Muôn màu muôn vẻ
Văn Trọng là một trong số đó. Ðến nỗi, cả làng mỹ thuật đóng khung anh với biệt danh “Trọng lợn”.
Trọng cũng vẽ phong cảnh, tĩnh vật và đàn bà… nhưng nhắc đến anh, người ta thường nhớ đến những bức tranh lợn. “Nhân diện”- triển lãm cá nhân của Trọng hồi đầu năm 2018 bày 30 bức thì có hơn 20 bức vẽ lợn. Ðó mới chỉ là “một nhúm” trong tổng số hơn 150 bức tranh lợn mà Trọng vẽ suốt 3 năm nay. “Từ nhỏ tôi đã gắn bó với nó, tôi phải đi kiếm rau nấu cám cho nó đủ 3 bữa sáng, chiều, tối. Phải đi đập nghóe cho nó.... Tiếng nó kêu khi đói, khi ngửi thấy mùi cám bưng ra chờ nguội mới được ăn. Tiếng nó hộc lên khi có người lạ vào xem khi con nó còn bé. Tiếng ụt ịt khi cho con nó bú...”. Và thế là Trọng vẽ lợn. Nhưng bằng lối vẽ biểu hiện, bố cục và màu sắc, con lợn của anh rất khác biệt. Nó có cái mõm bị kéo dài rất Văn Trọng và đôi khi trong cả bức tranh, nó chỉ xuất hiện bằng hai lỗ mũi. “Tôi bị ám ảnh bởi cái mõm dài. Tôi hình dung nó đang cười hoặc đang kêu gào, khóc lóc. Nó cũng có cảm xúc như con người”- anh nói.
Trong tranh của Văn Trọng, những mảng màu được kết nối bằng những nét cào xước, tạo nên điểm nhấn thú vị, cá tính. Thế nên, dù tranh lợn kén khách thì anh vẫn bán được hơn 20 bức ở thể loại này.
Giới mỹ thuật miền Bắc kháo nhau, nếu như Văn Trọng “chăn” lợn đồng bằng thì Mai Huy Dũng lại say sưa với lợn miền núi. Là bởi hầu hết tranh lợn của anh được vẽ từ những chuyến lang thang khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở triển lãm nhóm “We Open- Chúng tôi mở” (2015), công chúng lần đầu được chiêm ngưỡng tranh lợn của Mai Huy Dũng. Một loạt tranh vẽ theo lối biểu hiện, đầu người mặt lợn, pha trộn nhiều sắc thái cảm xúc. Ðộ tương phản màu sắc được đưa đến đỉnh điểm, đối lập, giằng xé, quyết liệt. Sau triển lãm ấy, Dũng vẫn tiếp tục vẽ lợn, nhưng bằng lối tả thực. Lần này, những con lợn bị lột da, bị mổ banh, máu me, ngồn ngộn. Những hình ảnh khiến ai mới nhìn thấy cũng không khỏi ghê ghê, sờ sợ, tưởng như xung quanh đang bốc lên mùi tanh nồng của thịt sống.
Ðể đưa được cái “vị” ấy vào tranh, Mai Huy Dũng đã mất hàng tháng trời lang thang, chui lủi ở các lò mổ, khu bán thịt lợn ở chợ phiên Lũng Phìn (Hà Giang) để mục sở thị tất tần tật hoạt động giết mổ, pha thịt của người dân địa phương. Ðến nỗi, các bà ở chợ còn tưởng nhầm “cái anh đầu trọc, mắt thô lố” ấy là người của bên vệ sinh an toàn thực phẩm đang đi “soi” thịt…
Thay vì phải rình mò lò mổ như Mai Huy Dũng, Trần Ðức Quỷ tự tay mổ lợn và bê hẳn 36 cặp lợn “song sinh” được nhồi composit bên trong nhưng bọc bằng da lợn thật bên ngoài, đi triển lãm (triển lãm cá nhân “Hợp thể”, 2010, tại L’espace). Những con lợn không đầu, chỉ có nửa thân bên dưới, hai cặp chân và cái đuôi xoăn, đang húc nhau. Vì được bọc bằng da thật, còn giữ nguyên lớp lông, thậm chí còn rõ những vết đốm trên da lợn nên những tác phẩm của Trần Ðức Quỷ chân thật và sinh động, khiến người xem phải “ngả mũ chào thua” độ sáng tạo của ông nghệ sĩ “quái dị” nhất nhì làng mỹ thuật.
Nghe nói, để làm được 36 cặp này, Quỷ đã phải mua 148 con lợn về làm thịt để lấy phần da nửa thân sau. “Mới đầu tôi làm hình ảnh này trên phác thảo điêu khắc bằng chất liệu đất nung. Nhưng sau đó tôi nghĩ sao không thử làm bằng da lợn thật. Ấn tượng thị giác sẽ mạnh hơn rất nhiều”, anh nói về ý tưởng của mình. Việc thử với da lợn thật là một kỹ thuật rất khó và vì không có chuyên môn thuộc da nên anh làm hỏng khá nhiều. Lọ mọ suốt 6 tháng trời mới ra được đàn lợn như ý.
Càng gần Tết Kỷ Hợi, “đến hẹn lại lên”, các nghệ sĩ lại căng toan bày mực vẽ tranh con giáp của năm.
Không bỏ lỡ trend, dạo này, hoạ sĩ Triệu Long cũng liên tục tung lợn lên facebook. Hàng chục con lợn lúc nhúc đủ màu sắc được làm bằng giấy bồi. Bản chất là lợn giấy nhưng làm khá công phu. Ðầu tiên là bồi giấy và keo thành các mảnh khuôn, đem phơi khô, rồi cắt tỉa và ghép. Ghép xong lại bồi giấy để thành hình. Thành hình rồi lại phủ thêm lớp báo, giấy, hoặc vải, sơn màu. Ðể ý kỹ mới thấy tất cả các mảnh báo hay vải khi bồi lên đều phải xé thủ công từng tí một, bởi nếu dùng kéo cắt sẽ làm các mép bị cứng, mất đi độ mềm mại, nuột nà của tác phẩm.
Mỗi con một vẻ, con hớn hở ngoáy đuôi, con ngông nghênh hiếu động, con cuống quýt đòi ăn, con lại thư thả nằm nghỉ…, mỗi lần Long tung ảnh “thả thính” trên facebook, người ta lại nhao nhao vào “đặt gạch”. Giá từ 500 nghìn đến 2 triệu, tuỳ kích thước hoặc chất liệu lớp ngoài cùng. Những con được phủ sơn mài sẽ có giá trên 10 triệu đồng. Gần 10 năm nay, bên cạnh vẽ tranh thì việc làm các con giống chó mèo lợn gà bằng giấy bồi như vậy đã mang lại cho hoạ sĩ Triệu Long khoản thu nhập kha khá.
Lợn, và hơn thế nữa...
Không chọn những tư tưởng triết lý thâm sâu, qua tranh lợn, Văn Trọng kể những câu chuyện giản dị, đời thường với cảm xúc tươi vui, gần gũi. Bức này nói về những người phụ nữ hạnh phúc, bức kia nói về tình yêu giữa đàn ông và đàn bà, bức cạnh đó là cảnh ồn ào ở làng quê, bức nữa nói về gia đình con cái... Từ bỏ thủ đô ồn ào để về quê dạy vẽ cho đám trò nghèo, với vài con lợn bằng sơn dầu trên toan, Văn Trọng đã cho người xem thấy được cuộc sống thanh bình, yên ả của một ông giáo làng yêu nghệ thuật.
Mai Huy Dũng thì khác. Tranh lợn của Dũng vẫn bị phàn nàn là “hơi cực đoan”. Dũng là thế, cười cười hiền hiền nhưng khi chìm trong màu sắc, anh táo bạo đến kì lạ. Vẽ về lợn, dẫu theo trường phái biểu hiện hay lối tả thực thì ẩn trong con lợn vẫn là hình hài, đường nét của con người. Ðằng sau thần thái, ánh mắt của loài lợn là sự tham lam, ích kỷ, hợm hĩnh, những vấn đề về nhục dục, bầy đàn của loài người. Thế nên, con lợn trong tranh Mai Huy Dũng lúc nào trông cũng khùm khoằm, gai góc. Tranh vì thế cũng kén người mua. Nghe đâu bán được 2-3 bức, Dũng ủng hộ luôn cho một nhóm từ thiện. “Tôi còn nghĩ là chả ai mua cơ, bán được là tốt rồi”, Dũng cười hi hi.
Trần Ðức Quỷ đưa con lợn vào sáng tác cũng không có gì bất ngờ. Bởi xưa nay, anh vẫn ghi dấu ấn với hình ảnh một nghệ sĩ nông dân chân chất. Sáng làm nghệ sĩ, chiều về lại chăn lợn nuôi gà. Cuộc sống nông thôn dân dã cứ thế đi vào sáng tác của Quỷ rất đỗi tự nhiên, hồn nhiên.
Không phụ thuộc vào hình ảnh con lợn dân gian, các nghệ sĩ ngày nay đã biến hoá “hậu duệ Trư Bát Giới” với muôn hình vạn trạng. Tranh vẽ ra cũng không chỉ để bán hay trang trí, mà đôi khi chỉ để phục vụ một sứ mệnh duy nhất: giúp nghệ sĩ thể hiện cảm xúc, cái nhìn trước cuộc sống và những vấn đề xã hội.