Những lớp học đặc biệt mang yêu thương đến trẻ thiệt thòi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỗi lớp học của dự án đều có cái tên rất đặc biệt như “Hàn gắn”, lớp “Phúc Xá”, “Bright Future”... Tại lớp “Ánh sáng Kim Ngưu” dành cho trẻ em khiếm thị, lớp học không bảng, không phấn, chỉ có tiếng giảng bài.

Đó là câu chuyện ấm áp tình yêu thương diễn ra ở "Lớp học Cầu Vồng" với sự tham gia của 200 tình nguyện viên tràn đầy nhiệt huyết mang đến tri thức, lan toả yêu thương cho 700 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ và người chấn thương cột sống.

Lớp học đặc biệt

Dự án “Lớp học Cầu Vồng” được thành lập từ năm 2016 và hiện là thành viên của Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Bắc (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia). “Lớp học Cầu Vồng” đang có khoảng 700 học viên và 200 tình nguyện viên trên toàn quốc.

Chia sẻ về nguyên do thành lập, Lê Thu Hương (Trợ lý Founder của dự án) cho biết, lớp học Cầu Vồng mong muốn lan tỏa tri thức tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn với hy vọng bình đẳng trong giáo dục, hướng tới những số phận thiếu may mắn. Ngoài ra, lớp học còn là cầu nối giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ và người chấn thương cột sống.

Những lớp học đặc biệt mang yêu thương đến trẻ thiệt thòi ảnh 1

Buổi học trực tuyến tại lớp học Phúc Xá (Hà Nội). Ảnh NVCC

Cùng với việc dạy học, dự án còn tổ chức các hoạt động như: gây quỹ từ thiện, ủng hộ các mảnh đời khó khăn. Nguồn kinh phí hoạt động của dự án phần lớn là lợi nhuận từ các hoạt động bán hạt dẻ, bán bánh, đan len thủ công, thiết bị điện tử... và thực hiện các dự án gây quỹ, kêu gọi ủng hộ trên trang Facebook.

“Lớp học Cầu Vồng" đang triển khai 18 lớp học văn hoá và kỹ năng cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh vùng cao.

Hiện tại, lớp học tổ chức song song hai hình thức: trực tiếp tại lớp học Phúc Xá, Phúc Tuệ, Blossom House, tổ chức trẻ em Rồng Xanh, các lớp học tình thương ở quận Long Biên, xóm phao sông Hồng và lớp học trực tuyến cho những trẻ em ở nông thôn và người chấn thương cột sống. Đối với các học viên không đảm bảo điều kiện học tập, dự án có những chính sách hỗ trợ thiết bị di động, công nghệ.

Mỗi lớp của dự án đều có cái tên rất đặc biệt như lớp học “Hàn gắn”, lớp “Phúc Xá”, “Bright Future”,... Tại lớp “Ánh sáng Kim Ngưu” dành cho trẻ em khiếm thị, lớp học không bảng, không phấn, chỉ có tiếng giảng bài.

Các em nhỏ không thể nhìn bài giảng cũng như ghi chép bài vở theo cách truyền thống mà phải dùng máy đánh chữ riêng để ghi chép.

Những lớp học đặc biệt mang yêu thương đến trẻ thiệt thòi ảnh 2

Các tình nguyện viên giàu tâm huyết của Lớp học Cầu Vồng. Ảnh NVCC

Đặc biệt, để trở thành tình nguyện viên của Lớp học Cầu Vồng phải trải qua 2 vòng phỏng vấn khắt khe. Bên cạnh trình độ chuyên môn, khả năng ghi nhớ, khả năng truyền đạt, giảng dạy, Lớp học Cầu Vồng đặc biệt quan tâm đến lòng yêu thương các bạn nhỏ, sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Những lớp học đặc biệt mang yêu thương đến trẻ thiệt thòi ảnh 3

Lớp học đặc biệt với vở ghi chép là máy đánh chữ. Ảnh NVCC

Là tình nguyện viên tham gia dạy môn toán tại Lớp học Cầu Vồng, bạn Lê Thu Hương (SN 2006, tại Phú Yên) chia sẻ: “Mình là người Nam Trung Bộ còn các em đều ở Hà Nội cả, nên nhiều lúc mình phát âm khiến các bạn khó nghe. Mình phải nói to, nói chậm và phải nói đi nói lại nhiều lần để các em hiểu và có thể ghi chép được. Máy đánh chữ cũng có nhiều hạn chế, như trong môn Toán bắt buộc phải có những ký hiệu đặc biệt riêng, thì máy đó lại khó đáp ứng được”.

“Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 gần đây, các bạn nhỏ có quay và gửi cho mình lời chúc mình vui vẻ. Mình thấy may mắn khi được đi dạy và có những học viên yêu thương mình như thế”, Thu Hương chia sẻ.

Những ngày đầu học online cũng gặp một số trục trặc kỹ thuật, các em không tìm được nút ấn mở micro để phát biểu, khả năng tương tác trong mỗi giờ học trở nên khó khăn. Vì thế, Hương luôn tìm nhiều cách giảng dạy sinh động phù hợp, thường chú trọng hơn phần âm thanh, không thúc đẩy mà tạo động lực để các em nhỏ tiếp thu theo khả năng cao nhất của mình.

Gieo mầm tri thức từ yêu thương

Chia sẻ về kỷ niệm khó quên nhất, bạn Nguyễn Thị Hậu (sinh viên năm cuối Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội), người gắn bó 4 năm tại lớp Phúc Xá kể câu chuyện hỗ trợ em học sinh có hoàn cảnh éo le ở bãi giữa sông Hồng.

Hậu cho biết, thời gian đầu nhận giúp một bạn học sinh nhà vô cùng khó khăn, không có điện, bạn phải vượt qua sông mới có thể đến lớp học. Sức khỏe và tinh thần của người bố không được tốt vì thế người mẹ trở thành lao động chính của gia đình. Gần như các buổi học bạn đều đến muộn, nhiều hôm phải nghỉ học để đi lượm ve chai, lo lắng kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Những lớp học đặc biệt mang yêu thương đến trẻ thiệt thòi ảnh 4

Nữ sinh Nguyễn Thị Hậu trong một lần thăm hỏi, tặng quà cho em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn

Suốt 2 năm liền, Hậu đã đến tận nhà bạn nhỏ này để kèm cặp và động viên em có thêm nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Thành quả ngọt ngào khi Hậu đã đồng hành, hỗ trợ em thi đỗ vào cấp 3.

Những lớp học đặc biệt mang yêu thương đến trẻ thiệt thòi ảnh 5
Các học viên nhí được trải nghiệm ngoại khóa tại Công viên Thủ Lệ. Ảnh NVCC

Còn Lê Duy Quý - tình nguyện viên gắn bó 5 năm, thuộc diện lâu năm nhất của Lớp học Cầu Vồng nói rằng, chỉ nghĩ đơn giản đây là môi trường tuyệt vời để mình có cơ hội làm những điều ý nghĩa với tâm thế cho đi và không cần nhận lại bất kỳ điều gì.

"Vậy mà nhìn lại quãng thời gian qua, mình đã nhận được rất nhiều, đó là tình cảm của các bạn học viên, là môi trường luôn có sự yêu thương, chia sẻ, và một cảm giác mãn nguyện nào đó nằm sâu trong trái tim mình", Duy Quý cảm động nói.

Điều đặc biệt của mỗi Lớp học Cầu Vồng là đòi hỏi mỗi tình nguyện viên có sự kiên nhẫn và tình yêu với trẻ rất lớn, chấp nhận những thiếu sót của các em, yêu thương các em để có tâm huyết với việc dạy học.

Bên cạnh các lớp học văn hóa, Lớp học Cầu Vồng còn triển khai dự án kết hợp tổ chức các buổi tham quan dã ngoại, trải nghiệm thực tế, các em nhỏ có cơ hội tiếp cận với những hoạt động vui chơi, giải trí, bổ trợ cho việc phát triển toàn diện.

Dự kiến, tới đây Lớp học Cầu Vồng sẽ tổ chức lớp học vẽ cho các học viên ở Hà Nội nhằm phát triển khả năng và tư duy sáng tạo cũng như là nơi giao lưu học hỏi của các bạn nhỏ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.