Những người chống lại hà bá ở Chôm Lôm

Những người chống lại hà bá ở Chôm Lôm
TPCN - Khi dòng nước dữ Chôm Lôm nuốt chửng còn đò nhỏ bé, bất chấp hiểm nguy, anh Đặng Văn Nga, Vi Văn Biển, ông Lô Văn Lai, Lộc Vĩnh Thêu và cả các em Lô Đình Thoan, Lô Đình Hoạt... đã liều mình chống lại hà bá để cứu người.

>> Báo Tiền phong quyên góp xây cầu Chôm Lôm

“Tôi không dám treo bằng khen, vì quá xót xa!”

6h30’ sáng thứ Bảy (7/10), em Kha Thị Gấm (học sinh lớp 7A) thức dậy hơi muộn so với thường lệ. Nhà nghèo, không có bữa ăn sáng, Gấm vội cắp sách đến trường.

“Chuyến đò đông lắm chú ạ, cháu nghĩ là trên 50 học sinh chứ không phải 30 người. Thấy đò đầy, cháu định không đi, nhưng sợ đến lớp muộn nên phải bước lên. Cháu ngồi ở phía trước. Vừa rời bến, chú Nghiệp lái đò chưa kịp nổ máy thì đò trôi ra chỗ nước xoáy. Máy nổ, cần lái bị gãy, chú lái đò đang loay hoay thì từ phía sau nước ập vào. Các bạn la hét lên hoảng loạn, đò chìm. Cháu sợ quá, ngất đi chẳng biết gì nữa”, Gấm kể.

Trước đó khoảng vài phút, anh Vi Văn Biển trên đường từ lồng cá sông Lam về nhà. Nghe tiếng kêu cứu thất thanh, anh vội quăng dép chạy ngược ra bến Chôm Lôm. Vừa chạy, vừa nghĩ: “Có lẽ con đò lúc nãy đã bị chìm..." Lúc rời bến lên bờ, Biển nhìn thấy khoảng 50 học sinh ở bến sông.

Cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt anh: Con đò đã biến mất, sách vở học sinh nổi trắng mặt nước. Không chần chừ, Biển nhảy ùm xuống, nhằm phía có dòng xoáy thẳng tiến, dù anh biết bơi đến xoáy ngầm là vào “cửa tử”. Anh có thể bị nước xoáy hút xuống và mất tích.

Vật lộn với dòng nước hung dữ, Vi Văn Biển ngụp lặn mò mẫm giữa làn nước đục ngầu. Phù sa quá dày đặc, chẳng nhìn thấy gì cả. Bỗng chân anh đạp trúng đầu một nạn nhân, anh lặn sâu xuống, túm được một bé gái. Cháu này đã kiệt sức, không cử động được nữa.

Biển xốc cháu bé lên cao, vịn vào một cây nứa trôi bồng bềnh trên sông và gắng sức bơi vào bờ. Đột nhiên Kha Thị Gấm tỉnh lại, hét lên: “Chú ơi, cứu cháu với!”. Biển vừa bơi vừa dỗ dành: “Cháu đừng sợ, cháu không chết đâu, chú cứu cháu rồi!”.

Lên được bờ, cô bé quá khiếp đảm, lại ngất. Nhiều người đàn bà xúm đến giúp anh làm hô hấp nhân tạo cho Kha Thị Gấm. Biển lập tức quay ra sông, muộn rồi, dòng sông hung ác đã nuốt chửng hàng chục sinh mạng con người. Trên mặt nước, những đôi dép lạc nhau nổi bồng bềnh, tre nứa theo dòng trôi về phía Châu Khê.

Biển gục đầu ở bến sông, anh bật khóc tức tưởi.

“Giá như tôi đến sớm hơn thì đã cứu được thêm nhiều cháu khỏi chết đuối!”.

“Hôm rồi tỉnh đã tặng bằng khen vì anh đã có hành động dũng cảm cứu người, sao anh không treo nó lên?”, tôi hỏi.

“Chưa treo được – anh Biển đáp – Mỗi lần nhìn vào tấm bằng khen, lòng tôi lại buốt đau. Tôi không dám treo vì quá xót xa, mất mát quá lớn!”.

Người dân chài lặng lẽ

Vợ chồng Đặng Văn Nga (SN 1968) - Trần Thị Thân quê ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, làm nghề chài lưới và buôn bán tre nứa trên sông Lam. Sáng 7/10, thuyền của hai vợ chồng đang đậu ở khu vực cửa khe Thơi (Lạng Khê), chợt nghe tiếng kêu cứu.

Chị Thân bảo chồng: “Đắm đò rồi, mình chạy ra bến Chôm Lôm cứu các cháu ngay, toàn học sinh cả, anh ơi!”. Chị nổ máy, anh Nga chạy đến mũi thuyền, loay hoay một lúc không mở được dây neo, anh vung dao chặt đứt dây. Con thuyền tăng tốc, trực hướng bến Chôm Lôm.

Lúc này, khung cảnh trên sông đã trở nên lạnh lẽo, tiếng kêu cứu tắt hẳn. Thuyền lao theo dòng nước, trông thấy 2 học sinh đang bám vào cành cây rù rì ở mép sông, anh Nga hét to: “Các cháu bám chặt vào đấy, để bác ra ngoài kia cứu bạn khác”.

Chị Thân ngồi giữ tay lái, bỗng kêu lên: “Anh ơi, chỗ này có một cháu đang bị chìm”. Thuyền quay lại, một cánh tay yếu đuối giơ lên khỏi mặt nước, nhưng ngay lập tức cánh tay ấy lại bị dòng xoáy nhấn chìm.

Nga phóng mình xuống sông, anh túm được mái tóc nạn nhân, chị Thân giúp chồng kéo cô bé lên thuyền. Vác bé gái lên vai, Nga nhảy mấy vòng, nhưng chẳng có tý nước nào chảy ra từ miệng cô bé. Toàn thân em mềm nhũn, khuôn mặt tái nhợt.

Vợ chồng anh lại tiếp tục hô hấp nhân tạo. Khoảng 3 phút sau, nạn nhân hồi tỉnh. Người được cứu sống là em Lộc Thị Thúy (SN 1995, lớp 6), con ông Lộc Văn Tình.

Khoan mũi đầu tiên khảo sát xây dựng cầu treo Chôm Lôm

Sáng hôm qua (14/10), Sở GTVT Nghệ An đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật về Chôm Lôm tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng cầu treo bắc qua sông Lam.

Chiều cùng ngày, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Nghệ An tổ chức khoan thăm dò địa chất, mũi khoan đầu tiên được triển khai cách bến đò cũ khoảng 150m về phía thượng lưu.

Vụ đắm đò kinh hoàng làm Đặng Văn Nga bị “sốc”. 3 ngày 3 đêm liền, anh lên cơn sốt ly bì, nóng lạnh thất thường. Bố mẹ của Thúy đến cảm tạ, chính quyền xã cử người đến thăm. Nhưng có một điều khiến những người biết chuyện anh Nga cứu người chạnh lòng: Anh không có tên trong danh sách những cá nhân “hành động dũng cảm” cứu học sinh thoát chết trong vụ đắm đò tang thương! Có lẽ, trong lúc “đại tang bối rối”, người ta chưa phát hiện ra anh?

Ngoài anh Đặng Văn Nga, Vi Văn Biển, có nhiều cá nhân tham gia cứu người ở bến Chôm Lôm: ông Lô Văn Lai, anh Lộc Vĩnh Thêu, các em Lô Đình Thoan (lớp 8C), Lô Đình Hoạt (lớp 6), Lộc Văn Quỳnh (lớp 7C), Ngân Văn Hải (7A).

Lộc Vĩnh Thêu kể: “Sau bão số 6, nhà trường cho sinh viên nghỉ học 1 tuần để tu sửa lại trường lớp bị hư hỏng. Hôm đó em đang sửa nhà cho người bác ở cạnh bờ sông, nghe tiếng kêu cứu, em chạy ra. Thấy đò đắm em liền lao xuống nước, cứu được 4 học sinh”. Ngày 12/10 vừa rồi, Lộc Vĩnh Thêu được TW Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Thêu là con Trưởng bản Chôm Lôm Lộc Minh Tỵ, sinh viên năm thứ 3, khoa Bơi lội - Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng.

Người đàn ông mất 6 cháu nội, ngoại

Những người chống lại hà bá ở Chôm Lôm ảnh 1
Vợ chồng anh Đặng Văn Nga dũng cảm cứu học sinh gặp nạn. Ảnh: Đặng Trọng Đức

Vẫn con đò gỗ chòng chành, chúng tôi vượt sông Lam qua bản Chôm Lôm. Vừa bước lên bờ, đã thấy ông Lộc Vĩnh Thương đứng tựa vào cây đa trân trân nhìn ra sóng nước.

8 ngày hôm nay, ông Thương chẳng muốn rời bến sông, dù bến sông giờ đây vắng lặng. Hai cánh tay của ông buộc hai vòng chỉ đen, dấu hiệu của đại tang.

Ông lần lượt nhớ lại từng gương mặt trẻ thơ: “Cháu Lộc Thị Duyệt, con gái của Lộc Văn Linh, Linh là em trai út của tôi; Ngân Quốc Hùng, cháu ngoại, con của cô em gái thứ 5; Hà Thị Hằng, con của Lộc Thị Sủy, Sủy là em gái thứ 6; Cháu Lộc Minh Huế, Lộc Thị Thao, Lộc Văn Trường…cả nội lẫn ngoại, nhà tôi có tất cả 6 cháu ra đi trong vụ chìm đò này”.

Ông Thương cay đắng kể: “Sáng ngày 7/10 tôi đi chăn bò ở bãi cỏ, cách bến sông khoảng 1km. Nghe tiếng người la hét vọng qua núi, nghĩ là chìm đò nên tôi vội bỏ đàn gia súc, chạy ra bến sông.

Đến nơi, dân bản Chôm Lôm đã đứng kín hai bên bờ, họ khóc lóc thảm thiết, dưới lòng sông ngổn ngang tre, nứa, sách vở, có 3 con đò đang quần đảo tìm kiếm học sinh. Chúng tôi chạy lên trường, nhờ các thầy cô điểm danh lớp học, thấy thiếu 19 em trong đó có 6 đứa cháu của tôi…”.

