“Tôi hứa với họ tôi sẽ hoàn thành công việc của họ và chứng kiến hai miền Triều Tiên thống nhất. Nhưng tôi vẫn chưa làm được điều đó và đất nước chúng tôi vẫn bị phân chia”, cụ Kim nói trong cuộc gặp với phóng viên Channel NewsAssia.
Trong những năm gần đây, cụ Kim thường đi khắp các miền quê để giảng dạy cho những người trẻ Hàn Quốc về cuộc chiến đẫm máu kéo dài 3 năm, để nhắc nhở họ về những điều đã xảy ra và lý do vì sao không nên có một cuộc chiến nữa trên bán đảo.
“Nếu chiến tranh nổ ra, nó sẽ phá hủy mỏi thứ mà chúng ta đã xây dựng nên từ chiến tranh Triều Tiên”, cụ Kim nói khi đang ở trong ngôi nhà ở làng thuộc huyện Hwacheon, cách thủ đô Seoul khoảng 110km về phía đông bắc. “Đó sẽ là sự kết thúc với cả Nam và Bắc Triều Tiên”, cụ nói.
Vị cựu chiến binh này đã chiến đấu trên chiến trường Hwacheon, một trong những nơi chiến tranh diễn ác liệt nhất cho đến khi kết thúc năm 1953.
Cựu chiến binh Kim Dal-yook đi khắp nơi để dạy cho người trẻ Hàn Quốc về chiến tranh Triều Tiên
Những hộp đựng mặt nạ được cất trong nơi trú ẩn ở Hwacheon để phát cho người dân trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công
Một hiệp định ngừng bắn được ký giữa Bộ Tư lệnh Liên Hợp quốc do Mỹ đứng đầu và Triều Tiên tại ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 27/7/1957 để tạm ngừng giao tranh. Nhưng từ đó đến nay, hiệp định hòa bình chưa bao giờ được ký để chính thức chấm dứt cuộc xung đột, và hai miền Triều Tiên về danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Người dân ở Hwacheon hiểu rất rõ thực tế này vì ở đây có rất nhiều sự cố đã xảy ra ngay cả sau cuộc chiến. Năm 1992, nhóm lính biệt động Triều Tiên vượt qua biên giới, giết hại 3 lính Hàn Quốc. Một cuộc truy lùng diễn ra nhưng nhóm lính Triều Tiên đã thoát về nước.
Nhiều người Triều Tiên, bao gồm cả binh lính, đã vượt qua khu phi quân sự để đào tẩu. Hwacheon là một phần của vùng đệm rộng 4km đáng ra phải phi quân sự hóa, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều mìn và chứng kiến lực lượng quân sự lên đến 2 triệu người của cả hai phía đứng canh ở biên giới.
Đó là lý do vì sao hàng ngàn trong số 27.000 người ở Hwacheon là lính, và đến đây rất dễ gặp những thanh niên trẻ mặc quân phục đi trên phố. Nhiều nhà hàng và quán cafe ở đây chủ yếu phục vụ binh lính và gia đình họ.
Vì ngôi làng này nằm rất gần biên giới nên người dân ở đây là những người đầu tiên phải sơ tán nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ phía Triều Tiên. “Chúng tôi được báo động ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào”, ông Choi Moon-soon, huyện trưởng Hwacheon cho biết. “Trước khi người dân ở Seoul biết điều gì đang xảy ra thì dân ở đây đã phải vào nơi ẩn nấp hết rồi”, ông Choi nói.
Một lần như vậy là vào tháng 8/2015 khi Triều Tiên bắn nhiều quả đạn pháo vào các loa tuyên truyền của Hàn Quốc ở biên giới. Lệnh sơ tán được ban bố đến những người dân Hwacheon sống gần các làng giáp biên giới với Triều Tiên. Một trường tiểu học phải đóng cửa tạm thời vì lo ngại Triều Tiên hành động khiêu khích.
Huyện trưởng Choi cho biết người dân ở đây biết rõ họ phải làm gì vì Hàn Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận mỗi năm ở đây. “Nhưng thực sự là hầu hết họ đều cho là sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nên nhiều lần họ không làm nghiêm túc lắm”, ông Choi nói.
Nhiều người dân ở đây cũng cho biết tương tự. “Bạn nghĩ chiến tranh sẽ nổ ra ư? Tôi không nghĩ vậy. Tôi có thể sai và những người trẻ có thể nghĩ khác nhưng tôi không tin như vậy”, bà Lee Ok-soo, chủ một cửa hàng nhỏ bán bánh ở chợ, nói.