Tờ Tiền Phong Chủ nhật khổ nhỏ khi ấy do nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn phụ trách, tháng 8 năm 1991 cuốn hút người đọc đến tận Tòa soạn mua báo rầm rầm bởi đăng bài của một cộng tác viên tôi quên tên với cái tít Tiến Quân Ca có hai tác giả!
Thời điểm đó hình như còn vương vất khí thế của phong trào Những việc cần làm ngay cộng với hơi hướng từ sự sụp đổ của nhiều quốc gia bên Ðông Âu nên báo chí hơi bị hăng hái. Những vụ việc mới, cũ âm thầm khuất lấp trước đây, giờ đổi mới rọi tới lần lượt được phanh phui đem lại một luồng sinh khí mới cho bạn đọc. Ðời sống dân chủ cũng như đổi mới dần được cải thiện. Nhưng cũng có những việc quá đà.
Trở lại với Tiến quân ca có hai tác giả. Bài viết của ông cộng tác viên không phải đủ đầy những chứng cứ chắc khừ rành rẽ minh chứng, thể hiện phần nhạc và lời của Tiến quân ca có hai tác giả thể hiện cụ thể ở đâu? Nhưng trên mặt báo, bức ảnh hai tác giả, Văn Cao và ông Ð.H.X (xin độc giả thứ lỗi, để vong linh người đã khuất được yên nghỉ, xin được không trưng họ tên thật của ông ra đây) cùng bức ảnh chụp từ một tờ bướm in bài Tiến quân ca cả phần nhạc và lời. Dưới ghi rất rõ nhạc Văn Cao lời Ð.H.X (cũng cần nói thêm bản này đã được đưa vào tập nhạc “Thanh niên hát” - do NXB Thanh Niên in), Kèm theo là lời tường trình cụ thể của người viết phần lời là ông Ð.H.X. Ba hiện vật, chứng cứ kể trên có thể nói đã tạo sóng dư luận.
Tôi biết Ban Biên tập khi quyết định cho đăng bài báo này, động cơ mục đích không phải bênh vực ông X. và khẳng định ngay Tiến quân ca có hai tác giả (đã cẩn trọng dùng dấu hỏi sau cái tít bài) nhưng muốn công khai vấn đề còn đang nghi vấn này để các cơ quan có trách nhiệm đặc biệt là cơ quan Bảo hộ quyền tác giả vào cuộc.
…Sau khi báo đăng, hàng trăm lá thư bạn đọc tới tấp gửi đến tòa soạn bày tỏ sự ngạc nhiên rằng tại sao vụ việc này để lâu vậy nay mới phát hiện? Rằng Tiến quân ca đã thuộc về lịch sử thì bây giờ phải công bằng công minh trả lại cho lịch sử. Một số đề nghị từ nay Tiến quân ca phải ghi tên tác giả phần nhạc và phần lời…
Nhưng cũng có không ít thư bạn đọc rành rẽ và hối hả rằng tại sao báo không làm việc cụ thể là phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao trước khi đăng bài này. Nhỡ ông X. kia nhận vơ thì sao? Tại sao báo không gửi đến cơ quan Bảo hộ quyền tác giả những chứng cứ báo có trong tay nhờ giải quyết phân xử? Hãy đăng kết quả phân xử ấy thì khách quan hơn?
Mặc dù không được phân công làm vụ này ngay từ đầu, chỉ khi báo đăng, tôi mới giật mình trước những lời mách có lý lẫn tình ấy trong chồng thư bạn đọc. Ðồng nghiệp báo, trong đó có tôi đã thẳng thắn trước Ban Biên tập đến cái sự non tay nghiệp vụ ấy.
Không biết có lọt tai họ hay không nhưng tôi được Ban Biên tập (BBT) phân công đến gặp nhạc sĩ Văn Cao.
Tôi tìm đến tư gia nhạc sĩ ở phố Yết Kiêu. Trên đường cuốc bộ từ tòa soạn bên kia hồ Thiền Quang, những gì tôi mường tượng về cuộc gặp gần giống!
Mở cửa cho tôi là bà Nghiêm Thúy Băng, phu nhân nhạc sĩ. Sau khi nghe giới thiệu bà có vẻ khựng lại. Vẻ niềm nở ban đầu biến đâu mất nhường chỗ cho ánh mắt lạnh nhạt cùng chất giọng rời rạc… Nhưng bà vẫn dẫn tôi lên gác. May nhạc sĩ có nhà.
