Nỗi lòng
Đã hơn 5 năm từ ngày rời Sóc Trăng để lên TP.HCM làm công nhân tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở quận Bình Tân, chị Đinh Thị Thanh Hoài (36 tuổi, người dân tộc Khmer) chưa một lần được trở lại quê nhà. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay chị Hoài còn chật vật hơn khi giá cả hàng hóa leo thang khiến lúc nào cũng khổ sở trong guồng quay kiếm tiền. Nỗi nhớ quê nhà, chị cũng đành cất giữ trong lòng.
Gạt đi những giọt nước mắt, chị Hoài tâm sự: Lương cơ bản của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. Là mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ hơn 8 tháng tuổi, với khoản thu nhập ít ỏi đó nhưng phải chi phí cho rất nhiều khoản từ tiền nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt… nên cuộc sống hai mẹ con chị lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. “Nếu thu nhập đủ sống thì chẳng ai muốn tăng ca nhưng với hoàn cảnh của tôi, không làm thêm thì khó sống”, chị Hoài thở dài.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, tính đến ngày 30/5, đơn vị này đã xác nhận tham gia BHXH cho 3.854 đơn vị với 53.976 lao động đang tham gia BHXH bắt buộc để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong số đó có 52.321 lao động đang làm việc tại 3.424 đơn vị và 1.655 lao động quay trở lại thị trường lao động thuộc 430 đơn vị.
BHXH lưu ý, thời gian nhận nộp hồ sơ, danh sách đề nghị xác nhận hỗ trợ cho lao động thuê nhà trọ chậm nhất đến hết ngày 15/8. DN chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực thông tin của người lao động trên mẫu biểu.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP HCM, hiện có gần 1,2 triệu lao động trên địa bàn TP có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng kinh phí dự kiến gần 2.100 tỷ đồng. Trong số đó, có hơn 987.000 lao động đang làm việc và hơn 205.000 người quay lại thị trường lao động.
Chị Hoài cho biết, những tháng không được tăng ca ở công ty thì tháng đó sẽ rất chật vật. Vì thế, chị xoay xở bằng cách rửa bát thuê cho quán ăn hay giúp việc nhà vào mỗi buổi tối với tiền công là khoảng 150.000 - 200.000 đồng.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,22% so với tháng trước. Chỉ có 2/11 nhóm giảm gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch. Các nhóm còn lại đều tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm giao thông.
Hằng ngày, chị Hoài gửi con cho hàng xóm chăm nom trước khi đến công ty làm việc, chiều đi làm về thì tranh thủ nấu đồ ăn tối, xong lại nhanh chóng đến chỗ làm thêm cho kịp giờ, đến hơn 22h chị đón con về nhà. “Tôi rất muốn dành thời gian cho con nhiều hơn, nhưng nếu không tăng ca tôi chưa nghĩ đến phương án nào để có thêm tiền trang trải cuộc sống”, chị Hoài nói.
Chị Phạm Thị Huế (38 tuổi, ở quận Bình Tân) từ Hà Tĩnh vào TP.HCM làm công nhân hơn 8 năm nay nhưng vợ chồng chị vẫn phải sống trong căn phòng trọ ước chừng khoảng 15m2. Không những chưa thực hiện được ước mơ mua nhà riêng, số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng còn bị bào mòn do dịch bệnh và vật giá leo thang.
Nhiều công nhân ở TPHCM gặp khó khăn trước cơn bão giá. Ảnh: Hoàng Trang |
Chị Huế cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, chi tiền nhà trọ, điện nước khoảng 1,5 triệu đồng, phần còn lại dành đóng học cho con hàng tháng, tiền ăn cho cả nhà, xăng xe đi lại...Nữ công nhân xòe bàn tay liệt kê gần chục khoản phải chi mỗi tháng.
Điều chị Huế lo lắng nhất lúc này chính là thời bão giá. “Động đến cái gì cũng thấy tăng giá, số tiền đi làm hằng tháng không đủ để trả tiền trọ và các chi phí sinh hoạt khác”, chị Huế nói.
Theo chị Huế, trước đây, cầm 200.000 đồng đi chợ là mua đủ thức ăn trong 1 ngày cho gia đình 4 người nhưng nay số tiền ấy chỉ mua được phân nửa thứ cần thiết. Bởi lẽ, trước mua chục trứng gà có 28.000 đồng, giờ lên 35.000 đồng, bí xanh đã lên đến 22.000/kg, giờ 27.000 đồng/kg, ngay cả mì gói cũng tăng lên 5.000 đồng...
“Thu nhập ít ỏi mà giá xăng đắt, đồ gì ngoài chợ cũng tăng giá, tôi đành phải nhận thêm công việc dọn dẹp cho căn nhà gần chỗ trọ với tiền công là 150.000 đồng/buổi”, chị cho biết.
Chóng mặt vì giá tăng
Tại các khu nhà trọ ở TP.HCM, câu chuyện “thắt lưng buộc bụng” của giới công nhân trong cơn “bão giá” có lẽ chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như lúc này.
Trong khi đó, ở chợ truyền thống, đúng như lời chị Hoài hay chị Huế nói, giá nhiều mặt hàng liên quan bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình có chiều hướng tăng mạnh.
Suốt hơn 3 tháng qua, chị Đức Huê, chủ sạp tạp hóa tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) đã phải giảm số lượng hàng hóa nhập về đáng kể do sức mua của người dân không còn được như trước.
Theo chị Huê, trước đây khi giá xăng dầu chưa tăng liên tục, một chai dầu ăn loại 1 lít chỉ có giá là 45.000 đồng nhưng hiện nay đã bán với giá 67.000 đồng/lít. Trứng gà loại vừa trước đây chỉ 28.000 đồng/chục , thì hiện chị đã bán với giá 35.000 đồng/chục; trứng vịt 38.000 đồng/chục.
“Nếu như trước đây, cứ mỗi tuần tôi nhập thêm dầu ăn, gia vị, mì gói,…với khối lượng mỗi loại một thùng thì bây giờ 2, 3 tuần mới dám nhập thêm vì lượng khách giảm một nửa so với trước. Thời gian này, tôi quyết định giảm bớt lợi nhuận, miễn là giữ được chân khách hàng”, chị Đức Huê nói.