Những người trẻ theo đuổi dải ngân hà

Các bạn trẻ đi dã ngoại.
Các bạn trẻ đi dã ngoại.
TP - Đúng như người ta nói “cùng nhau đi đến cùng trời cuối đất”, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Thiên văn nghiệp dư TPHCM (HAAC) đã có 9 năm gắn bó với nhau trên những nẻo đường chinh phục kiến thức thiên văn. Họ “vừa học vừa làm” để dần mở rộng tầm mắt vươn ra những nơi xa xôi của vũ trụ.

Khám phá bí mật cuối trời

CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM được thành lập với điều lệ đơn giản là thu hút “Tất cả mọi người yêu thiên văn từ 12 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, nơi cư trú, quan điểm chính trị, tôn giáo” nhằm “gặp gỡ giao lưu trao đổi kiến thức”, “phổ biến kiến thức và tình yêu thiên văn trong mọi giới, đặc biệt là giới trẻ sinh viên, học sinh”. 

Nhật Hạ, một nữ thành viên của CLB tham gia từ thời kỳ đầu tiên đến nay nói: “Hội viên của chúng em không chỉ ở TPHCM mà còn nhiều tỉnh thành phía Nam. Khoảng 70 hội viên hoạt động tích cực, thường xuyên. Số còn lại thì tham gia qua internet và các sinh hoạt chung, số lượng vài trăm người, trong những hội thảo, những diễn đàn thì thu hút rất nhiều bạn trẻ tham dự và đóng góp ý kiến”.

Minh Việt, một thành viên của HAAC kể: “Em yêu thích thiên văn và quan tâm đến CLB từ khi em còn nhỏ, nhưng bố mẹ nói phải tập trung việc học! Khi vừa có điểm đỗ đại học xong, em liền đăng ký xin vào CLB”. Trong thời gian học Đại học Tôn Đức Thắng, Minh Việt đã tham gia vào nhiều chuyến dã ngoại, chụp ảnh thiên văn. 

Việt nói: “Em sinh viên nên không có nhiều tiền đầu tư, chỉ mua một cái ống nhòm 2 triệu đồng, cũng đủ nhìn thấy những cái hốc trên mặt trăng”. Bạn có cái máy ảnh kỹ thuật số nhỏ và thường xin các hội viên kỳ cựu chụp ảnh ké bằng kính thiên văn lớn của họ. “Em rất thích lưu lại những khoảnh khắc đẹp của vũ trụ”- mặc dù đã tốt nghiệp đại học và đi làm, Minh Việt vẫn giữ nguyên tình cảm say đắm vũ trụ.

Tự chế

Một CLB nghiệp dư mà các thành viên chủ yếu là sinh viên, người trẻ tuổi, việc khó khăn nhất của họ là kinh phí để đầu tư vào khoa học kỹ thuật. Ban đầu họ chỉ quan sát các hành tinh gần trái đất và kích thước lớn như mặt trăng, mặt trời, sao hỏa… bằng ống nhòm và kính thiên văn bình thường với giá vài trăm đến 1.000 USD. Nhưng dần dần, khi bắt đầu muốn khám phá những hành tinh xa xôi hơn, các bạn trẻ hiểu rằng cần những thiết bị đắt tiền hơn.

Cái khó ló cái khôn, một thành viên của CLB đã tự sản xuất thành công ống nhòm và kính thiên văn mang thương hiệu riêng của mình: “Giá thành rẻ bằng nửa đồ nhập ngoại mà chất lượng như nhau”. Rất nhiều thành viên CLB đã mua các sản phẩm của chính thành viên sản xuất. Minh Việt nói: “Kính thiên văn ngoài thị trường đa số của Trung Quốc, chất lượng rất tệ. Kính của CLB chất lượng tốt, anh em tin dùng”. Phúc, một thành viên nhiệt huyết nhiều năm nghiên cứu sản xuất kính thiên văn được xem như một “nhà sáng chế” của nhóm.

Dần dà, CLB đã sản xuất chế tạo thành công những kính thiên văn có tính năng quan sát các dải ngân hà và những vì sao ở rất xa, ma thường giá của những loại kính này trên thị trường tới hàng trăm triệu đồng. Những thiết bị “tối tân” do các bạn trẻ sản xuất giúp họ tiếp cận những hành tinh xa xôi mà họ vẫn thường được nghe.

Những người trẻ theo đuổi dải ngân hà ảnh 1

Tinh vân Đầu ngựa (Horsehead Nebula) và Tinh vân Ngọn lửa (Flame Nebula) trong Đám mây Phân tử Orion (Orion Molecular Cloud) cách chúng ta 1.300 năm ánh sáng. Ảnh: Nguyễn Tân Khải (HAAC) chụp.

Những nhiếp ảnh gia

Khi CLB mới thành lập, mọi người đã mơ ước nhóm có một nhà nhiếp ảnh thiên văn trẻ đúng với tiêu chí của họ để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của các thiên hà và vũ tru. Song phần lớn họ đều chỉ chụp ảnh kiểu nghiệp dư. Thành viên lớn tuổi có chú Pháp làm nghề xây dựng, nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, song chú lại chỉ dùng ống nhòm.

