Những gương mặt doanh nhân trẻ

Những gương mặt doanh nhân trẻ
TP - Qua chân dung và câu chuyện với những nhân vật tiêu biểu trong giới doanh nhân thành đạt hiện nay, ta cũng có thể thấy họ đã thành danh khi tuổi đời còn khá trẻ.                                                                         

Sinh ngày 10/2/1971 tại Khánh Hoà, năm thứ 12 của nghề chế biến cà phê mà vốn liếng ban đầu là ý chí với hai bàn tay trắng, bác sĩ Đặng Lê Nguyên Vũ đến nay đã là một trong những nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất các nước khối ASEAN.

Hiện anh Vũ đang sở hữu 3 nhà máy chế biến cà phê ở Đăk Lăk, Bình Dương; 1 nhà máy chế biến trà ở Lâm Đồng; 1 trang trại chăn nuôi đại gia súc trên thảo nguyên Ma Đ’răk với riêng nguồn vốn xây dựng khoảng 50 triệu USD, cùng thương hiệu cà phê Trung Nguyên lừng danh có mặt tại hơn 40 nước trên thế giới.

Ngoài ra, theo lời Đặng Lê Nguyên Vũ, hiện anh còn tổ chức một số hoạt động khác “chưa tiết lộ được”. 

Anh Vũ tự bạch: Tôi luôn vạch ra cho mình 1 kế hoạch và bằng mọi giá phải đạt được. Ví dụ: Năm 1995 chưa có đồng nào trong tay, tôi đề ra mục tiêu năm 1996 phải có 40 triệu đồng. Năm 1996 tôi có đủ số tiền đó.

Năm 1998 tôi thoả thuận làm nhà phân phối toàn quốc cho hãng trà Tiến Đạt (Bảo Lộc, Lâm Đồng) xong liền mời VTV tới chứng kiến. Đúng lúc đó bà chủ hãng trà lại đổi ý bất hợp tác, bực quá tôi tuyên bố với mấy anh em đi cùng: Vài năm nữa tôi sẽ mua lại hãng trà này! Năm 2001 tôi đã mua đứt, biến nó thành nhà máy Trà Tiên Trung Nguyên.

Vài năm nay tôi lại nghĩ đến... rụng hết cả tóc về việc cần phải làm một cuộc cách mạng cho thương hiệu nông sản không chỉ của Việt Nam mà cho tất cả những nước nghèo đi lên từ nền văn minh lúa nước.

Bí quyết Võ Quốc Thắng

Những gương mặt doanh nhân trẻ ảnh 1

Thương hiệu “Đồng Tâm” không phải do anh đặt mà là do bố của anh, ông Võ Thành Lân, sáng lập từ năm 1969 tại Sài Gòn, lúc Thắng mới 2 tuổi.

Mẹ Thắng nay không còn nữa, nhưng cụ Lân tuy già yếu vẫn là “cố vấn” cho anh trong làm ăn với một chữ “Tâm” làm đầu. “Đồng Tâm” là ý nguyện của bố anh.

Nhờ đồng tâm làm việc mà từ một cơ sở sản xuất gạch bông nhỏ có vài nhân công với máy móc thủ công, nay Gạch Đồng Tâm (GĐT) đã trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng và trang trí nội thất với 4 nhà máy sản xuất.

Trong đó nhà máy Đồng Tâm miền Trung đặt tại Quảng Nam và sắp xây dựng thêm nhà máy Đồng Tâm miền Bắc tại Hải Dương. Với 3.000 CBCNV và trên 3 ngàn đại lý, GĐT với nhiều chủng loại gạch, ngói, sơn không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà đã vượt đại dương, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Pháp, Hà Lan, Úc, Đài Loan, Hồng Công, các nước Đông Nam Á và đặc biệt thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Từ năm 1999, GĐT đã được tổ chức chứng nhận quốc tế QMS (Australia)chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, tiêu chuẩn cao nhất trong bộ ISO 9000. Cùng năm, Võ Quốc Thắng được công nhận là doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN. 

