Ông Putin cam kết không sửa đổi Hiến pháp
Ngày 21/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông sẽ không sửa đổi hiến pháp để cho phép bản thân phục vụ vô hạn định.
Trong cuộc chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ với các em học sinh tại thành phố Sochi (khu nghỉ mát nổi tiếng bên bờ Biển Đen của Nga), Tổng thống Putin tuyên bố ông có thể tái tranh cử chức vụ Tổng thống Nga vào năm 2018, tuy nhiên ông đã cam kết không sửa đổi Hiến pháp Nga để cho phép ông giữ cương vị tổng thống vô thời hạn.
"Tôi đã có cơ hội, thậm chí tôi được đề nghị để thay đổi hiến pháp. Nhưng tôi không làm điều đó, và tôi cũng không có ý định làm điều đó trong tương lai", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Bản Hiến pháp sửa đổi mới nhất năm 2014 của Liên bang Nga quy định rõ, một người được giữ chức vị Tổng thống không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Mỗi nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 6 năm.
Tuy nhiên, sau khi đã đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tiếp, cách một nhiệm kỳ sau, người đó có thể tiếp tục tham gia tranh cử.
Ông Putin từng đảm nhận Tổng thống Nga trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2000 đến 2008, sau đó làm Thủ tướng một nhiệm kỳ 2008-2012. Hiện tại, ông đang gần hoàn thành nhiệm kỳ thứ 3, bắt đầu từ năm 2012.
Như vậy, Hiến pháp Liên bang Nga không giới hạn tổng số nhiệm kỳ trong đời của một Tổng thống. Điều quan trọng là chỉ cần người đó giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Nga đáp trả ngoại giao đối với Mỹ
Quan hệ Nga-Mỹ trong năm 2017 được cho là xấu nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hai bên liên tục trục xuất cán bộ ngoại giao của nhau và đưa ra những phát ngôn chỉ trích mạnh mẽ. Đỉnh điểm của sự tranh cãi là việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan tới các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016.
Ngày 28/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp thuận các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Nga đề xuất, theo đó đáp trả tương xứng những hành động gây hấn mà Washington áp đặt lên Moscow.
Cụ thể, Nga đã yêu cầu Mỹ cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại Nga xuống còn 455 người. Thời hạn Moscow đưa ra cho Washington thực hiện yêu cầu là ngày 1/9.
Ngoài ra, phía Nga cũng sẽ tịch thu 1 khu nhà nghỉ dưỡng tại khu vực Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya mà Mỹ đang sử dụng ở Moscow.
Theo Moscow, các biện pháp trừng phạt “một lần nữa xác nhận tính chất hiếu chiến của Mỹ trong công việc quốc tế, và rõ ràng Mỹ đã phớt lờ quan điểm và lợi ích của các quốc gia khác.”
Các chuyên gia phân tích cho rằng, quyết định của Tổng thống Putin là động thái cho thấy, chính quyền Moscow sẵn sàng đáp trả thích đáng những gì mà Washington đi ngược lại lợi ích của Nga trong quan hệ song phương Nga-Mỹ.
Ông Putin sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ vi phạm Hiệp ước hạt nhân
Tại diễn đàn Valdai được tổ chức ngày 19/10/2017 tại thành phố Sochi (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ đáp trả ngay lập tức và tương xứng nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung 1987.
Trước đó, quan chức Mỹ cáo buộc Nga phát triển tên lửa và vi phạm hiệp ước kí kết năm 1987 giữa hai quốc gia. Nga lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Hiệp ước 1987 được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kí kết nhằm đảm bảo hai nước cùng giảm thiểu số lượng tên lửa đạn đạo và hành trình tầm trung.
Tổng thống Putin khẳng định, tên lửa của Nga hiện nay đã đuổi kịp Mỹ và sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ rút lui khỏi hiệp ước quan trọng này. Ông Putin từng khẳng định Moscow sẵn sàng phát triển tên lửa hạt nhân và phi hạt nhân nếu các quốc gia khác có động thái tương tự.
Ông Putin lên tiếng phản đối các vụ thử hạt nhân ở Triều Tiên nhưng nhấn mạnh xung đột chính trị nên được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. “Chúng ta không nên đẩy Triều Tiên vào chân tường và đe dọa sử dụng vũ lực”, Putin nói.
Lãnh đạo Nga cũng nói rằng Mỹ luôn chậm trễ trong việc giải trừ quân bị kho vũ khí hóa học trong khi Nga đã hoàn tất tiến trình này. Ông Putin chỉ trích Mỹ và đồng minh “bỏ lỡ cơ hội xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.
Đây được cho là hành động cứng rắn của ông Putin trước các động thái đe dọa tới lợi ích cốt lõi của Nga trong vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổ chức các hoạt động ngoại giao con thoi về Syria
Ngay sau khi tuyên bố giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ và đang lên kế hoạch giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Syria, Nga đã triển khai một loạt ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm các giải pháp cho việc tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến.
Sự kiện đầu tiên gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới về vai trò của Nga tại Syria là việc Tổng thống Putin tiếp đón và hội đàm với Tổng thống Syria tại thành phố Sochi hôm 20/11. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Syria, ông Putin nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hiện nay là chuyển sang các vấn đề chính trị.
