Người thầy nghiêm khắc, người cha nhân từ
Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao chưa bao giờ to tiếng với vợ con nhưng ông lại là người vô cùng nghiêm khắc và khắt khe trong việc giáo dục con.
Bà Nghiêm Thúy Băng kể: “Vợ chồng tôi sinh được 5 người con, 3 trai 2 gái. 5 đứa con đều theo nghiệp bố làm nghệ thuật. Ông nhà tôi dạy con nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu thương các con”.
Theo bà Nghiêm Thúy Băng, khi dạy hai con trai là Nguyễn Văn Thao và Nguyễn Nghiêm Bằng học đàn, hôm nào con mải chơi ông lấy roi đánh vào mông con, đánh xong ông lại lấy dầu xoa cho con.
Lần con trai Nguyễn Nghiêm Bằng lên 2 tuổi bị bỏng, vết thương gây rát, khiến cậu khó chịu, đêm không ngủ, khóc ngằn ngặt. Nhạc sĩ Văn Cao liền thức trắng đêm, quạt cho con ngủ, cứ thế ròng rã 3 tháng trời cho đến khi con trai khỏi hẳn.
“Em phải làm sổ tiết kiệm mà sống, đừng dựa vào con”
Năm tháng cuối cùng trên cõi tạm, người vợ hiền thảo của ông vẫn ngày ngày bên cạnh, ân cần chăm sóc cho ông như bao năm tháng qua.
Sau Tết âm lịch năm 1995, nhạc sĩ Văn Cao bị tràn dịch màng phổi, phải vào viện cấp cứu.
Hằng ngày, bà Nghiêm Thúy Băng lại vào chăm sóc chồng. Một buổi chiều, nhạc sĩ nhìn vào mắt bà và nói: “Khuôn mặt em sáng trong và bình lặng lắm”.
Biết sức khỏe của mình suy yếu nhiều, ông gọi bà lại dặn dò. Bà Thúy Băng kể: “Ông bảo, các con đã trưởng thành, yên bề gia thất. Nếu ông ấy hết mệnh thì tôi chọn đứa nào hợp tôi nhất thì ở.
Ông ấy dặn đi dặn lại là tôi phải làm quyển sổ tiết kiệm, lấy ra mà tiêu, đừng phụ thuộc vào kinh tế các con, đừng để các con phải nuôi”.
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nghe ông dặn dò, nước mắt bà giàn giụa. Bà sợ lắm, bà không muốn nghĩ đến ngày ông rời xa bà. Từ ngày thành vợ chồng, ông và bà luôn bên cạnh nhau bất kể khó khăn, gian khổ.
Nhạc sĩ Văn Cao lấy tay lau nước mắt cho bà rồi vỗ về bảo bà đừng khóc. Lúc đó, ông nắm chặt bày tay nhỏ bé của bà, mỉm cười trìu mến.
Những ngày này, sức khỏe nhạc sĩ Văn Cao chuyển biến xấu, ông không chịu ăn uống. Bà Thúy Băng lại dỗ dành ông, ôn lại những kỉ niệm ngày xưa của hai người cho ông nghe.
Nhưng sức người dù thế nào chăng nữa cũng chẳng trái được mệnh trời. Ngày cuối đời, nhạc sĩ Văn Cao ăn chút cháo loãng rồi nhắm mắt lại, cứ thế ra đi nhẹ nhàng và thanh thản.
Ông mất vào ngày 10/7/1995 trong sự tiếc thương khôn cùng của người vợ cùng gia đình và bạn bè thân thiết. Bà Nghiêm Thúy Băng buồn bã suốt một thời gian dài, các con phải đưa bà sang Ba Lan cho nguôi ngoai.
Mùa đông năm 2002, bảy năm sau ngày mất của chồng, người phụ nữ ấy đã sáng tác bài thơ “Tìm anh trong giấc mơ” để tưởng nhớ đến tình yêu lớn nhất cuộc đời. Trong đó có đoạn:
“Mùa đông dài và lạnh
Lòng em buồn vô tận
Anh ra đi lâu rồi
Không ngoái lại tìm em…”
Khi tuổi cao, bà Nghiêm Thúy Băng ở cùng người con trai Nguyễn Nghiêm Thành trong căn nhà nhỏ, nơi lưu giữ những kí ức về người chồng mà bà hết mực yêu thương.
Chiếc đàn piano và những kỉ vật của ông, bà bảo các con bọc lại, phủ lớp vải lên trên. Bà muốn giữ những kỉ vật đó nguyên vẹn như ngày ông còn tại thế.