Những cuộc gọi không lời

Nhóm dự án Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến.
Nhóm dự án Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến.
TP - Tiếng chuông phát ra từ thiết bị điện thoại trên bàn. Phiên dịch viên Vũ Hoàng Lan ấn nút nhận cuộc gọi. Màn hình hiện lên một cô gái mang bầu đứng trong một cửa hàng. Cô không nói, chỉ đưa tay ký hiệu. Chị Lan chăm chú theo dõi, ghi chép. Rồi cô gái chuyển điện thoại cho nhân viên bán hàng.

Chị Lan bắt đầu nói: “Chào chị! Tôi xin phép được phiên dịch lời của bạn ấy! Bạn ấy muốn mua một số món đồ để chuẩn bị sinh em bé như sau...”. Ðó là một trong số hàng chục, hàng trăm cuộc điện thoại mà các phiên dịch viên như chị Lan vẫn nhận mỗi ngày.

Tổng đài phiên dịch đầu tiên cho người điếc

Tổng hành dinh của Công ty Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu Deaf chỉ gói gọn trong một căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2. Ba bốn cái bàn kê sát nhau, hai phiên dịch viên và hai thiết bị điện thoại đặc biệt. Chỉ thế thôi mà trong nửa năm qua, Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu qua video của công ty đã giúp đỡ hàng trăm người điếc có thể kết nối, giao tiếp hàng ngày.

Chị Thanh Lê, một khách hàng quen chia sẻ: “Tôi bị câm điếc bẩm sinh. Cách đây vài tháng, tôi biết mình có một khối u rất nguy hiểm ở bụng. Tôi rất sợ. Càng sợ hơn khi tôi phải điều trị lâu dài nhưng bác sĩ nói tôi không nghe, không hiểu được. Và chính nhờ sự hỗ trợ từ xa của các bạn phiên dịch viên từ tổng đài trong suốt quá trình chữa bệnh mà nay tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn”.

“Trước đây, khi chưa có trung tâm phiên dịch từ xa thì trong các cuộc họp của công ty, tôi không hiểu giám đốc và đồng nghiệp nói gì. Nay, cứ đến giờ họp, tôi lại kết nối với tổng đài và các bạn phiên dịch lại bằng ngôn ngữ ký hiệu cho tôi. Rất tiện lợi!”- Anh Phạm Văn Vượng hiện đang làm bảo vệ trong một công ty cho biết.

Ra đời từ đầu năm 2018 nhưng ý tưởng về tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến đã được anh Đỗ Hoàng Thái Anh (sinh năm 1985), Phó Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội, ấp ủ từ lâu. Năm 2013, anh được tham gia “Hội trại thanh niên điếc thế giới” tổ chức tại Hàn Quốc, chàng trai 8x ngạc nhiên khi chứng kiến những người khiếm thính ở đây được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, có cơ hội phát triển như bao người bình thường khác. “Người điếc và khiếm thính ở Hàn Quốc được hỗ trợ tiếp cận giáo dục, tiếp cận công trình công cộng, tiếp cận đội ngũ thông dịch viên. Người điếc ngồi trên giảng đường đại học, được đào tạo trở thành kỹ sư, bác sĩ… không phải chuyện quá hiếm ở Hàn Quốc. Trong khi ở Việt Nam, hầu hết người điếc chỉ học hết cấp hai, làm những công việc thủ công với mức thu nhập không cao. Bản thân tôi cũng là người điếc bẩm sinh, từng gặp nhiều rào cản nặng nề cũng như sự thiếu sẻ chia từ cộng đồng trong quá trình học tập và trưởng thành nên tôi càng thấu hiểu. Khi thấy dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến của Hàn Quốc, tôi đã ao ước mang được dịch vụ này về Việt Nam”- Thái Anh nhớ lại.

Năm 2017, một công ty Hàn Quốc đề nghị hợp tác và hỗ trợ về công nghệ cho Thái Anh. Cũng trong năm đó, tại cuộc thi khởi nghiệp Ý tưởng sáng tạo do Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức, câu chuyện, ý tưởng và ước mơ của Thái Anh đã gây ấn tượng cũng như truyền cảm hứng đến ban giám khảo, giúp anh giành chiến thắng với phần thưởng 15.000 USD. Khoản tiền này cùng với sự hỗ trợ bên phía Hàn Quốc đủ cho Thái Anh vận hành tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ước mơ của mình.