Cty GĐT và bản thân Tổng Giám đốc Võ Quốc Thắng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3. Doanh số hiện nay của GĐT gần 1 ngàn tỷ và đóng góp cho ngân sách Nhà nước 70 tỷ đồng/năm.

Từ 50 triệu đồng vốn đến 12 tỷ lãi ròng một năm

Những gương mặt doanh nhân trẻ ảnh 2

Sinh năm 1959 tại Bình Định, đang là giáo viên Toán trường cấp II-III xã Bình Hiệp (Phù Cát, Bình Định), năm 1980 Võ Trường Thành đầu quân vào lực lượng Thanh niên xung phong của Tổng đội TNXP TPHCM.

Năm 1990 bước vào ngành gỗ tại Ea H’leo (Đăk Lăk) với số vốn vay mượn 50 triệu đồng; 15 năm sau, anh đã là Tổng giám đốc Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, sở hữu 6 nhà máy trong nước và 1 nhà máy tại Lào, quản lý  5.000 cán bộ nhân viên.

Những năm qua, 95% tổng sản lượng của 3 dòng sản phẩm chính: nội thất, ngoại thất và ván sàn mang thương hiệu Trường Thành đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia thuộc châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Doanh số năm 2005: 30 triệu USD từ đồ gỗ và 32 triệu USD từ phân phối Mobilcard, lãi ròng 12 tỷ đồng.

Năm 2005, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành trở thành 1 trong 5 doanh nghiệp Việt Nam  từ trước đến nay được nhận “Cúp vàng chất lượng Quốc tế” và “Huy chương vàng Quản lý chất lượng toàn cầu” do Câu lạc bộ Những doanh nhân hàng đầu (Trade Leader’s Club) thành lập tại Tây Ban Nha trao tặng.

Trong 5 doanh nghiệp đó, Trường Thành là doanh nghiệp tư nhân duy nhất và là doanh nghiệp duy nhất của ngành gỗ. Cá nhân ông Võ Trường Thành tháng 10/2005 được kết nạp vào Câu lạc bộ này.

Những gương mặt doanh nhân trẻ ảnh 3

Biti’s và “bước chân thần tốc”

“Thời trẻ, khi còn quá khó khăn, nhiều lúc tôi chẳng có dép mà đi…” - Trong một lần vui chuyện nhân dịp cuối năm, anh Vưu Khải Thành đã tâm sự như vậy.

Gần 25 năm lăn lộn với thương trường, chàng trai họ Vưu ngày nào giờ không những có giày dép để đi mà còn trở thành ông chủ của một tập đoàn sản xuất giày dép lớn nhất Việt Nam: Biti’s (Tổng Cty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên), mỗi năm cho ra đời khoảng 20 triệu đôi giày dép các loại.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề bốc thuốc tại Mỹ Tho (Tiền Giang), nhưng sự nghiệp của Vưu lại gắn với nghề giày dép.

Lúc đầu học nghề và làm thuê cho một cơ sở sản xuất cao su tại TPHCM. Năm 1982, anh thành lập tổ hợp sản xuất dép cao su với 20 công nhân. Cơ sở lớn dần và đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, anh đầu tư máy móc thiết bị và bắt đầu sản xuất dép xốp với quy mô lớn.

Hiện tại, Biti’s là một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn gồm 2 Cty thành viên với trên 7.500 lao động. Ngoài ra còn một xí nghiệp liên doanh với nước ngoài chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu. 

Phủ đầy, phủ dày và một giá là chiêu thức kinh doanh của Biti’s. Giày dép Biti’s bắt đầu bước ra khỏi biên giới và đến nay “dấu chân Biti’s” đã in trên 40 quốc gia thuộc các châu lục.