Sự trưởng thành theo năm tháng của CLB đã tôi luyện nên những thành viên vững vàng hơn về nghề. Hiện nay, nhiếp ảnh gia chủ chốt của nhóm là bạn Khải với máy ảnh được đầu tư hơn 50 triệu đồng và quan trọng hơn là Khải có thể sử dụng được các thiết bị chup ảnh chuyên dụng dành chụp thiên văn do CLB mua và sản xuất.  Thật thú vị khi biết được Khải đã tham gia vào CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM từ năm còn là học sinh lớp 7. Các bạn khác cũng dần chắc tay máy hơn.

Sự khác biệt của một nhiếp ảnh gia thiên văn là làm việc như một nhà khoa học. Để chụp ảnh lịch trình mặt trăng, suốt một tháng, đêm nào họ cũng phải vác máy đến đúng vị trí đã định để chụp. Các thành viên cho biết: “Nghe tiếng máy ảnh hoạt động xạch xạch mà xót cả ruột! Vì phải chụp ảnh liên tục, trong vòng nhiều tiếng đồng hồ, ghi lại sự chuyển động của trăng sao, không ngừng nghỉ, chỉ sợ đang chụp mà máy ảnh hư hỏng mất”.

Giây phút thăng hoa

Nhật Hạ và ông xã quen nhau trong khi tham gia CLB. Ngắm sao chung, cả hai cùng thích ngắm sao băng, rất khoái. Nhật Hạ kể: “Ngày 12 tháng 8 ở núi Phú Sĩ, Nhật Bản, chúng em leo núi xem mưa sao băng.  Bị thay đổi khí hậu, giảm áp suất, ngoài lạnh trong đổ mồ hôi. Leo núi Phú Sĩ từ 5 giờ chiều, đến đỉnh núi thì 3 giờ sáng, vừa lúc sao băng rơi như mưa, bao nhiều mệt mỏi biến mất hết. Xong cơn mưa sao băng, vội về. Núi Phú Sĩ là núi lửa, không có cây cối, nếu ở lại đến 8 giờ thì cháy da”.

Các thành viên CLB tổ chức ngắm sao ở Tây Bắc, ở Phan Rang, Bà Nà. “Ở thành phố bị ô nhiễm ánh sáng rất nhiều, chỉ thấy ánh sáng trắng, không thấy được ánh sáng xanh của các vì sao” – Minh Việt tâm sự. Ở TPHCM, họ phải ra tới huyện Củ Chi. Họ đi vào những khu rừng sâu, những vùng không có dân cư, nơi đó không có ánh sáng gì tồn tại ngoài ánh sáng từ vũ trụ.  Họ miệt mài chụp ảnh bầu trời từ đầu hôm đến lúc trời sáng bạch thì thu dọn lều trại, rút về thành phố.

CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM đã dần trở nên uy tín trong giới chơi thiên văn Việt Nam. Các hội thảo khoa học, các diễn đàn thiên văn, những cuộc gặp gỡ các nhà thiên văn gạo cội của Việt Nam và thế giới tổ chức tại TPHCM đều thấy có sự hiện diện của các bạn HAAC với màu áo đồng phục của họ. 

Đặng Tuấn Duy, một bạn trẻ chưa lập gia đình, hiện là chủ nhiệm CLB kể: “Các bạn quốc tế ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam có thể sản xuất thiết kế nhiều thiết bị thiên văn mà không phải mua của các hãng lớn”.

Không chỉ điều hành tích cực hoạt động chung, Đặng Tuấn Duy vừa được nhà xuất bản đặt viết và xuất bản một cuốn sách nhập môn về thiên văn dành cho học sinh và những người mới chơi thiên văn. Đó là thành quả khoa học bước đầu.

Đánh giá về tiềm năng ngành thiên văn Việt Nam với các bạn trẻ, Đặng Tuấn Duy vui vẻ: “So với nhiều nước, chẳng hạn so với Trung Quốc thì Việt Nam rất thuận lợi trong việc ngắm, nghiên cứu các vì sao, do đất nước Việt Nam nằm gần đường xích đạo nên có thể ngắm và chụp, quan sát nghiên cứu hầu hết các hành tinh và thiên hà. Những hình ảnh thiên văn quan sát từ Việt Nam thường rất đẹp và được chú ý, được đánh giá cao. Hy vọng nhiều bạn trẻ sẽ đến với lĩnh vực thiên văn học”.

8/2016

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Ủy viên ban chấp hành Hội thiên văn vũ trụ Việt Nam nhận xét với PV báo Tiền Phong: “Tôi đã từng đi quan sát nhật thực cùng CLB HAAC tại Indonesia. Qua làm việc với họ, tôi thấy các bạn ấy còn rất trẻ và sinh hoạt trong CLB nghiệp dư nhưng hết sức tâm huyết, đầu tư nhiều tiền bạc thời gian cho thiên văn. Cách quan sát thiên văn của các bạn ấy cũng rất tốt, rất nhiều kinh nghiệm. Tôi cũng đã viết một bài báo trên tạp chí khoa học về thiên văn đề nghị quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các CLB thiên văn trẻ như HAAC để phong trào nghiên cứu thiên văn phát triển mạnh mẽ trong các bạn trẻ”.

MỚI - NÓNG