Không chỉ đặt tên, bố cũng chính là người đỡ đầu cho cháu Thảo khi tôi sinh cháu ở Hộ sinh B (hay thường gọi vui là Cây đa nhà bò). Con gái thứ 2 của tôi, cháu Thu Quỳnh sinh năm 1997, khi đó ông ngoại đã mất được hai năm.
Nhạc sỹ Văn Cao và con gái Hương Hương cùng tập đàn. Ảnh: Lê Quang châu
Tuy chưa biết mặt ông, nhưng cháu rất tự hào về ông và rất hãnh diện khi được các bạn trong trường biết đến vì có ông ngoại là người sáng tác Quốc ca Việt Nam. Cháu rất khiêm tốn, nhưng các bạn thân là người nước ngoài đều biết điều này, dù cháu không khoe.
Đạp xe 50 cây số thăm con
Bố hay tâm sự về nghề nghiệp với con gái vì tôi là người duy nhất đi theo con đường âm nhạc của bố một cách chính quy. Bố luôn muốn các con theo nghiệp âm nhạc, nên anh cả Văn Thao được học violin và anh thứ hai Nghiêm Bằng học piano, nhưng các anh ấy cũng không ham mê âm nhạc lắm. Anh Văn Thao thì chuyển sang làm họa sỹ.
Anh Nghiêm Bằng thì học Đại học Xây dựng và có làm thơ. Đến tôi thì bố đã nản, nhưng khi tôi đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, bố rất cưng. Em trai Nghiêm Thành cũng không đi theo ngành nhạc. Cậu ấy làm họa sỹ sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và cô út Thiên Nga thì tốt nghiệp Đại học Văn hóa, khoa âm nhạc.
Tôi còn nhớ, khoảng năm 1965-1966, năm chiến tranh rất ác liệt tại miền Bắc, hai anh trai đều đi sơ tán theo trường, hai em theo mẹ đi sơ tán theo cơ quan ( Bộ Văn Hóa). Chỉ còn hai bố con tôi ở lại Thủ đô. Lúc ấy, tôi mới khoảng 9-10 tuổi, nhưng đã biết chăm sóc bố, cơm nước, giặt giũ quần áo cho bố. Hồi đó, sáng sáng bố tôi đèo xe đạp đưa tôi đi học văn hóa ở khu Định Công, chiều chiều lại đón về nhà ở Yết Kiêu.
Một hôm, bác Tạ Phước, lúc đó là Hiệu trưởng trường nhạc đến chơi, bảo trường sẽ phải sơ tán ở Xuân Phú, ông có cho con vào trường nhạc không, sắp có thi tuyển rồi đấy. Bố rất thương con gái và thấy tôi ở Hà Nội thì nguy hiểm quá, nên bảo tôi thi vào trường để được đi sơ tán.
Lúc đó, tôi chưa được học nhiều về nhạc, nhưng không ngờ thi cái đã đỗ. Bố vừa mừng, vừa lo cho con gái. Tôi cũng thương bố, nghĩ mình đi thì bố sẽ phải thui thủi ở nhà một mình, không ai lo cho bố. Nhưng bố bảo tôi cứ yên tâm đi học, bố tự lo được. Ở nhà một mình, vì nhớ con gái nên bố lấy các bản nhạc con tập hàng ngày ra để đánh cho đỡ nhớ.
Cứ thứ 7 là bố phóng chiếc xe cũ kỹ, không có chắn bùn, thường được gọi là “xe đạp cởi truồng” lên tận Xuân Phú, Hà Bắc, cách Hà Nội 50-60 km để thăm con gái. Tôi cũng nhớ bố. Cứ tối thứ 7 lại ra bãi đê ngóng chờ bố đến. Bố thường mang lên cho tôi nước mắm cô đặc và ít muối vừng. Vì hồi đó đói khổ, toàn ăn cơm độn sắn, độn khoai, tôi bị đau dạ dày vì ăn những thứ đó. Bố có tiêu chuẩn ra mua hàng ở Vân Hồ, mua được ít nước mắm, thịt thà cũng là hơn mọi người rồi. Bố để dành mang lên cho tôi.
Thời đó tuy đói khổ, nhưng mà vui. Tôi còn nhớ những chiếc hầm được đào lên để cho đàn piano xuống và chúng tôi phải chui xuống hầm học đàn để tránh bom đạn và những trận tập kích của địch.
Cuộc đời học hành của tôi gắn với bố nhiều. Tính tôi dát, khi ra biểu diễn, không muốn cho bố xem. Bố thường phải len lén đến xem con gái biểu diễn. Tuy nhiên, khi ở nhà, tôi thường hay đánh trước cho bố nghe và nghe bố góp ý. Còn bố khi sáng tác bất cứ bài gì cũng đánh cho tôi nghe trước khi gửi cho đài phát thanh hay nhà xuất bản. Nói tóm lại, các bản nhạc của bố thường không thiếu sự góp ý của con gái.
“Bố luôn nhớ con gái”
Thời những năm 90, khi tôi sang Nga học nhạc, ở nhà làm gì đã có điện thoại. Thông tin liên lạc toàn qua thư tay hoặc thư gửi bưu điện. Bố hay viết thư cho tôi, nhưng rất ngắn gọn. Chẳng hạn: “Bố luôn luôn nhớ con gái. Cố gắng học hành tốt.” Thế thôi. Tôi cũng thường viết thư cho bố và hay dặn bố bớt uống rượu, hút thuốc. Lúc cuối đời, ông bị viêm phổi thì mới bỏ thuốc lá.
Bố hay viết thư cho tôi, nhưng rất ngắn gọn. Chẳng hạn: “Bố luôn luôn nhớ con gái. Cố gắng học hành tốt”.
Bố rất nghiêm khắc với con, nhưng rất yên tâm về tôi. Sau khi tôi du học ở Nga và khi về nước cũng có một số thành tích về âm nhạc, bố rất hài lòng. Chỉ có điều, khi chuyển từ Nga sang Ba Lan theo chồng (anh là chuyên gia vật lý hạt nhân- NV), tôi phải bỏ nghiệp âm nhạc để chuyển sang làm kinh doanh. Bố cũng hơi buồn, nhưng bố cũng thông cảm cho hoàn cảnh của bọn tôi.
Tuy nhiên, bố dặn tôi phải cho con học nhạc. Hồi mới sang Ba Lan, do điều kiện khó khăn, hay phải chuyển nhà nên tôi chưa thể mua được cây đàn cho cháu Thảo tập. Khoảng năm 1994, cuối cùng tôi đã mua được một chiếc đàn piano và cho con gái theo học.
Cuối năm đó, tôi cho cháu Thảo về nước thăm bố và khoe điều này. Bố mừng lắm. Không ngờ chỉ vài tháng sau là bố mất. Sự ra đi của bố đã để lại trong tôi nỗi đau đớn vô bờ bến. Tôi luôn hứa với bố là sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho con gái Thanh Thảo và Thu Quỳnh nối nghiệp sự nghiệp âm nhạc của gia đình.
Cả hai cháu đều được học ở trường đặc biệt dành cho các tài năng âm nhạc của Ba Lan và các cháu đã đoạt được rất nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi concours về piano tại Ba Lan và quốc tế. Giờ đây, tôi vẫn còn giữ cây đàn piano đầu tiên để đánh dấu những bước đi chập chững ban đầu của hai cháu trên con đường thực hiện giấc mơ của ông ngoại- giấc mơ mong muốn các con cháu mình trở thành những nhà biểu diễn, những nhà làm âm nhạc tài năng…