Tổng doanh thu hàng năm tăng mạnh và đạt khoảng 750 tỷ đồng vào năm 2005, trong đó kim ngạch xuất khẩu chiếm 25%. Hiện Biti’s có 13 chi nhánh và 4.500 đại lý trên phạm vi toàn quốc. Biti’s là một trong số rất ít doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ra nước ngoài bằng chính thương hiệu của mình, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và Nga.

Trong năm 2005, Biti’s chú trọng mở rộng thị phần tại thị trường hai nước láng giềng là Lào và Campuchia. Biti’s cũng là một trong số rất ít doanh nghiệp trong nước thành lập văn phòng đại diện tại Mỹ và Trung Quốc với mục tiêu từng bước mở rộng thị phần tại hai thị trường tiềm năng này.

Cải cách quản lý và đãi ngộ lao động là chủ trương xuyên suốt của Tổng giám đốc họ Vưu để đưa con thuyền Biti’s về nơi Khải Thành.

Kinh Đô với doanh thu 1.300 tỷ đồng

Những gương mặt doanh nhân trẻ ảnh 4

Trần Lệ Nguyên sinh năm 1968. Học hết cấp III ở TPHCM năm 1986, Nguyên tiếp quản xưởng chế biến thực phẩm của gia đình.

Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Trần Lệ Nguyên cùng anh trai Trần Kim Thành thành lập Cty TNHH XD & CBTP Kinh Đô với vốn điều lệ  là 1,420 tỷ  đồng với 70 công nhân đặt tại Phú Lâm (Q.6, TPHCM).

Đến năm 1996, Cty Kinh Đô đầu tư xây dựng nhà máy, phân xưởng mới tại Hiệp Bình Phước- Thủ Đức với diện tích 14.000 m2. Trần Lệ Nguyên chăm chăm dồn hết tâm trí vào việc sản xuất bánh kẹo mà anh nghiên cứu và nhận định đây sẽ là một thị trường tiềm năng rất lớn.

Khởi đầu là dây chuyền sản xuất Snack, Cty đã lần lượt nhập dây chuyền sản xuất các sản phẩm như: Bánh cookies, bánh mì, bánh bông lan công nghiệp, kẹo chocolate, bánh crackers, bánh Trung thu, dây chuyền kẹo trái cây...

Kinh Đô đầu tư một Nhà máy ở miền Bắc tiếp tục liên kết cùng Cty SAVICO (thuộc TCty Bến Thành) đầu tư xây dựng và khai thác Trung tâm Thương mại Savico - Kinh Đô ngay giữa trung tâm thành phố với những cửa hàng mua sắm sang trọng, cao cấp.

Cùng lúc này hệ thống gồm 25 Kinh Đô Bakery lần lượt ra đời được thiết kế  chuẩn tại TPHCM và Hà Nội. Mục tiêu trong 3 năm tới là phát triển hệ thống gồm 100 Kinh Đô Bakery trên toàn quốc.

Kinh Đô cũng làm một bước đột phá ngoạn mục khi mua lại Cty kem Wall’s từ tập đoàn Unilever và đổi tên thương hiệu kem mới: Kido’s với nhãn hiệu Merino và Kido’s Premium với mức tăng trưởng hàng năm trên 20%.

Hiện nay hệ thống Kinh Đô có 7 Cty thành viên chuyên ngành sản xuất bánh kẹo, kem, nước giải khát, xây dựng địa ốc với tổng vốn trên 700 tỷ đồng với 4.400 cán bộ công nhân viên.

Năm 2004  tổng doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, Cty CP Kinh Đô tiếp tục đầu tư không dừng lại ở ngành bánh kẹo, nước giải khát trong nước mà mở rộng thị trường sang các nước Asean và Mỹ, Nhật...

Chiến lược của Cty không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm mà phấn đấu trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, mở rộng họat động sang các lĩnh vực như bất động sản, đầu tư tài chính và chứng khoán.                                                                          

MỚI - NÓNG