Không phải lần đầu tôi gặp nhạc sĩ, nhưng được ngồi riêng với ông có lẽ lần đầu.
Có một cái buồng con hình như dùng làm chỗ tiếp khách ngó xuống đường Yết Kiêu. Văn Cao đang ngồi kia. Tôi như thấy mình có lỗi trước cái vóc hạc… Chiếc sơ mi hở cổ. Quần màu cháo lòng. Những ngón tay gầy guộc đang thong thả sục nhẹ vào mái tóc bạc bơ phờ.
Sau này như những gì tôi viết trong một bài trên tờ Tiền Phong về cuộc hầu chuyện Văn Cao, khi đó mình đã không giấu giếm mối thiện cảm và ngưỡng vọng đối với tác giả của những Thiên thai, Ðàn chim Việt, Trường ca Sông Lô…
Văn Cao chỉ ừ hữ và cười nhẹ. Rồi lặng lẽ đẩy về phía tôi một chén rượu trắng. Vân đấy…
Vân? Thứ rượu Vân huyền thoại mà Văn Cao nghe nói thửa riêng bây giờ tôi được uống ké? Nhưng sau này nghe nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói lại dạo ấy nhạc sĩ xo xúi túng bấn chứ dư dật gì mà có thứ thửa riêng? Tôi trịnh trọng nâng lên nhấp khẽ...
Chén rượu trắng như nong thêm cái van ngắc ngứ khó mở lời của tôi. Tôi trưng ra bản chụp tờ bướm của NXB Thanh Niên.
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Lê Quang Châu.
Tôi với ông X, hai người quen nhau từ trước năm 1945 - chất giọng trầm rè của nhạc sĩ dắt tôi vào chuyện…
Năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao ở nhờ nhà ông X. đúng trong giai đoạn sáng tác Tiến quân ca. Lúc đó, ông X có biết đến việc này. Tiến quân ca định cho đăng trên báo Ðộc Lập số đầu tiên nhưng không có người vẽ bản nhạc.
Người ta đưa Văn Cao đến một địa điểm bí mật bên sông Hồng vào buổi tối, sau này được biết đó là căn gác xép của một ngôi nhà ở làng Bát Tràng. Lúc đó, Văn Cao đã đề dưới bài Tiến quân ca: nhạc ANH THỌ, lời ANH DŨNG. Ngày ấy, lối viết chữ in hoa không đánh dấu nên đọc thành Nhac ANH THO và Loi ANH DUNG.
Khi bài Tiến quân ca được quần chúng biết tới, ông X đã nói với Văn Cao cho mình nhận phần lời để khoe với người yêu – cô Dung, là đã đưa tên cô Dung vào bản nhạc.
Ông X. nói với bạn gái mình: Văn Cao có cô bạn tên là Thọ nên ký bút danh của Tiến quân ca là ANH THO cho phần nhạc, còn mình ký là ANH DUNG cho phần lời để ngầm thể hiện tình cảm với cô Dung. Lúc ấy, cả Văn Cao lẫn ông X đều là những người trẻ tuổi. Văn Cao sinh năm 1922, sáng tác Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi lúc 17, 18 tuổi và sáng tác Tiến quân ca lúc 22 tuổi. Ông X đề nghị như vậy, Văn Cao cũng chẳng quan tâm.
Ðến khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, thấy bài hát được quần chúng nhiệt liệt ủng hộ, ông X. bèn xuống Hải Phòng bắt một nhà in phải phục vụ cách mạng bằng cách in 5.000 tờ bướm bài Tiến quân ca và tự gài tên mình vào: Nhạc Văn Cao, Lời Ð.H.X.
Ðó là nguồn gốc của những rắc rối sau này.
Chất giọng nhạc sĩ chùng xuống nhưng rành rẽ - trong việc này có 3 sự thật:
Sự thật thứ nhất là: Tôi là người viết Tiến quân ca. Ðiều ấy chỉ có tôi mới biết vì khi tôi sáng tác bài này trong hoàn cảnh bí mật, không ai được biết. Ai nói biết là bịa.
