Niềm vui người thiện nguyện
6h tối ngày rằm tháng bảy, các nhân viên của Tịnh Thư Quán lại cùng khoảng 20 TNV bắt đầu chuyến hành trình phát đồ ăn cho người lao động nghèo trên đường phố Hà Nội.
Đây là lần tham gia đầu tiên của Ngọc Oanh (sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội). Oanh bảo, “mình biết đến hoạt động này qua facebook. Sinh viên như chúng mình chưa có khá giả về kinh tế, nhưng có sức trẻ và lòng nhiệt tình, nên mình tham gia công việc này”.
Theo hướng dẫn của người tổ chức, Oanh được xếp cặp với Quang Tú (sinh viên năm tư ĐH Xây Dựng). Tú chia sẻ, đây là lần thứ ba cậu tham gia công việc này. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, Tú lại cảm thấy tự tin hơn, cuộc sống có ý nghĩa và biết trân trọng hơn những con người lao động.
Ngoài ra, những TNV ở đây phải chia nhau tỏa đi khắp các con phố, mỗi người cầm trên tay hơn chục suất ăn. Đó là món quà họ gửi đến bất cứ người già neo đơn hoặc người nghèo khổ nào gặp được trên đường.
Bạn Phương Dung (cựu sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên) chia sẻ về chuyến đi: “Chúng mình phát tâm ở khu vực đường Láng. Ở đây nhiều người lao động nghèo nhưng không phải ai cũng nhận quà ngay đâu. Có người tỏ ra e ngại vì sợ bị lừa đảo. Có người lại nói cho tiền thì lấy chứ không lấy bánh”.
Các TNV hoạt động ở nhiều nơi. Ảnh: Ngọc Tân
Ấm lòng những kiếp mưu sinh
Nhận lấy chiếc bánh mỳ patê và túi sữa từ các tình nguyện viên, một cô thu phế liệu ở gầm cầu Long Biên nở nụ cười giản dị: “Thế là tối nay không phải đong gạo rồi”.
Sau một thoáng rụt rè, cô trình bày, có người bạn vừa đi vắng, muốn xin thêm một suất ăn nữa. TNV vui vẻ đưa cho cô thêm túi đồ ăn. Đúng lúc đó, bạn của cô trở về với một bao tải phế liệu trên vai nặng trĩu.
Nhờ sự dẫn đường của một TNV, Đào Mỹ Linh (sinh viên năm tư Đại học Văn hóa Hà Nội) có dịp đi sâu vào những con đường ẩm ướt tối tăm đằng sau chợ hoa quả Long Biên.
Cư dân ở đây chủ yếu làm nghề thồ vác hoa quả. Họ trú ngụ trong những căn nhà tuềnh toàng, những túp lều tạm bợ, hoặc như một ông lão chẳng có lều, chỉ nằm tạm trước một mái hiên.
Đến những nơi thế này, Linh mới thấm thía lời anh chủ quán nói với cô trước giờ xuất phát: “Mình được sống khỏe mạnh, có cơm ăn áo mặc, vậy là đã hạnh phúc hơn 70% nhân loại rồi”.
Cô sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội tặng nốt những chiếc bánh, túi sữa cuối cùng cho người dân xóm nghèo. Đôi mắt họ sáng bừng lên niềm cảm kích.
Nơi các bạn trẻ cùng làm từ thiện. Ảnh: Ngọc Tân
Nơi gặp gỡ những tấm lòng
Suốt từ 6 đến 9 giờ tối, trong khi nhiều gia đình đang quây quần bên bữa cơm cúng rằm, những TNV của Tịnh Thư Quán lại không quản mệt nhọc mang từng xuất ăn nghĩa tình đến cho những kiếp mưu sinh nghèo khổ.
Tịnh Thư Quán nằm trên con phố nhỏ Trần Hữu Tước, là quán trà đạo Phật pháp đầu tiên giữa lòng Hà Nội.
Theo lời anh Phạm Đình Tú - chủ nhân Tịnh Thư Quán, những tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo đã làm nên nét đặc trưng cho quán trà này. Với số lợi nhuận mà quán thu được, anh Tú lại dùng hết vào việc tổ chức các hoạt động từ thiện, phóng sinh, giảng kinh Phật thu hút nhiều người tham gia.
Có lẽ điều độc đáo nhất mà anh làm được mỗi khi tổ chức buổi phát tâm đêm rằm chính ở cách thức kêu gọi 20 TVN bất kì cùng tham gia. Điều đó đã tạo cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, cơ hội để trực tiếp làm điều thiện.