Những điểm mới an ninh ở V-League 2008

Những điểm mới an ninh ở V-League 2008
TP- Ông Hoàng Chuyên Cần, chuyên viên an ninh của VFF cho biết, thay đổi đáng kể nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn cho mùa giải 2008 là sự xuất hiện của lực lượng điều phối viên

Bản tổng kết V-League mùa giải 2007 đã không được coi là thành công tốt đẹp vì những sự cố liên quan đến công tác an ninh và đó chính là lý do khiến VFF tập trung củng cố khâu này ở mùa bóng năm 2008.

Hôm nay (5/1), giải hạng Nhất 2008 sẽ chính thức khởi tranh và ngày mai (6/1), V-League sẽ bước vào loạt trận đầu tiên.

Ông Hoàng Chuyên Cần cho biết, thay đổi đáng kể nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn cho mùa giải 2008 là sự xuất hiện của lực lượng điều phối viên.

Theo diễn giải của VFF, đây là những người “nắm giữ vai trò rất quan trọng trong bóng đá chuyên nghiệp, với chức năng tham mưu cho lãnh đạo CLB (đội bóng) và là người trực tiếp điều hành về công tác tổ chức trận đấu, là người đại diện cho CLB (đội bóng ) phối hợp với các thành viên của giải: đội bóng, giám sát trận đấu, giám sát trọng tài, tổ trọng tài, các bộ phận chức năng của địa phương, kết nối tất cả các khâu trong quá trình tổ chức trận đấu, góp phần đảm bảo trận đấu tiến hành đúng thời gian, đúng các quy định của luật, điều lệ, quy chế…”.

Cuối tháng 12 vừa qua, 28 điều phối viên đến từ 28 CLB tham dự V-League 2008 và giải hạng Nhất đã có mặt trong đợt tập huấn thường niên trước mùa giải cùng gần 200 giám sát, trọng tài của VFF và VFF đang rất kỳ vọng vào lực lượng này như là cánh tay nối dài thực sự của BTC.

Cũng theo ông Cần, Tiểu ban an ninh trực thuộc BTC giải đã tư vấn BTC các sân nên sử dụng thêm lực lượng bảo vệ từ các Cty dịch vụ bảo vệ tư nhân để hỗ trợ cơ quan cảnh sát trong việc bảo vệ an toàn cho trận đấu.

Liên quan đến vấn đề cấm khán giả mang mũ bảo hiểm vào sân khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua, ông Cần giải thích: “Tôi nghĩ quyết định cấm mang mũ bảo hiểm vào sân là hợp lý, vì trong trường hợp cần thiết, chiếc mũ bảo hiểm có thể được sử dụng như vũ khí tấn công hết sức nguy hiểm.

Cá nhân tôi từng thấy khán giả đã ném cả điện thoại di động lẫn giày dép xuống sân, nên việc ném mũ bảo hiểm là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.

Chỉ vì mục tiêu giữ khán giả vào sân mà để họ mang mũ bảo hiểm vào thì cực kỳ nguy hiểm nhưng BTC các sân phải có nhiệm vụ bảo quản hoặc hướng dẫn cách bảo quản mũ bảo hiểm cho khán giả vào sân.

Theo tôi, nếu khán giả đã thực sự đam mê với bóng đá thì việc tìm chỗ cất mũ bảo hiểm để vào sân thì đâu phải là khó khăn không thể vượt qua. Hơn nữa, vòng 1 Cúp quốc gia 2008 cũng diễn ra rất ổn thoả với quyết định không cho mang mũ bảo hiểm vào sân kia mà”.

“Chặt chẽ” đến thế đối với chiếc mũ bảo hiểm, nhưng ông Cần lại phải thừa nhận rằng BTC vẫn chưa có cách đối phó với vấn nạn đốt pháo sáng trên khán đài, “và thật may là cũng chỉ ở sân Lạch Tray mới có hiện tượng này”.

Ông Cần cho biết, ở SVĐ Mỹ Đình từng sử dụng cả cổng từ để kiểm tra đồ vật khán giả mang theo người, nhưng vẫn để lọt pháo sáng và thực tế là đã không ít lần khán đài B sân Mỹ Đình chứng kiến sự xuất hiện của pháo sáng như cảnh thường thấy trên các sân cỏ Italia.

Thế nên, theo ông Cần, giải pháp duy nhất của BTC chỉ là khuyến cáo khán giả không nên mang pháo sáng vào sân, song song với đó là tăng cường lực lượng bảo vệ trên khán đài và bố trí thật nhiều thùng cát, để dập pháo sáng ngay sau khi tịch thu được nhằm tránh nguy hiểm cho những người xung quanh.

Đánh giá toàn diện về kế hoạch an ninh cho mùa giải 2008, ông Cần nhận xét rằng VFF đã xây dựng một hệ thống quy phạm luật lệ rất chặt chẽ, nên cứ chiếu theo luật mà xét xử, và trong trường hợp sự cố xảy ra vượt ra ngoài khuôn khổ của luật thì sẽ áp dụng chế tài riêng trong từng trường hợp cụ thể. 

MỚI - NÓNG
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
TPO - Công ty CP VNG, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Nhà Thủ Đức, Thép Pomina, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… đua nhau báo lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm.