Những ký ức buồn hơn nước mắt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng đâu đó vẫn còn những câu chuyện đẫm nước mắt. Một cuộc “đại chia ly” trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25) ngày nào đã khiến vô số đứa trẻ thất lạc cha mẹ. Nhiều đứa bé được người dân tộc Jrai cưu mang, nuôi nấng, giờ đang sống êm đềm ở các ngôi làng.
Những ký ức buồn hơn nước mắt ảnh 1

Ảnh tư liệu cuộc tháo chạy trên đường số 7 Ảnh: AP

Mong gặp cha mẹ

Dài 181 cây số, quốc lộ 25 đi qua địa phận hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Điểm đầu của đường nối với quốc lộ 1A thuộc địa phận TP Tuy Hòa (Phú Yên) và điểm cuối giao với quốc lộ 14 thuộc địa phận huyện Chư Sê (Gia Lai).

Hành trình trên quốc lộ, sẽ thấy nhiệt độ nóng dần lên từ huyện Chư Sê xuống TP Tuy Hòa. Chính vậy nên vừa đổ đèo Chư Sê, quốc lộ uốn lượn bám sát dòng sông Ba để nhận hơi mát của nước.

Đi trên quốc lộ nhiều lần nhưng mấy ai để ý rằng tuyến đường này được Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX với biết bao lịch sử. Nhắc tới đây không thể quên được cuộc chạy loạn vào cuối tháng 3/1975.

Chiến sự hồi ấy khốc liệt, hàng vạn người dân từ TP Pleiku theo đường số 7 (bây giờ là quốc lộ 25) xuống Phú Yên. Loạn lạc đã khiến nhiều đứa trẻ thất lạc bố mẹ. Giờ đây, cuộc sống đã ổn định nhưng họ vẫn còn một nỗi buồn sâu thẳm khi nhớ cội nguồn.

Cuối chiều, chị Ksor H’Ji (buôn Tông Se, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) cùng mọi người vừa đi rẫy về. Phơi nắng cao nguyên nhưng chị H’Ji vẫn giữ được nước da trắng, ai tin nổi người phụ nữ này mang họ người Jrai.

Mang vẻ ngoài của người Kinh nhưng giọng nói, lối sống của chị H’Ji đậm văn hoá của người dân miền núi. Bên hiên căn nhà sàn, nhắc đến chuyện bị bỏ rơi ngày ấy, chị H’Ji mắt bỗng rưng rưng.

“Tôi đã gắn bó với con người, mảnh đất nơi này nên chẳng muốn đi đâu cả. Nhưng vẫn mong muốn một lần biết được hình dáng cha mẹ, người thân của mình. Tôi không trách họ vì biết rằng do hoàn cảnh chứ chẳng ai muốn bỏ rơi con mình”, chị Ksor H’Ji xúc động.

Buổi tối dưới ánh lửa trong căn nhà sàn, mắt chị H’Ji trầm tư khi nghe câu chuyện của bà Ksor H’Đơ (60 tuổi) kể ngày đầu tiên bế chị về nhà. Hửng nắng buổi sáng cuối tháng 3/1975, bà H’Đơ lúc ấy mới 14 tuổi gùi rau, bí đỏ đi bộ tới chợ tỉnh Phú Bổn (trước 1975 Pleiku được chia ra hai tỉnh Pleiku và Phú Bổn; nay là thị xã Ayun Pa) để bán. Dù chiến sự nhưng cuộc sống nơi đây vẫn yên bình, đông đúc.

Cô gái Jrai chẳng hiểu gì khi thấy quân lính, xe cộ chạy tất bật. Với cô bé H’Đơ điều ý nghĩa lúc ấy là bán hết hàng rồi về nhà đưa tiền cho cha mẹ. Bán hết hàng cũng gần trưa, bỗng có một người phụ nữ hớt hải, vẫy tay gọi H’Đơ.

Vừa tới, người phụ nữ đẩy một bé gái lem luốc, vừa chập chững đi về phía H’Đơ rồi nói: “Đưa về mà nuôi”. Chẳng kịp phản ứng, người phụ nữ ấy đã quay lưng rồi chạy một mạch. Lau bụi mặt cho cô bé, H’Đơ cõng bé gái về nhà.

Những ký ức buồn hơn nước mắt ảnh 2

Chị Ksor H’Ji

Vừa tới nhà, bố mẹ thấy con gái cõng sau lưng đứa bé thì chạy tới hỏi. Cuộc sống khó khăn nên cha mẹ H’Đơ vẫn dọa: “Con đem nó về nuôi thì con phải chịu khó lên rẫy hơn đấy nha”.

Vậy là tối hôm đó gia đình làm lễ nhận con nuôi, đặt tên là Ksor H’Ji. Cuộc sống êm đềm như dòng nước sông Ba, cô bé H’Ji ăn uống, mặc quần áo như người bản địa. Dần dần, các bạn cùng trang lứa xem H’Ji là người của dân làng nhưng màu da chẳng thể lẫn trộn vào đâu.

Vài năm sau thiếu nữ H’Đơ lấy chồng, sinh con. H’Ji là người đặc biệt nên luôn được gia đình yêu thương, chăm sóc, bởi với gia đình H’Đơ không phân biệt giữa con nuôi hay con ruột, mà do “Yàng” (tên gọi của chúa tể thần linh, ông trời) ban tặng là sẽ yêu thương.

15 tuổi, trước sự gặng hỏi của con gái, bà H’Đơ quyết định nói ra sự thật. Biết mình không phải con ruột của bà H’Đơ, cô bé H’Ji buồn tủi, bỏ ra sau nhà khóc mãi. Thời điểm đó, trong làng có người đàn ông luôn qua an ủi, động viên H’Ji. Tình cảm cũng từ đó mà vun đầy. Cưới nhau họ sinh được 3 người con. Cả gia đình sống nhờ vào nghề xát lúa, chồng đi làm thuê.

Cội nguồn là điều thiêng liêng nên chị H’Ji vẫn mong một ngày gặp lại cha mẹ, được họ ôm vào lòng sau năm dài xa cách. Dù đã gửi hồ sơ của mình lên chính quyền địa phương nhưng đến nay chị H’Ji vẫn chưa tìm được người thân. “Tôi mong nếu cha mẹ không còn, thì anh em hãy về đây với gia đình tôi để gặp, ôm nhau”, chị H’Ji xúc động.

Những ký ức buồn hơn nước mắt ảnh 3

Chị H’Tuynh

“Ở lại với làng”

Cũng mùa chiến sự ấy, một binh lính quân đội Sài Gòn đã ôm bé gái 5 tuổi, mặt mày phờ phạc lạc mất người thân đưa cho chị Rơ Ô H’Kut (ở xã Ia Tul, huyện Ia Pa), thời điểm ấy 30 tuổi. Bà H’Kut đặt tên đứa trẻ là H’Tuynh - nghĩa là nhặt được. Lúc ấy nghèo, dân làng chẳng mấy ai được học hành tử tế, cô bé H’Tuynh cũng trong số ấy.

Ngày ngày H’Tuynh đưa bò lên núi, tối về chơi với đám bạn trong làng nên không nói rành tiếng phổ thông. H’Tuynh lớn dần lên, nhận thức được mình là con rơi nên cũng luôn hỏi bà H’Kut. Sợ mất con nên mẹ nuôi lúc nào cũng lảng tránh.

Một phương trời khác, bà Nguyễn Thị Thông (73 tuổi, huyện Đak Đoa) cũng bị lạc mất con trên đường số 7. Hoà bình, bà Thông quyết định từ Sài Gòn quay lại đường số 7 tìm con gái. Gặp ai bà cũng đưa tấm hình đen trắng của con gái tên Hồ Thị Nga ra hỏi hết các làng dọc đường số 7.

Trời không phụ lòng người, tám năm trước, qua chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, bà Nguyễn Thị Thông đã lấy mẫu xét nghiệm ADN với chị H’Tuynh cho kết quả trùng khớp. Chị H’Tuynh chính là Hồ Thị Nga. Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của niềm vui. Họ ôm nhau rồi oà khóc cho thỏa nỗi nhớ người thân bao nhiêu năm.

Tâm trí của chị H’Tuynh đã dành cho nơi đã giúp mình no bụng, thỏa cơn khát. Người phụ nữ quyết định gắn bó với mảnh đất cưu mang mình, hơn cả là nơi đó có mẹ nuôi H’Kut. Giờ đây, hễ rảnh chị H’Tuynh lại dẫn gia đình về huyện Đak Đoa thăm mẹ ruột.

Ở các bản làng dọc quốc lộ 25 còn vô số những đứa trẻ thất lạc cha mẹ trong cuộc tháo chạy năm 1975. Ai cũng đã ngoài 50 nhưng đều có một mong ước là có ngày được nhìn thấy người đã sinh ra mình.

“Sau các thất bại dồn dập, ngày 14/3/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, kiêm Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hoà, đã có một bước đi hết sức sai lầm khi quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung Bộ. Việc rút quân hỗn loạn, nên chỉ ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II Quân lực Việt Nam Cộng hoà với 60.000 quân đã bị tiêu diệt, đầu hàng hoặc tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7. Cuộc rút chạy tán loạn, rất nhiều trẻ con bị thất lạc cha mẹ trên đường số 7” - trích theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia về Chiến dịch Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.