Sự thật thứ hai là: Tôi đã có ý để anh ÐHX đứng tên cùng là tác giả phần lời với mật danh Anh Dũng. Lúc ấy tôi lấy mật danh Anh Thọ. Bài Tiến quân ca đầu tiên do tôi trực tiếp ấn loát ghi tác giả: nhạc Anh Thọ, lời Anh Dũng. Tôi đã có ý để anh X trong bài Tiến quân ca có 2 lý do:
1. Lúc ấy, tôi là bạn anh X. và đang lấy tạm nhà anh làm cơ sở hoạt động.
2. Ðể anh X. đứng tên chung có lợi ở chỗ nếu anh X, có muốn phản bội thì cũng không dám vì đã trót đứng tên chung cùng tôi. Ðây là 1 phép trong hoạt động bí mật. Buộc phải đề phòng mọi khả năng. Anh X. quen rất nhiều hiến binh. Bài Tiến quân ca khi đó chỉ mới là bài ca của quân cách mạng. Người sáng tác bài ca là kề với cái chết bất kỳ lúc nào. Tôi để anh X. đứng chung bằng mật danh là để bảo vệ bài ca này.
Sau này gẫm lại, khoảng thời gian mà tôi được hầu chuyện Văn Cao cứ như thứ vưu vật dễ chi ai may mắn có được?
Nhưng đó là thời kỳ bí mật. Sau cách mạng khi anh X. lập NXB thì lúc in bài hát này, anh đã tự ý chuyển sang: nhạc Văn Cao, lời Ð. H.X, kể cả khi anh vận động nhà in ở Hải Phòng. Nó như đã lột được bản chất xấu xa của anh X.
Sự thật thứ ba là: Khi Tiến quân ca được công nhận là Quốc ca Việt Nam, nó được sự góp ý về nhạc của anh Ðinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu. Còn lời thì anh Tố Hữu sửa vài chỗ. Nhưng khi Bác Hồ yêu cầu gặp tác giả Quốc ca thì chỉ một mình tôi (do anh Tố Hữu đưa đến) gặp Bác. Vì thế, năm 1946 nhà nước in bài Tiến quân ca và Quốc ca trong Hiến pháp công bố với toàn dân và nước ngoài là tác giả: Văn Cao.
Ngoài kia trời vào cữ thu cứ ngằn ngặt xanh. Nhưng chất giọng khẽ khàng của chủ nhân cứ như rôm đốt vào thứ khách không mời như tôi.
Các anh rất bạo dạn. Nhưng biết ít về quá khứ. Vả lại công luận không phải dùng tờ báo của nhà nước để in cái gì mình cho là “gây dư luận” mà công luận chính là dư luận công tâm…
Nếu tôi độc thân, tôi sẽ im lặng, đấy là việc của nhà nước. Nhưng tôi có vợ con, cháu và sắp có chắt nữa. Những thế hệ thành viên trong gia đình tôi sẽ nhìn vào mặt chủ gia đình Văn Cao như thế nào? Một người 46 năm nay cướp công sáng tạo của một người bạn đầy đau khổ? Anh hãy đặt anh ở vị trí tôi thì anh sẽ thấy tôi phải làm gì?
Nhiều người nói với tôi là báo chỉ nói nước đôi để thu hút sự chú ý của độc giả, cụ để ý làm gì. Nhưng tôi kể anh nghe, thằng cháu tôi 11 tuổi đọc xong nó bảo: “Họ bênh ông X., họ ghét ông rồi”. Nó là trẻ con, còn tôi thì đã 70. Có lẽ tốt nhất là tuổi tôi và tuổi nó không nên biết đến bài báo này.
…Cái vỏ chai sáu lăm đựng thứ rượu Vân lại nghiêng tiếp. Chủ nhân chỉ nhấp nhẹ. Còn tôi thì luôn được ưu ái thu lu một chén tống hoa hồng.
Văn Cao tóc xõa, nhỏ thó, thanh mảnh, buồn bã, tay rượu run run... Cơ thể ông như một khối, một búi những xoắn bện chẳng dễ gì giải mã... Tôi buột hỏi chủ nhân có kỷ niệm gì dạo thi sáng tác quốc ca mới? Văn Cao nhướng cặp mày bạc, nhăn trán rồi cười nhẹ à mà có đấy. Rồi ông chầm chậm lui cui phía trong nhà một lúc. Trở ra ông đưa tôi một tờ báo ố vàng. Tờ Nhân Dân ngày 19/8/1981. Chỉ vào bài ở góc trang 2 bài viết Cảm xúc Quốc ca mà ông là tác giả.
Rồi ông khật khà bỏ đi đâu. Ý chừng đợi tôi đọc cho xong bài báo ngắn. Ông quay lại thư thả bằng chất giọng nhỏ nhẻ... Thời điểm ấy, cuộc thi sáng tác Quốc ca mới đang hồi rầm rộ cao trào. Ông Trường Chinh, như ông thuật lại trong bài báo, đã gặp ông khuyến khích Văn Cao tham dự cuộc thi này nhé...
Trích bài báo:
Tôi bắt đầu lo lắng. Tôi hiểu đó là chỉ thị của Ðảng giống như chỉ thị tôi nhận được tháng 10 năm 1944 để làm bài “Tiến quân ca”.
Nhưng bây giờ tôi đã mất đi nhiều tuổi hai mươi, càng nhớ lại cái tuổi 20 đã viết “Tiến quân ca” ấy...
Văn Cao đã khôn khéo gài những thông điệp thoái thác việc tham gia viết và thi sáng tác Quốc ca mới bằng bài báo mà ông khéo léo với những dòng: Hy vọng vào một bài Quốc ca mới mang nhiệm vụ mới! Tôi hy vọng tác giả của Quốc ca mới sẽ là đồng tác giả với nhà thơ. Có tác phẩm âm nhạc nào không cần dựa đến nhà thơ? Nhớ lại năm 1955, nhà thơ Tố Hữu góp tôi sửa lại câu kết của “Tiến quân ca” thành “nước non Việt Nam ta vững bền...”.
Hơn hai tiếng đồng hồ đã vèo qua mà tôi không hay. Sau này gẫm lại, khoảng thời gian mà tôi được hầu chuyện Văn Cao cứ như thứ vưu vật dễ chi ai may mắn có được?
Lại nữa, mấy ai được Văn Cao đọc thơ cho nghe như buổi tao ngộ và sơ kiến ấy? Trời xanh rớt xuống mấy giọt Tháp Chàm. Tôi nhớ láng máng một khúc thơ có câu ấy…
Mày mò hỏi thăm, rồi tôi cũng tìm được nơi ở của ông Ð.H.X nhà gần lối chợ Mơ. Hình như ông độc thân? Ông tiếp tôi trong thứ ánh sáng lờ mờ từ bên ngoài hắt vào căn buồng con. Có thể nói ông X, khá kháu lão. Vóc dáng thanh mảnh. Trán cao, mặt nhẹ nhõm. Căn phòng không thấy toát lên vẻ gì chủ nhân vướng vào chuyện viết lách? Chất giọng khẽ khàng da diết khi ông thuật lại nguồn cơn cái năm tít xa 1944 ấy. Chỗ bạn bè, ông Văn Cao đã cho tôi phần lời thì tôi phải đòi…
Về thuật lại cho Ban biên tập nghe nội dung cả cuộc gặp. Cũng vừa may, thời điểm đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải công tác tại Viện Khoa học Việt Nam được Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả mời tham gia điều tra xác minh sự thật về vụ tranh chấp này.
Chúng tôi thống nhất là dừng lại để đợi kết luận.
Trong thời gian này, tôi có nhớ một lần được ông Giác Hải đưa xuống nhà ông X. Ðể làm gì vậy? Hóa ra để chứng kiến việc ông X. như lời ông bộc bạch với ông Giác Hải là cùng Văn Cao sáng tác Tiến quân ca trên cái đàn bănggio- cây đàn mặt trống có bốn dây, cán dài hơn cây đàn mandoline.
Ông Hải đã kiếm được đàn đưa đến. Nhưng tội nghiệp, loay hoay mãi, ông X. vẫn không chơi được bản Tiến Quân ca cho lưu loát?
Ròng rã 6 tháng trời, Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả đã kết luận “Không có bằng chứng nào cho thấy ông X tham gia viết lời bài Tiến quân ca”.
Ngày 28/3/1992, Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả đã họp báo chính thức công bố kết luận về phần lời của nhạc phẩm Tiến quân ca, nay là Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam.
Sau đó báo Tiền Phong chủ nhật đã đăng bài giải trình kỹ lưỡng của ông Giác Hải về vụ việc này.
(Rút trong tập Ghi ghi chép chép sắp xuất bản)