Nghị lực phi thường của cô gái câm điếc bẩm sinh

Khả Ái (ngồi giữa) đang được thầy giáo tận tình chỉ bài.
Khả Ái (ngồi giữa) đang được thầy giáo tận tình chỉ bài.
TP - Được phát hiện mắc bệnh câm điếc bẩm sinh khi mới hơn 2 tuổi, nhưng với sự kiên trì và nỗ lực của bố mẹ, Trần Lê Khả Ái, đang chuẩn bị những bài học cuối cùng của năm học lớp 12 để dự thi tốt nghiệp THPT như những bạn học bình thường cùng trang lứa khác.

Hy sinh tất cả vì con

Ngồi kể về con gái, anh Trần Khương (SN 1972, ngụ quận 12, TPHCM) luôn tỏ ra tự hào khi nói Khả Ái là số 1, Khả Ái rất giỏi… Anh kể: “Từ khi vợ mang thai, tôi đã vạch sẵn con đường cho con hướng đến và nghĩ tới viễn cảnh con sẽ múa ballet trên sân khấu đầy ánh sáng rực rỡ”. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi người vợ sinh cô con gái kháu khỉnh. Thế nhưng, khi hơn 2 tuổi Ái vẫn không biết nói, gọi cũng không nghe nên gia đình đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận Khả Ái bị câm điếc bẩm sinh.

Không khí cả gia đình u ám, nhiều người khuyên anh nên cho con đi học trường chuyên biệt nhưng anh nhất quyết không chịu. Đang lúc bế tắc thì anh Khương đọc được một thông tin nói về chương trình can thiệp sớm, hỗ trợ thiết bị trợ thính của Ba Lan dành cho Việt Nam. Anh lập tức vay mượn tiền khắp nơi để mua chiếc máy trợ thính cho con với giá 5 cây vàng rồi hằng ngày đèo con bằng xe đạp đi 25 km từ nhà đến Trung tâm Khuyết tật TPHCM để học.

“Bé Ái chăm học lắm, mấy bữa này lo ôn thi nên đêm nào bé cũng dậy sớm để học bài. Mỗi khi ngủ, tay con luôn nắm chặt điện thoại để đến khi báo thức, điện thoại rung thì con bật dậy học bài”.

Anh Khương rưng rưng kể

Suốt hơn 2 năm anh và vợ thay nhau chở Ái đi tìm ngôn ngữ cho con. “Dù thời buổi kinh tế khó khăn, nhưng tôi vẫn sắp xếp cho vợ nghỉ làm công nhân để dành thời gian dạy dỗ và hiểu con. Kinh tế gia đình do một mình tôi gánh vác. Thú thật, dù có vất vả, mệt thật đấy, nhưng khi nghe con bập bẹ nói những từ đầu tiên dù nghe chẳng nhận ra từ gì, tôi cũng thấy rất vui”, anh Khương nhớ lại.


Lúc bé Ái được 5 tuổi, anh Khương gửi con vào trường Mầm non Bông Hồng, quận 12. Thời gian đầu, Khả Ái gặp rất nhiều khó khăn từ việc xa mẹ, sinh hoạt cá nhân, ăn uống theo nề nếp nhà trường. Vì vậy, sau giờ học, vợ chồng anh Khương thay nhau trò chuyện với con, dạy con những bài vè, bài đồng dao và chỉnh sửa các phát âm cho con. “Khi bé Ái vui thì không nói, nhưng khi buồn thì bé lại không chịu hợp tác, thậm chí còn vứt bỏ tai nghe. Không chán nản hay bực tức, vợ chồng tôi tìm cách để phát triển khả năng phát âm của con, từ cách kể những câu chuyện cổ tích, cho đến những trò chơi đoán tên đồ vật... Để con có thể nói được rõ ràng, vợ chồng tôi dành hàng tiếng ngồi nói chuyện cùng con”, anh Khương tâm sự.

Năm 2004, Khả Ái vào lớp 1 cũng là lúc vợ chồng anh lo lắng nhất vì thay đổi môi trường học thì bé sẽ phải làm quen từ đầu. Cuối năm lớp 1, cô giáo nhận xét bé học tốt nhưng vẫn còn rụt rè và ít hòa đồng với bạn bè. Để cải thiện học lực của con, anh xin nhà trường cho anh đứng ngoài cửa lớp lắng nghe cô giáo dạy rồi sau đó về dạy lại cho con. 

Về đến nhà, mẹ vẫn kèm cặp và chăm sóc cho Khả Ái, là cô giáo thứ 2 chỉ dẫn lại các bài học cho con. Từ bài chính tả, đến bài tập làm văn, mẹ đều hướng dẫn cho Ái học. Theo anh Khương, có những câu chuyện cổ tích, cả nhà phải cùng đóng vai thành những nhân vật từ đó giúp Ái hiểu rõ câu chuyện và phát triển khả năng giao tiếp của mình. “Ở góc học tập, tôi cắt dán những bài báo viết về những tấm gương nghị lực phi thường, vượt lên trong cuộc sống, học giỏi để mỗi khi mệt mỏi, con nhìn lên đó mà cố gắng”, anh Khương nói.

Việc học của Khả Ái và sự nỗ lực của vợ chồng anh Khương cứ thế tiếp diễn cho đến kỳ thi lớp 9 lên lớp 10, bé Ái thiếu 1 điểm để vào được trường công lập, bởi lúc ấy, bé không hề được hưởng một ưu tiên gì so với các bạn học bình thường. Không chấp nhận cho con nghỉ học, anh Khương chạy khắp nơi tìm trường và may mắn, anh được trường THPT Dân lập Lý Thái Tổ, quận Gò Vấp đồng ý nhận Khả Ái nhập học và giảm 50% học phí. Anh Khương cho biết, vừa qua Khả Ái đã được chính quyền địa phương chứng nhận cháu bị khuyết tật nặng và được đặc cách thi tốt nghiệp. Điều này đồng nghĩa với ước mơ bước vào giảng đường đại học của Khả Ái đang rất gần.

 Nghe bố kể, Khả Ái bập bẹ nói: “Con muốn tự mình thi đại học chứ không muốn người ta cho con đi học mà không cần phải thi”. Nhìn con gái nói, anh Khương không cầm được nước mắt. Còn chúng tôi thì không tin vào mắt, vào tai mình khi một người câm điếc bẩm sinh lại hiểu và nói được dù khi nói gặp rất nhiều khó khăn. 

Thầy Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lý Thái Tổ cho biết, Khả Ái là học sinh tiêu biểu cho sự kiên cường, ý chí vượt khó, là tấm gương sáng cho các em học sinh khác noi theo. Theo thầy Sơn, suốt 2 năm học qua, em luôn đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến. Ông cũng hy vọng Khả Ái hoàn toàn có thể đậu đại học bằng cách thi tuyển như các bạn bè khác.

MỚI - NÓNG