Sau đó, ông Putin đã liên tiếp tổ chức nhiều cuộc điện đàm đàm với các lãnh đạo của các quốc gia có ảnh hưởng to lớn tới tương lại chính trị của Syria.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump hôm 21/11, Tổng thống Putin nhấn mạnh giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria phải được tiến hành dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền độc lập của quốc gia này.
Trong cuộc điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud ngày 21/11, ông Putin cho rằng các Hội nghị thượng đỉnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong ngày 22/11 tại Sochi (Nga), và cuộc họp của phe đối lập Syria ở Riyadh (Saudi Arabia) sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán tương lai về vấn đề Syria tại Geneva (Thụy Sĩ).
Ngày 22/11, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên tại Sochi. Kết thúc Hội nghị, các bên đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh, tiếp tục các nỗ lực tích cực nhất để đảm bảo sự ổn định cho Syria, tôn trọng chủ quyền, tính thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, mà nhiệm vụ chính trước mắt là tận diệt khủng bố.
Đặc biệt, tuyên bố chung đã bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria dự kiến vào tháng 1/2018 theo sáng kiến của Nga.
Các hoạt động ngoại giao con thoi của Nga về vấn đề Syria diễn ra trong bối cảnh Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria là chỉ dấu cho thấy, trọng tâm của Nga tại Syria thời gian tới là tập trung vào các giải pháp chính trị và quá trình tái thiết thời hậu chiến.
Các nhà phân tích cho rắng, một loạt hoạt động "ngoại giao con thoi" của Nga với nội dung chủ yếu là bàn về giải pháp về tình hình Syria thời kỳ hậu chiến có ý nghĩa quan trọng nhằm định hình giải pháp của Nga và các nước đối với vấn đề Syria thời gian tới.
Tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống năm 2018
Ngày 6/12/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2018 khi tham dự các hoạt động kỷ niệm 85 năm thành lập Nhà máy sản xuất ô tô Gorkovsky Avtomobilny Zavod ở thành phố Nizhny Novgorod (Liên bang Nga).
Trong tuyên bố của mình, ông Putin nhấn mạnh, tôi sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ 6 năm mới và sẽ đảm nhận chức vụ tới năm 2024 trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2018.
Ngay sau đó, vào ngày 19/12, Tổng thống Putin đã công bố các nội dung được cho là cương lĩnh tranh cử đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn hành động Mặt trận nhân dân toàn Nga "Nước Nga hướng tới tương lai" được tổ chức tại Thủ đô Moscow ngày 19/12, nước Nga phải duy trì sự toàn vẹn và tự do quốc gia, duy trì ổn định và hài hòa xã hội.
"Chúng ta phải quý trọng tất cả những thành tựu đã giành được, kể cả những thành tựu nhỏ nhất, ngăn chặn sự thụt lùi của những thành tựu và sự tiến bộ của chúng ta. Chúng ta phải sử dụng lực lượng vào trong sự phát triển và tạo phúc cho Tổ quốc.
Nước Nga có tất cả năng lực để khôi phục vai trò chủ đạo thế giới. Ngoài ra, chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm. Trước tiên, đó là việc tạo phúc cho nhân dân, khắc phục nghèo đói và bất bình đẳng"
Tổng thống Putin nhấn mạnh, đây vừa là nhiệm vụ của ông với tư cách đương kim Tổng thống Nga, đồng thời cũng là cương lĩnh tranh cử của ông.
Tiếp đó, trong ngày 23/12, khi phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ 17 đảng Nước Nga Thống nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về nhiệm vụ chủ yếu mà nước Nga phải đối mặt trong tương lai, trong đó bao gồm: bảo đảm sự phát triển, xóa bỏ dân số nghèo khó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng tới tương lai. Đây được cho là cương lĩnh tranh cử thứ hai của ông Putin.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Tổng thống Putin tuyên bố tranh cử và công bố Cương lĩnh tranh cử là nhằm thu hút sự ủng hộ của mọi giai tầng trong xã hội Nga, qua đó thực hiện mục tiêu của mình.
Tuyên bố rút quân khỏi Syria
Ngày 11/12, phát biểu trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Syria kể từ khi Nga chính thức tham gia cuộc chiến vào ngày 30/9/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút một phần "lực lượng quan trọng" ra khỏi Syria.
Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ duy trì hoạt động của hai căn cứ của Nga, tại Tartus và Hmeimim, cũng như trung tâm hỗ trợ tái thiết Syria.
Tuyên bố của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh, quân đội Mỹ cho biết chưa có kế hoạch rút quân khỏi Syria.
Đặc biệt, ngay sau đó, Mỹ đã hỗ trợ thành lập lực lượng mới mang tên Quân đội Syria Mới. Đây là lực lượng được thành lập từ các nhóm tay súng riêng biệt, được Mỹ hỗ trợ để chống lại quân chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mục đích của Mỹ gia tăng con bài mặc cả với các lực lượng của Nga và quân chính phủ Syria, qua đó, kéo dài "canh bạc" củ Mỹ tại chiến trường Syria thời kỳ hậu chiến.
Theo các chuyên gia quân sự, gây sức ép để buộc Mỹ rút quân khỏi Syria và tạo lợi thế cho các cuộc đàm phán về hòa bình và tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến là những nguyên nhân chính khiến Tổng thống Nga Putin tuyên bố rút quân khỏi Syria.