hàng đầu châu Âu.

MỚI - NÓNG