Những hiện tượng trước bầu cử Tổng thống Philippines

Những hiện tượng trước bầu cử Tổng thống Philippines
TPO - Hơn 50 triệu cử tri Philippines ngày 9/5 sẽ đi bỏ phiếu bầu lãnh đạo kế tiếp của “đất nước nghìn đảo”. Tạp chí The Diplomat thống kê 5 hiện tượng chính nổi lên trong cuộc “chạy đua” kịch tính bầu Tổng thống Philippines diễn ra suốt 3 tháng qua.

Sự trỗi dậy của ứng viên Duterte

Cựu thị trưởng thành phố Davao ở miền Nam Philippines, ông Rodrigo Duerte, là người cuối cùng tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Philippines vào năm 2015. Tuy nhiên, tới thời điểm này, ông Rodrigo Duerte đã vượt trước các đối thủ trong một số cuộc thăm dò dư luận.

Bất luận kết quả bầu cử ra sao, ứng viên Rodrigo Duerte cũng đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ tới nền chính trị Philippines. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà lãnh đạo ở Mindanao, miền Nam Philippines, trở thành ứng viên sáng giá nhất trở thành Tổng thống Philippines.

Ông Rodrigo Duerte tiếp tục giành được sự chú ý và ủng hộ của cộng đồng người Công giáo chiếm đa số ở Philippines, dù rằng ông tuyên bố chính thức ủng hộ thi hành án tử hình và quyết tâm loại trừ tội phạm.

Một số nhà quan sát cho rằng sự trỗi dậy của ứng viên Rodrigo Duerte phản ánh nỗi thất vọng, bức xúc của công chúng trước hoạt động thiếu hiệu quả của chính quyền Philippines.

Trong khi đó, nhiều cử tri ủng hộ ông Rodrigo Duerte bởi các chương trình, kế hoạch của ông hướng chủ nghĩa dân túy, ủng hộ tầng lớp người nghèo, cũng như ý định đánh bật sự cầm quyền của giới tinh hoa Philippines.

Sự trở lại của gia tộc Marcoses

Thượng nghị sỹ Ferdinand Marcos Jr, con trai của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, tuyên bố ra tranh cử chức Phó tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016 với tham vọng khôi phục tầm ảnh hưởng chính trị của gia tộc Marcos sau khi bị lật đổ cách đây gần 30 năm.

Động thái này của ông Marcos Jr làm sống lại cuộc  tranh luận liệu rằng cha của ông là một anh hùng hay một nhà độc tài.

Ông Ferdinad Marcos cầm quyền tại Philippines trong 2 thập kỷ, trước khi buộc phải cùng gia đình trốn chạy khỏi Philippines vào năm 1986.

Không như các cuộc bầu cử trước, di sản của gia đình Marcos với những cáo buộc về tham nhũng quy mô lớn và vi phạm nhân quyền  đã trở thành một vấn đề tranh cãi trong cuộc bầu cử năm nay.

Những người trung thành với gia tộc Marcos cho rằng cựu Tổng thống Marcos không làm điều gì sai trong việc tuyên bố thiết quân lập năm 1972, bởi điều này giúp đất nước Philippines có được hòa bình và thịnh vượng.

Trái lại, các nhóm phản đối gia tộc Marcos không cho rằng cựu Tổng thống Marco vô can, đồng thời đưa ra nhiều lời đả kích nhằm vào gia tộc này. Một số nhà nghiên cứu thậm chí đưa ra những tuyên bố nhắc nhở công chúng về ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng thiết quân lập.

Tiếp tục hay thay đổi

Khác với cuộc bầu cử năm 2010, các ứng viên Tổng thống Philippines năm nay dường như thành công hơn trong việc tạo dựng hình ảnh cá nhân tích cực.

Ứng viên Tổng thống Mar Roxas thuộc Đảng Tự do cầm quyền và ứng viên Phó Tổng thống Leni Robredo rất tự hào về những công việc mà ông Benigno Aquino III đã hoàn thành trên cương vị Tổng thống.

Họ thậm chí lấy khẩu hiệu “Con đường đúng đắn” (Right Path) của Đảng Tự do làm nickname chính thức trên lá phiếu bầu cử. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc ứng viên Roxas đứng ở vị trí thấp trong các cuộc thăm dò dư luận là tín hiệu cho thấy thái độ không hài lòng của nhiều cử tri Philippines đối với chính quyền Tổng thống đương nhiệm Aquino.

Bê bối rò rỉ dữ liệu cử tri

Tháng 4/2016, trang web của Ủy ban bầu cử Philippines (Comelec) bị tin tặc tấn công. Tin tặc đã đánh cắp nhiều dữ liệu cá nhân như dấu vân tay, thông tin hộ chiếu…của hơn 70 triệu cử tri. Comelec phải chính thức xin lỗi và khuyên người dân thay đổi địa chỉ email và mật khẩu.

Theo công ty bảo mật Trend Micro, đây là vụ thất thoát dữ liệu cá nhân lớn nhất trong lịch sử Philippines và chính quyền nước này đang cố nói giảm để tránh hậu quả vụ việc.

Tới thời điểm này, Comelec đã thực hiện các biện pháp bảo mật chặt chẽ hơn, song vụ tin tặc cho thấy rất nhiều lỗ hổng còn tồn tại trong hệ thống bầu cử, bao gồm cả hệ thống phân loại phiếu bầu tự động dự kiến sẽ được dùng trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 9/5 tới.

Nhiều người lo lắng rằng các chính trị gia giàu có và quyền lực có thể khai thác lỗ hổng trong hệ thống bầu cử để bóp méo kết quả bầu cử.

Mạng xã hội và chiến dịch tuyên truyền

Trong lúc truyền thông chính thống tiếp tục là phương tiện truyền thống truyền tải thông tin liên quan bầu cử tới công chúng thì mạng xã hội bắt đầu trở thành công cụ trong chiến dịch tuyên truyền của các ứng viên Tổng thống Philippines.

Chiến dịch này nhiễu loạn với các ý tưởng giả tạo, các bức ảnh, video được chỉnh sửa, những lời bình luận trêu đùa, hàng loạt thông tin thiếu chính xác…Tác động của mạng xã hội lớn tới mức lãnh đạo các đảng phái thậm chí phải khuyên nhủ những người ủng hộ họ kiềm chế các hành vi online không đúng đắn.

Theo Theo The Diplomat
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.