Những lợi ích của dứa với sức khỏe mà ít người biết

Dứa có nhiều lợi ích nhưng cũng có những tác hại
Dứa có nhiều lợi ích nhưng cũng có những tác hại
Dứa hay còn gọi là thơm hay khóm (một số nơi gọi là khớm), hoặc trái huyền nương, có tên khoa học là Ananas comosus. Dứa là loại quả nhiệt đới có nguồn gốc từ Paraguay và miền nam của Brasil.Dứa được trồng nhiều ở nước ta, có thể phát triển tốt cả trên vùng đất phèn ở Đồng Tháp Mười.

Muốn trồng dứa, chỉ cần bẻ lấy toàn bộ phần ngọn lá xanh quả dứa rồi vùi xuống mặt đất ẩm, tự nó đâm rễ và phát triển thành khóm dứa xum xuê và cho quả.

Dứa là thành viên của họ dứa và là một trong những số ít cây thuộc họ có khả năng tạo quả ăn được. Thực chất, quả dứa được cấu thành từ rất nhiều hoa dứa riêng biệt, do các quả con hợp nhất lại với nhau xung quanh một lõi trung tâm. Mỗi mắt dứa là một quả con.

Lợi ích dinh dưỡng của dứa cũng hấp dẫn như cấu tạo của chúng. Dứa là loại quả được dùng nhiều trong mùa hè, chứa nhiều chất bổ dưỡng.

Về thành phần hóa học, trong 100g dứa ta có 90,5g nước, 0,8g protid, 1g axit hữu cơ, 6,5 glucid, 15mg canxi, 17mg photpho, 0,5mg sắt, 24mg vitamin C và các loại vitamin khác như vitamin B1, B2, PP, caroten, v.v...

Trong quả dứa có chứa enzyme bromelin hay bromelain, có thể phân hủy protein thành các axit amin. Chính vì thế quả dứa được tận dụng để ướp thực phẩm cho chóng nhừ. Tuy nhiên, những enzyme này quý hơn nhiều so với công dụng mà người ta thường biết.

Lượng chất dinh dưỡng có trong dứa nguyên chất và dứa đóng hộp khác nhau. Dứa đóng hộp chứa một lượng lớn calo (198 calo trong mỗi cốc) và đường do có sirô. Nó cũng chứa ít vitamin và khoáng chất hơn. Nếu bạn thích sử dụng dứa đóng hộp, hãy cố gắng không sử dụng thêm đường hoặc tìm mua các sản phẩm dưới dạng nước ép thay vì dạng sirô.

Lợi ích của dứa với sức khỏe

Hỗ trợ hệ miễn dịch: Không có gì tốt cho hệ miễn dịch hơn là vitamin C, và quả chứa chứa hơn 100% lượng vitamin cần thiết hằng ngày cho phụ nữ và hơn 88% cho đàn ông. Thêm vào đó, vitamin C cũng có chức năng chính như một chất chống ôxy hóa tan trong nước của cơ thể, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do. Điều này khiến cho vitamin C trở nên vô cùng hữu dụng trong việc chống lại những bệnh lý như bệnh tim, xơ vữa động mạch và đau khớp.

Làm xương chắc khỏe: Dứa có thể giúp bạn đứng cao và mạnh mẽ. Loại quả này chứa gần 75% lượng mangan (một khoáng chất quan trọng) cần thiết cho cơ thể, có vai trò quan trọng trong việc phát triển xương và các mô liên kết. Do đó, dứa là một lựa chọn hoàn hảo cho những người lớn tuổi có xương đang ngày trở nên giòn hơn.

Thúc đẩy quá trình tiêu hóa: Giống như nhiều loại rau và quả khác, dứa chứa nhiều chất xơ giúp tiêu hóa. Nhưng khác với nhiều loại rau quả khác, dứa chứa một lượng đáng kể bromelain, một loại enzym phân hủy protein, từ đó đẩy nhanh quá trình tiêu hóa.

Chống viêm: Bromelain cũng đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm, có thể giúp làm giảm nguy cơ đau khớp và sưng tấy. Viêm quá mức có thể dẫn tới một loạt các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư, và theo một số nhà dinh dưỡng học thì bromelain có thể giúp phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu cụ thể về việc liệu bromelain trong dứa có kết quả tương tự hay không.

Giảm đông máu: Bromelain có thể ngăn ngừa hình thành máu đông, khiến cho dứa trở thành món ăn cực tốt cho những người hay phải đi máy bay và những người có nguy cơ bị đông máu.

Giảm triệu chứng cảm lạnh thông thường: Ngoài việc có rất nhiều vitamin C, bromelain trong dứa cũng giảm bớt đờm trong cổ họng. Nếu như bạn bị cảm lạnh và ho, hãy thử ăn vài miếng dứa. Đặc biệt những người bị dị ứng nên xem xét đưa dứa vào chế độ ăn hàng ngày của mình để giảm đờm trong xoang lâu dài.

Tác hại cần tránh đối với dứa :

Ăn quá nhiều dứa có thể dẫn đến sưng hoặc đau môi, rát lưỡi và má trong. Đó là do bromelain có đặc tính làm mềm thịt. Tình trạng này sẽ chấm dứt trong vòng vài giờ, nhưng nếu nó vẫn tiếp tục, bạn có thể bị phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở, lúc đó, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Nhiều trường hợp nặng sẽ dẫn tới dị ứng với dứa.

Quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, ợ nóng, nôn mửa, đau đầu và mất ngủ. Thêm vào đó, quá nhiều bromelain có thể gây phát ban da, nôn mửa, tiêu chảy và kinh nguyệt không đều. Bromelain cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Những người sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, chống co giật, chống trầm cảm, chống mất ngủ và thuốc an thần không nên ăn quá nhiều dứa.

Tránh ăn dứa chưa chín hoặc uống nước ép dứa chưa chín rất nguy hiểm. Trong trạng thái này, dứa vô cùng độc hại với con người và có thể dẫn đến tiêu chảy nặng và nôn mửa. Ăn quá nhiều lõi dứa có thể khiến cho những búi chất xơ hình thành trong đường ruột.

Cách ăn dứa an toàn:

- Chọn mua dứa tươi và lành lặn, không bị dập nát.

- Gọt bỏ hết vỏ và mắt dứa.

- Nếu ăn dứa trực tiếp (ăn sống) thì cần cắt nhỏ miếng dứa rồi ngâm vào nước muối nhạt chừng 10 phút để loại bỏ nấm độc đồng thời ức chế enzym phân giải protein khiến người ăn không bị rát lưỡi.

- Đối với người có cơ địa mẫn cảm, hay bị dị ứng và trẻ em nên ăn dứa đã xào, nấu vì khi xào nấu dưới tác động của nhiệt khả năng gây dị ứng của dứa không còn nữa.

- Không nên ăn dứa khi đói vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào dạ dày, ruột, gây nôn nao khó chịu.

- Người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) không nên ăn dứa.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG