Những loại thuốc không được dùng khi bị sốt xuất huyết

Người bệnh sốt xuất huyết không tự ý dùng Aspirin và thuốc kháng sinh.
Người bệnh sốt xuất huyết không tự ý dùng Aspirin và thuốc kháng sinh.
Rất nhiều người khi bị sốt xuất huyết đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Điều đó đã dẫn tới những hệ lụy như làm bệnh nặng hơn, mất cơ hội để được chữa bệnh kịp thời và còn bị tai biến do thuốc... Các thuốc mà người bệnh thường mua về tự điều trị là thuốc hạ sốt giảm đau và thuốc kháng sinh.

Thuốc hạ sốt, giảm đau

Một trong những triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột tới 39 - 40 độ C, đau đầu dữ dội và ban xuất huyết... khiến người bệnh hoặc người nhà mua thuốc hạ sốt về dùng mà không biết rằng có một số thuốc có tác dụng hạ sốt nhưng lại có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, làm bệnh nhẹ trở thành nặng và gây nguy hiểm cho người bệnh. Một trong những thuốc đó là aspirin. Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid và là thuốc ức chế kết tập tiểu cầu. Do tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu nên thuốc không được dùng cho người có bệnh ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu... màsốt xuất huyết lại là bệnh do virut Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu làm cho cơ thể dễ bị chảy máu như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, nặng hơn là xuất huyết nội tạng...

Nếu dùng aspirin trong trường hợp sốt xuất huyết sẽ làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên, tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ gây nguy hiểm cho bệnh mà người bệnh còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc, như buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột... Vì vậy, tuyệt đối không được dùng aspirin trong trường hợp này.

Đối với thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol, đây là thuốc được dùng để hạ sốt trong sốt xuất huyết. Nhưng do sốt trong sốt xuất huyết là sốt cao, lại khó hạ, nhất là trong những ngày đầu. Khi thấy không hạ người bệnh thường tự ý tăng liều thuốc lên gấp đôi, gấp ba hoặc dùng thêm đường dùng khác (ví dụ như vừa uống, vừa đặt hậu môn)... gây nên tình trạng quá liều thuốc.

Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị nhưng khi quá liều, một chất chuyển hóa của paracetamol là N-acetyl-benzoquinonimin gây độc nặng cho gan, làm tổn thương gan, suy giảm chức năng gan. Quá liều cấp tính (trên 10g) làm thương tổn gan gây chết người. Ngoài ra, paracetamol còn làm nặng thêm tình trạng rối loạn đông máu do suy giảm chức năng gan. Vì vậy, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc hoặc hướng dẫn dùng thuốc trên bao bì hoặc trên tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm.

Những loại thuốc không được dùng khi bị sốt xuất huyết ảnh 1

Điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: H.H.

Thuốc kháng sinh

Rất nhiều người bệnh nghĩ rằng khi có sốt thì không chỉ phải dùng thuốc hạ sốt mà còn mua cả kháng sinh về uống. Cần lưu ý, kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng trong sốt xuất huyết vì sốt xuất huyết là do virut gây nên mà kháng sinh lại không diệt được virut. Chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện của nhiễm trùng (điều này phải do bác sĩ khám và chỉ định dùng). Như vậy, việc dùng kháng sinh ở đây là không cần thiết sẽ gây tốn kém, lãng phí cho người bệnh.

Nguy hiểm hơn nếu bệnh nhân có cơ địa dị ứng mà bị dị ứng với kháng sinh khiến người bệnh lại mắc hai bệnh cùng một lúc (vừa bị sốt xuất huyết, vừa bị dị ứng thuốc), việc chữa trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều cho người bệnh.

Việc dùng kháng sinh thường diễn ra từ 5-7 ngày, thậm chí là 10 ngày. Thuốc kháng sinh có thể không ảnh hưởng tới diễn tiến của bệnh nhưng trong thời gian trên tự bản thân bệnh có thể diễn tiến khó lường có thể gây ra các biến chứng như tràn dịch màng phổi, rối loạn đông máu gây xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội tạng, mất máu không cầm được hoặc bị sốc do bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Nhiều ca sốt xuất huyết dẫn tới những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng và có thể để lại những hậu quả nặng nề sau này hoặc dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Khi dùng thuốc không khỏi người bệnh mới tới viện thì bệnh đã ở trong tình trạng nặng hoặc đã có biến chứng, người bệnh bị mất đi cơ hội được điều trị kịp thời. Khi nhập viện muộn, việc điều trị sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Thời gian điều trị kéo dài gây tốn kém cho người bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Ở nước ta, sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng có nguy cơ bùng phát thành dịch vào mùa mưa, nhất là vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Để tránh tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới vào viện điều trị, khi người bệnh có triệu chứng bị sốt đột ngột, kèm theo triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, cơ thể có chấm đỏ ở ngoài da, chảy máu răng lợi hoặc chảy máu cam... người bệnh không được tự ý dùng thuốc điều trị mà phải đến các bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Theo Theo Sức khoẻ & Đời sống
MỚI - NÓNG