Họa sĩ tìm đề tài trên báo

Bùi Quốc Khánh và trích đoạn Ði về phía trước (160X200cm)
Bùi Quốc Khánh và trích đoạn Ði về phía trước (160X200cm)
TP - Triển lãm tranh Một vòng đi vừa diễn ra tại Hà Nội của Bùi Quốc Khánh tràn ngập màu sắc và hình tượng. Bức nào cũng đầy ắp chi tiết, nhân vật và sự kiện. Những bức tranh lấy cảm hứng từ đời sống và và nhiều khi là thời sự nóng hổi.

Những ai từng biết Bùi Quốc Khánh- giảng viên trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội- hẳn có chút ngạc nhiên vì tranh trong triển lãm đầu tay của anh có độ khác biệt đáng kể so với những gì anh từng vẽ. Kiểu vẽ đầy ắp chi tiết và màu sắc tác động mạnh vào thị giác này được anh ấp ủ từ 5 năm trước. “Tôi luôn thích yếu tố trang trí, pop-art, nhưng phải đến bây giờ mới thấy tạm đạt đến cái mình muốn diễn giải,” Khánh nói.

Tầm tuổi 35 làm triển lãm đầu tay cũng là vừa đẹp, nhưng thực ra mới đầu Khánh và hai người bạn nữa tính làm chung. Cũng vì hai bạn có việc bận nên anh bao luôn cả phòng triển lãm Hàng Bài với 15 bức sơn dầu khổ lớn. Xác định tranh mình “khó hiểu”, không có tiềm năng thị trường, nhưng đến cuối triển lãm, quá nửa số tranh của Khánh đã có chủ. Hẳn là sau khi trao đổi với tác giả, khách đã bị những bức tranh cùng những câu chuyện đằng sau cuốn hút.

Quả thực nếu chỉ có tác phẩm và tên, khán giả gần như sẽ không biết đằng nào mà lần hoặc tự liên tưởng rất xa với nội dung Khánh đề cập. Tất nhiên như vậy cũng chẳng sao nhưng nếu có thuyết minh từ tác giả, chắc chắn tác phẩm sẽ thú vị hơn.

Chẳng hạn bức Đơn ca với một bà da nâu có gương mặt choán 3/4 tranh đang ngồi toa-let. Bên trái, một người kéo violon trong tà áo hoa văn toàn đầu lâu, bên phải là người đang quỳ, quay mặt vào trong chìa cái lưng vẽ đầu rồng về phía người xem. Nhân vật thứ tư thò nửa mặt xanh lè dưới nền nhà ngập nước. Trên nền ngập lụt đó lóp ngóp đủ thứ cá, rồng, hổ, vịt và rác… Vâng, bức tranh nói về nạn ô nhiễm môi trường đang đe dọa Mẹ Trái Đất. Trên tóc của bà là hàng ngàn con mắt, còn trên hàm răng có một con ruồi đang đậu. Và mặc cho bà gào thét, các đứa con hình như chẳng nghe được gì mấy.

Tất nhiên trong 5 năm định hình phong cách, Khánh không ngồi không. Ngoài giảng dạy, anh cộng tác với các công ty thiết kế nội thất. Có lần còn trúng thầu lắp hệ thống điều hòa hẳn cho nhà Quốc hội, hiện vẫn đang theo mấy dự án homestay trong Tây Nguyên… Nhưng một năm trước triển lãm này, Khánh dừng tất cả các công việc kiếm tiền mà anh gọi là “tích lũy”, chuyển sang chế độ “sáng tác”.

Tức là anh xác định đã kiếm tiền thì không vẽ và ngược lại. “Tôi cố gắng dành tình yêu trọn vẹn cho tranh,” Khánh khẳng định. “Không thể nào dính đến cơm áo gạo tiền khi làm nghệ thuật. Muốn bán được tranh cũng không khó. Chỉ cần nhìn ngắm thị trường, làm đúng cái thị trường cần, giá hợp lý một chút là được. Nhưng mình được phép chọn cuộc chơi nên chơi phải ra chơi! Tôi chỉ quan trọng tác phẩm có hay không, mình đã làm hết sức chưa, không sợ không bán được tranh”.