Họ Lộc ở bản Chôm Lôm được huyện Con Cuông đánh giá là 1 trong 3 dòng họ hiếu học nhất miền đất này. Riêng gia đình ông Lộc Vĩnh Thương có 2 con vào Đại học.

Nét chữ hơi nghiêng nhưng rõ ràng, “giấy xin phép nghỉ học” gửi thầy chủ nhiệm Nguyễn Hữu Tuất của em Hà Thị Hằng viết trên tờ giấy được xé ra từ một quyển vở học trò. Ông Hà Văn Việt, cha của Hằng cầm kỷ vật cuối cùng của đứa con gái yêu thương, đôi mắt ông đẫm lệ.

Giấy xin phép nghỉ học

Kính gửi: Thầy chủ nhiệm lớp 8A và các thầy cô giáo

Thưa thầy, hôm nay em không đi học được vì lý do em bị đau bụng, vậy em viết giấy này mong thầy và cả lớp cho em nghỉ buổi học này, khi nào em đỡ thì em sẽ đi học bình thường và ghi bài đầy đủ để học tốt hơn. Em xin chân thành cảm ơn.

Học trò của thầy: Hà Thị Hằng

Chôm Lôm, thứ 3, ngày 3/10/2006

Bốn ngày trước vụ đắm đò, Hằng bị ốm. Em cắn răng định cắp sách đến trường nhưng mẹ nói: “Con đau quá thì xin phép thầy nghỉ học, hôm sau mượn bài của các bạn cùng lớp mà chép lại cũng được mà”.

Nghe lời mẹ, Hà Thị Hằng bèn viết “giấy xin phép nghỉ học” gửi thầy giáo chủ nhiệm. Khỏi cơn đau, ngày 7/10 Hằng tung tăng cắp sách đến trường. Không ngờ, đó là lần đi học cuối cùng của em và 18 bạn khác.

Giữa căn nhà nghèo đói là tấm phên thưa, gió lùa lạnh lẽo. Trên đó đang treo tờ giấy ghi Thời khóa biểu của Hằng. Thời khóa biểu của cô học sinh lớp 8A được ghim vào phên bằng hai que củi, những nét chữ nắn nót: “Thứ 2: Chào cờ, Thể dục, Hóa học, Văn, Âm nhạc; Thứ 3: Sinh, Hình, Văn , Sử, Anh…”, cha mẹ em không muốn lìa xa chút kỷ vật mong manh của cô con gái. Hà Thị Hằng cũng là 1 trong 6 đứa cháu của ông Lộc Vĩnh Thương bị chết trong vụ đắm đò ở Lạng Khê.

19 học sinh tử nạn, nhiều em không có ảnh thờ. Nhớ con đứt ruột, cha mẹ các em phải lấy cặp sách, kẹp tóc, bút vở, giấy khen, làm đồ thờ tự.

***

Hàng ngày các em học sinh ở đây vẫn phải tiếp tục đến trường trên những con đò chứa đầy hiểm họa. Mai này cây cầu Chôm Lôm sẽ được xây lên, nhưng thương nhớ không dễ gì nguôi ngoai.

Rời Chôm Lôm chúng tôi tự hỏi: Phải làm thế nào đây để những cây cầu đã xây, đang xây và sắp xây không phải gánh trên mình nỗi đau thương của các em học sinh? Câu hỏi này sẽ mãi còn day dứt trong lòng những người lớn. 

Một cụ bà 86 tuổi ủng hộ 2 triệu đồng xây cầu Chôm Lôm

Đó là cụ bà Phạm Thị Tẩu, trú tại số nhà 9B phố Hàng Dầu, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Sáng hôm 14/10, cụ đã đi xe ôm đến tòa soạn. Cụ cho biết, năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn tham gia sinh hoạt trong CLB sức khỏe ngoài trời cùng các cụ trong hội bảo thọ của phường. Con cháu đã trưởng thành, nhưng cụ vẫn chăm chỉ làm việc, bán  dưa cà phục vụ bà con lối phố.

“Tôi không có lương hưu, đây là tiền tôi tiết kiệm từ bán hàng và tiền mừng tuổi của các con, các cháu. Biết tin báo Tiền phong phát động quyên góp xây cầu ở Chôm Lôm, tôi mừng lắm. 3 cháu ngoại của tôi cũng xin được cùng đóng góp với bà”.

Vừa nói cụ vừa mở gói giấy báo, trân trọng đếm từng tờ giấy bạc và trao số tiền 2 triệu đồng cho đại diện báo Tiền phong.

“Trong CLB của chúng tôi, nhiều cụ biết tin về tai nạn ở Chôm Lôm, thương lắm. Các cụ cũng đang tổ chức quyên góp tiền để gửi qua báo Tiền phong, dễ nay mai là xong.”

Xin chân thành cảm ơn tấm lòng vàng của cụ Phạm Thị Tẩu.

Phóng sự của Quang Long

MỚI - NÓNG