Những lời khuyên cho bạn khi đến Đà Lạt dịp lễ

Đu dây xuyên rừng ở Đà Lạt
Đu dây xuyên rừng ở Đà Lạt
TPO - Vào dịp 30/4 và 1/5 thường có khoảng 100.000 lượt khách đến xứ lạnh Đà Lạt du lịch, nghỉ dưỡng. Khách đông khiến thành phố bị quá tải; giá cả hầu hết các dịch vụ đều tăng, tai tệ nạn cũng xảy ra nhiều hơn. Vậy làm thế nào để không rơi vào nghịch cảnh du lịch… hành xác?

Đừng ngại “gõ cửa” các khách sạn lớn

Ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Quản lý Du lịch Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết Đà Lạt mới có gần 900 cơ sở lưu trú với sức chứa khoảng 38 ngàn lượt khách/ngày đêm. Bởi thế vào những dịp lễ tết khó tránh khỏi tình trạng quá tải và tăng giá. Do phòng nghỉ không nằm trong danh mục các nhóm mặt hàng Nhà nước quản lý về giá nên dịp này các cơ sở lưu trú thường tăng giá phòng.

Chị Hương, giám đốc một công ty kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ở Đà Lạt khuyên du khách nên lên kế hoạch sớm cho chuyến du lịch và đặt phòng nghỉ càng sớm càng tốt vì càng đến gần ngày lễ tết thì giá cả càng leo thang. Đồng thời nên liên hệ tham khảo giá tại nhiều nhà nghỉ, khách sạn và đừng ngại gọi tới những khách sạn hạng sang. Dịp lễ, tết, đôi khi giá phòng ở khách sạn hạng sang còn thấp hơn cả những cơ sở lưu trú bình dân.

Nguyên nhân là các khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên thường chỉ tăng giá nhẹ khoảng 20-30% trong dịp lễ tết, đặc biệt có khách sạn cam kết không tăng giá để giữ uy tín nhằm thu hút khách quanh năm.

Một số người làm du lịch lâu năm nhận định tâm lý khách du lịch bình dân thường “sợ” những khách sạn gắn sao vì tưởng giá sẽ tăng mạnh. Do đó hầu hết tìm tới các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ khiến các nhà nghỉ, khách sạn này quá tải. Chủ cơ sở thừa cơ tăng giá gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Ngày 23/4, chúng tôi khảo sát sơ bộ một số cơ sở lưu trú tại khu vực trung tâm thành phố nhận thấy hầu hết các khách sạn đều được đặt kín phòng từ nhiều tuần trước. Nếu ngày thường, giá phòng bình dân chỉ từ 150.000 - 350.000 đồng/phòng đơn thì nay tăng lên 450.000 – 700.000 đồng/phòng. Giá phòng đôi hai giường từ 350.000 – 400.000 đồng/phòng/ tăng lên tới 900 ngàn hoặc 1 triệu đồng/ngày.

Bởi thế, du khách nào có phương tiện di chuyển cá nhân thì nên chọn các nhà nghỉ, khách sạn ở ngoại ô thành phố vì giá chỉ bằng một nửa so với khu vực trung tâm.

Không du lịch mạo hiểm chui

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp và hướng dẫn viên ở Đà Lạt lén lút tổ chức các tour du lịch mạo hiểm chui tại các thác nước hiểm trở của Lâm Đồng gây tai nạn đáng tiếc, thậm có những vụ làm chết tới 2 – 3 người khiến dư luận xôn xao.

Tháng 3 vừa rồi lại xảy ra vụ một nhóm hướng dẫn viên tổ chức tour du lịch mạo hiểm chui (đu dây vượt suối) cho người nước ngoài tại khu vực Suối Vàng,  giáp nhà máy thủy điện Ankroet (xã Lát, huyện Lạc Dương), cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20km. Đáng lưu ý đây là khu vực rất nguy hiểm. Năm ngoái đã có 3 người gặp tai nạn chết đuối tại con suối này thế nhưng vì lợi nhuận mà một số người làm dịch vụ phớt lờ sự cảnh báo và cả lệnh cấm của cơ quan chức năng để đưa du khách vào chỗ nguy hiểm.