Gia đình Khánh không ai theo đuổi nghệ thuật. Bố mẹ có một xưởng cơ khí nhỏ cũng muốn hai anh em nối nghiệp, nhưng rút cuộc mỗi đứa một hướng. Khánh cũng mất một thời gian “thỏa hiệp” với mong mỏi của phụ huynh. Còn giờ đây, anh có hai con đang đi học. “Sẽ tốt hơn khi mình cân bằng được nghệ thuật và cuộc sống,” anh giãi bày. “Nhưng thực tế chả bao giờ cân bằng được. Vì hội họa, tôi bỏ khá nhiều cơ hội kiếm tiền. Nhưng suy cho cùng, ai cũng sẽ có những áp lực trong cuộc sống phải vượt qua…”.

Đó cũng chính là lý do Khánh chọn cái tên Một vòng đi. Khi sinh ra, mỗi người đã tự đặt chân vào vòng đời của mình. Bằng cách đi qua rất nhiều vòng tròn nhỏ, họ đều sẽ phải hoàn thành vòng tròn lớn, và mọi thất bại hay thành công, hạnh phúc hay đau khổ đều không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Có thể thấy cái “vòng tròn” vật chất đang chi phối xã hội hôm nay qua nội dung của nhiều bức Khánh vẽ. Đi về phía trước- bức vào loại to nhất triển lãm mô tả bên trong một chuyến xe buýt. Bác lái xe với bộ mặt phấn khích đầy quyết đoán đang phất tay đưa hành khách về phía thành phố màu hồng. Các hành khách dù mỗi người mỗi tâm trạng nhưng cũng đều tin vào màu hồng của thành phố, tất cả các tấm vé họ cầm trên tay đều mang chữ “một chiều”. Khánh đưa hình tượng hai chú bé Vinh hoa, Phú quý của tranh Đông Hồ vào. Nhưng chúng đều mang gương mặt trung niên với hàng ria đen nhức. Như vậy, ước mong của chúng ta giờ đây cũng không hơn gì các cụ khi xưa. Một nhân vật nhỏ bé lạc lõng phía dưới, cởi trần, mang vẻ mặt khó chịu của người bị muỗi đốt. Có vẻ anh là người duy nhất trong tranh muốn đi chiều ngược lại nhưng biết làm sao, khi anh đã ngồi trên chuyến xe đó rồi. Đó chính là hiện thân của tác giả.

Bức Khởi động đề cập các vấn nạn giáo dục, bao gồm cả vụ nâng điểm bị phát giác ở nhiều tỉnh. Trong khi bức Hôn lễ lại miêu tả cuộc “ép duyên” giữa Mobifone và An Viên. Nhóm kín đưa người xem vào thế giới bí mật của các quý ông sở hữu và tìm kiếm quyền lực. Ngay như loạt tranh tốt nghiệp Cao học, Khánh cũng lấy “cảm hứng” từ vụ phá sản của Vinaxuki mới chịu.

Tuy nhiên, Khánh cũng tập trung nhấn mạnh ngôn ngữ riêng của tranh chứ không có ý định dùng lời thuyết minh để bù đắp. Nghệ thuật đại chúng pop-art xuất phát từ ngành truyện tranh, quảng cáo tại Mỹ những năm 1950 mang lại cho anh một phương tiện biểu đạt vừa hấp dẫn, sâu cay mà vẫn đảm bảo tính hài hước. Qua tranh, Bùi Quốc Khánh muốn truyền một thông điệp giản dị: “Đáng sợ nhất là sự mất phương hướng ở nhiều lĩnh vực trong xã hội. Nhưng sự thay đổi phải từ cá nhân. Mỗi cá nhân thay đổi, xã hội sẽ thay đổi, chưa cần hô hào cái gì đó to tát”.

Theo Bùi Quốc Khánh: “Nghệ sĩ nên phản ánh xã hội họ đang sống chứ không nên vẽ những thứ họ không trải qua. Chẳng hạn anh chả sống miền núi ngày nào thì làm sao vẽ ra được cái hồn của núi…” .Và như thế, trong khi nhiều họa sĩ bí đề tài thì tư liệu sáng tác của Khánh lúc nào cũng ngồn ngộn… trên báo. Rất có thể trong tương lai anh còn có thêm những bộ tranh bắt nguồn từ văn học, lịch sử…

 
Họa sĩ tìm đề tài trên báo ảnh 1 Tác phẩm Khởi động (167X185cm) bàn về giáo dục của Bùi Quốc Khánh. Ảnh: N.M.Hà
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.