Những cuộc gọi không lời ảnh 1

Ý tưởng của Thái Anh giành giải thưởng 15.000 USD trong cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh: Thu Hiền.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có gắn camera kết nối internet, người điếc sẽ giao tiếp dễ dàng hơn nhờ một phiên dịch viên trực tuyến. Qua video, phiên dịch viên sẽ dịch ngôn ngữ ký hiệu của người điếc ra tiếng nói để chuyển tải đến người thứ ba và ngược lại. Ứng dụng này cũng hỗ trợ người điếc và khiếm thính trò chuyện với bạn bè, người thân, đối tác qua điện thoại. Mức phí khi sử dụng dịch vụ này khoảng 200 nghìn/tháng, người điếc sẽ được sử dụng dịch vụ 24/24.

Phiên dịch “n trong 1”

Công việc của các phiên dịch viên tại tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến khá đặc biệt. Không chỉ nghe hộ, nói hộ người điếc mà họ còn kiêm cả nhân viên tư vấn, chuyên gia tâm lý, bác sỹ, thậm chí là tổ hoà giải. Từ chuyện nhỏ như hẹn nhau đi ăn, xin phép cha mẹ đi chơi với bạn, mua đồ ăn, đặt khách sạn, chăm sóc sức khoẻ sau sinh, đến việc đi khám bệnh, giải quyết tranh chấp ngoài xã hội, cãi vã ở công ty hay những mâu thuẫn với gia đình… cứ lúc nào người điếc cần thì phiên dịch viên đều hỗ trợ. Dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu từ xa mà có những sự việc nóng, nhân viên phiên dịch cũng tới tận nơi để hỗ trợ người điếc.

“Thiết thực là thế nhưng để người điếc biết đến dịch vụ và tin dùng nó lại là cả vấn đề. 200 ngàn không phải là khoản tiền lớn nhưng với người điếc, những người hầu như không có thu nhập thì đó là khoản tiền không hề nhỏ.”- Phiên dịch viên Hoàng Lan chia sẻ khó khăn mà dự án đang đối mặt. Theo chị, dịch vụ không chỉ phiên dịch cho người điếc với người điếc mà còn cho người điếc với người nghe nên rất khó để nhóm tiếp cận với gia đình, bạn bè, cơ quan làm việc của người điếc, để họ thấy được đây là dịch vụ cần thiết trong giao tiếp với người điếc.

Những cuộc gọi không lời ảnh 2

Phiên dịch viên Hoàng Lan đang giúp đỡ khách hàng giao tiếp.

“Người khiếm thính rất cô độc, kể cả trong nhà mình. Có nhiều bạn gọi đến tâm sự họ rất buồn khi trong những bữa cơm, cả nhà trò chuyện vui vẻ, còn họ chỉ biết lặng nhìn như người ngoài cuộc. Không được chia sẻ và tương tác, lâu dần khiến họ trở nên tự ti, rụt rè, sống khép kín, không dám đòi hỏi. Còn người thân của họ thì nghĩ rằng họ không có nhu cầu giao tiếp nhiều, khi mà chỉ loanh quanh ở nhà”, phiên dịch viên Đỗ Thu Hiền cho biết thêm.

Hai phiên dịch viên thay nhau trực tổng đài, hôm nào cũng phải làm xuyên trưa, một lúc sắm vài ba vai nhưng cả Hoàng Lan và Thu Hiền đều yêu công việc của mình. Bởi họ cũng là những người trong cuộc. Có chồng là người điếc, Thu Hiền tâm sự “càng làm, càng tiếp xúc với nhiều người điếc, tôi thấy họ cũng rất tình cảm và vui vẻ”. Còn Hoàng Lan cũng lớn lên với người chị gái bị câm điếc bẩm sinh, nên Lan hiểu hơn ai hết tâm tư, tình cảm của những người điếc, người khiếm thính.

Giám đốc Thái Anh chia sẻ, sau nửa năm hoạt động, Tổng đài đã nhận được gần 500 cuộc gọi, trong đó lượng khách quen tương tác hàng ngày khoảng hơn 20 người. Trong tương lai, anh mong muốn nhân rộng dịch vụ tới các địa phương. Bản thân Thái Anh hiện đang làm điều phối viên của Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu. Từ đây, anh sẽ xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động phiên dịch trực tuyến.

“Người điếc không giao tiếp được với xã hội nên bị hiểu nhầm là họ không tư duy được như người bình thường. Ðây là điều đáng tiếc. Với dự án này, tôi tin giấc mơ vào giảng đường đại học hay trở thành giáo sư, nhà sáng chế... sẽ không còn xa vời với những người điếc và khiếm thính ở Việt Nam”.

 Ðỗ Hoàng Thái Anh, Phó Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội 

Hotline của Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến: 024 77700088

MỚI - NÓNG