Công an tỉnh Lâm Đồng đã điều tra, xử lý các đơn vị tổ chức du lịch mạo hiểm chui gây hậu quả nghiêm trọng. Phòng ban chức năng của Sở VH-TT&DL đã có một số đợt kiểm tra, phá hủy những móc sắt được ghim vào vách đá để cố định cáp đu dây tại một số thác nước, vách núi… nhưng tình trạng tổ chức du lịch mạo hiểm chui vẫn tái diễn với bao hệ lụy.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết đến nay mới chỉ cấp phép tạm thời cho hai địa điểm tổ chức hoạt động đu dây vượt thác là thác Datanla (thành phố Đà Lạt) và thác Đạ Sar (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương). Do đó, để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho bản thân, du khách hãy nói không với các tổ chức, cá nhân tổ chức tour du lịch mạo hiểm ở những địa điểm chưa được cấp phép.  

Những lời khuyên cho bạn khi đến Đà Lạt dịp lễ ảnh 1Thác Datanla được cấp phép hoạt động du lịch mạo hiểm

Cảnh giác với “cò” đặc sản

“Cò” đặc sản Đà Lạt có nhiều mánh lới để bẫy du khách. “Cò” săn lùng số điện thoại và “gài” hướng dẫn viên để đưa du khách đến những địa điểm bán đặc sản Đà Lạt hòng được chủ cửa hàng trả hoa hồng vài chục phần trăm trên doanh số bán ra.

“Cò” lảng vãng trước các khu điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn; đeo bám du khách để tiếp thị về việc tham quan vườn dâu tây đặc sản Đà Lạt và hái dâu tại vườn.

Thế nhưng sau khi gạ gẫm du khách mua các loại mứt và nước ép trái cây với giá đắt gấp mấy lần ngoài chợ, “cò” và người bán hàng thoái thác việc đưa khách đi xem vườn hoặc cho địa chỉ ma khiến khách tìm hoài không thấy. Nếu “cò” có đưa đến vườn dâu thì chỉ là những  mảnh vườn nhỏ với vài chục luống dâu lác đác hoa, lơ thơ trái… chứ không bát ngát sum suê như đã quảng cáo.

Các chuyên gia khuyên du khách nên tham khảo thông tin trên báo chí và mạng xã hội để tìm địa chỉ những vườn dâu tây uy tín chứ tuyệt đối đừng dây dưa với “cò”; đừng tin những lời hứa hảo rằng có thể hái Dâu Tây tại vườn với giá 20 – 30.000đồng/kg

Những năm gần đây, mứt Trung Quốc giả danh đặc sản Đà Lạt xuất hiện tràn lan, thậm chí chiếm gần 70% sản phẩm mứt đang bày bán ngay tại thành phố này. Các cơ quan chức năng của Lâm Đồng đã bắt quả tang và xử lý một số đối tượng thay nhãn mác để biến hàng Trung Quốc thành mứt Đà Lạt. Tuy nhiên hành vi gian lận thương mại này vẫn rất phổ biến do lợi nhuận rất lớn: Sau khi đội lốt đặc sản Đà Lạt, giá mứt cao gấp 4-5 lần so với giá nhập từ Trung Quốc.

Các chuyên gia Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng tư vấn những dấu hiệu phân biệt mứt Đà Lạt chính hiệu và hàng nhái như sau: Hàng đặc sản Đà Lạt gồm mứt mận, mứt hoa hồng, mứt quất trần bì, mứt dâu tây và dâu tằm, hồng sấy, khoai lang dẻo, khoai lang sấy, kẹo me, kẹo dâu tằm…

Các loại mứt khác như kiwi, chà là, ô liu, mận cơm, đào giòn, cà ớt na tuy dán nhãn Đà Lạt nhưng thực chất đa số là của Trung Quốc.

'Bỏ túi' các số điện thoại nóng

Đội kiểm tra liên ngành thành phố Đà Lạt đã công khai các số điện thoại nóng để người dân và du khách liên hệ khi có những thắc mắc trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như sau: 0912903615 (Đội trưởng đội quản lý hành chính Công an Đà Lạt), _294 (Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1) _707 (Trưởng phòng kinh tế), _178 (Trưởng phòng Văn hóa và thông tin).

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...