Những gương mặt cá nhân, đó là cô gái “xương thủy tinh” Nguyễn Thị Ngọc Tâm ở miền quê Ý Yên, Nam Định gần 30 tuổi cơ thể như đứa trẻ lớp 2 nặng 15kg bại liệt từ nhỏ phải đi lại bằng xe lăn. Tâm chỉ có thể học đến lớp 9 rồi phải nghỉ vì không còn sức lực, vậy mà suốt 16 năm sau đó cô trở thành cô giáo dạy thêm miễn phí cho các em cấp 1, cấp 2, mở quỹ học bổng và không gian đọc cho học trò nghèo...
Đó là thầy giáo tiểu học Nguyễn Trần Vỹ ở vùng núi cao Trà Mai huyện Nam Trà My (Quảng Nam) gần nơi vừa xảy ra thảm họa sạt lở núi Trà Leng. Một “người đi xin vĩ đại”, khi riêng thầy giáo làng vùng sơn cước ấy trong năm 2020 đã vận động các nhà hảo tâm cả nước được hơn 2,3 tỷ đồng để xây dựng 3 điểm trường với hàng chục phòng học, phòng ở giáo viên, nhà vệ sinh, các khu vui chơi. Chưa kể việc vận động kinh phí xây 4 căn nhà tặng học trò nghèo, lắp đặt hàng chục hệ thống năng lượng mặt trời tại các trường, hàng trăm suất học bổng... Nếu kể cả Câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My do thầy Vỹ làm chủ nhiệm, mấy năm qua đã huy động hàng chục tỷ đồng để xây dựng 13 điểm trường ở các thôn nóc, thực hiện chương trình Bầu sữa yêu thương chăm sóc 1.500 trò nghèo, xin tiền cho nhiều em xuống phố mổ sứt môi hở hàm ếch, cho các em đi học nghề. Lo từ nồi cháo dinh dưỡng, cho đến bộ đồng phục, áo ấm, áo mưa, từng đôi ủng, ô che mưa,... cho các em nhỏ.
Có một chàng trai 28 tuổi dù không có trong 10 gương mặt cá nhân, nhưng tên anh xuất hiện trong số 10 tập thể tiêu biểu tại lễ vinh danh, đó là Câu lạc bộ thiện nguyện Phan Đức (Quảng Nam). Anh là Phan Văn Đức – Bí thư chi đoàn thôn Châu Lâm, Phó chủ tịch Hội LHTN xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), là nhân vật trong nhiều bài viết của báo Tiền phong. Mới đây nhất là bài “Tác giả bức ảnh “sinh nhật khi chỉ còn 1% sự sống” nhận giải thưởng Lý Tự Trọng” đăng Tiền phong ngày 26/3/2020.
Chuyện về một nữ sinh nghèo bị xuất huyết não hôn mê sâu khả năng tử vong rất cao, bệnh viện trả về để gia đình lo hậu sự. Hôm ấy cũng đúng sinh nhật tuổi 18 của em. Đức cùng các bạn đến nhà tổ chức sinh nhật cho em, lần cuối. Không ngờ từ cõi sâu vô thức, như cảm nhận được tình yêu thương, cô bé đã chớp mắt. Bức ảnh Đức chụp buổi sinh nhật kỳ diệu ấy lan xa trên mạng, được rất nhiều báo chí, các nhà hảo tâm quan tâm, đóng góp hàng trăm triệu đồng. Cô bé sau đó được bệnh viện cứu sống. Đó chỉ là một trong vô số việc làm của câu lạc bộ Phan Đức với hơn 50 thành viên suốt những năm qua, tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Những người cực tốt như vậy, luôn đông đảo xung quanh chúng ta. Họ là trăm, ngàn những người lính vô danh luôn lao vào nơi nguy khó nhất. Là những y bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Là những người “vác tù và” khắp thôn xã, bản làng,... Chúng ta hầu như không biết gì về họ, cũng không thể vinh danh hết được.
Họ, những người vô danh ấy cũng không cần đợi vinh danh.