Những 'cú chém' ngọt ngào trong mối quan hệ Mỹ-Israel

Ông Netanyahu (trái) và ông Obama (ảnh: politico)
Ông Netanyahu (trái) và ông Obama (ảnh: politico)
TPO - Quan hệ của Mỹ với đồng minh lâu đời và gần gũi nhất tại Trung Đông, Israel ngày càng rạn nứt. Mới đây cánh tay thân cận của Mỹ lại bị thêm "cú chém" khi bất ngờ bị Lầu Năm góc "âm thầm" giải mật và công bố về chương trình hạt nhân.

Bóc mẽ bí mật đồng minh

Báo cáo dày 386 trang, có tiêu đề "Đánh giá về những công nghệ quan trọng ở Israel và các nước NATO," mô tả chi tiết cách thức Israel thúc đẩy các công nghệ quân sự và phát triển việc nghiên cứu cũng như cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này trong giai đoạn những năm 1970 và 1980.

"Israel đã phát triển các loại mã cho phép nước này có thể chế tạo bom hydro (hay còn gọi là bom nhiệt hạch)," đồng thời nói rằng vào những năm 1980 Israel đã đạt đến khả năng có thể chế tạo bom có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần so với bom nguyên tử.

Báo cáo cũng tiết lộ Israel đã có thời điểm "tích hợp toàn bộ nỗ lực phát triển các hệ thống trên khắp cả nước" với năng lực tác chiến điện tử trong một hệ thống tích hợp chung dành cho cả hải, lục, không quân.

Việc Mỹ công bố những tài liệu giải mật về chương trình hạt nhân của Israel trong khi vẫn giữ "im lặng" về các chương trình tương tự của Italy, Pháp, Tây Đức và một số nước NATO khác có thể là một dấu hiệu cho thấy chiều hướng ngày càng xấu hơn trong quan hệ giữa hai nước này.

Cáo buộc 'nghe lén' thông tin

Các quan chức Mỹ cho rằng Israel lâu nay đứng đầu danh sách những nước do thám nhiều nhất đối với Mỹ.

Hồi cuối tháng 2, Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Israel đã làm ảnh hưởng cuộc đàm phán hạt nhân của họ với Iran thông qua việc rò rỉ có ý đồ các thông tin sai lệch.

Tạp chí Phố Wall hôm 24/3 cũng đưa tin, Israel đang do thám các cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama càng thất vọng hơn về hành động lén lút này khi đồng minh Israel dùng thông tin thu thập được để vạch ra chiến lược vận động hành lang Quốc hội Mỹ hòng phá hoạt thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tạp chí Phố Wall dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, các hoạt động do thám đàm phán hạt nhân Iran chỉ là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiến hành nhằm tác động gián tiếp vào tiến trình đàm phán và ngăn cản một thỏa thuận tổng thể cuối cùng.

Theo các quan chức này, ngoài việc nghe lén, Israel còn lấy thông tin từ những báo cáo mật của Mỹ hay những người cung cấp tin và các mối quan hệ ngoại giao ở châu Âu.

Quan hệ vĩnh cửu không tồn tại?

Việc Washington và Tel Aviv do thám lẫn nhau không phải là vấn đề mới mẻ. Thực chất, chính phủ Mỹ phát hiện ra hoạt động do thám của đồng minh cũng chính là nhờ các thông tin trao đổi bí mật giữa những quan chức Israel do cơ quan tình báo Mỹ thu thập được.

Nhưng điều khiến chính quyền Tổng thống Obama thất vọng hơn cả là Israel, vì muốn giảm bớt sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân lâu dài với Iran, lại chia sẻ thông tin này với các nghị sỹ Mỹ, trong khi Nhà Trắng lâu nay đã “mắt nhắm mắt mở” đối với sự can dự lén lút của Israel vào giới Nghị sỹ Mỹ.

Dưới lớp vỏ bọc của những lời có cánh mà 2 bên dành cho nhau như “mối quan hệ Mỹ và Israel là không thể phá vỡ”, thực chất chính quyền Tổng thống Obama đã không tiếc lời chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng Netanyahu.

Đáp lại Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như cũng tỏ thái độ coi thường nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama.

Trong một động thái khác, hồi cuối năm ngoái Bộ trưởng Quốc Phòng Isarel đã có một kỷ niệm 'bẽ mặt' trong chuyến công du khi bị hầu hết quan chức Mỹ từ chối gặp mặt.

Có lẽ mối 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt' này xuất phát từ việc ông này chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đồng thời lên án chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như hạ thấp tầm quan trọng của Washington trong hoạt động viện trợ quân sự cho Tel Aviv.

Như vậy, với loạt rạn nứt trên, tuyên bố hùng hồn "Quan hệ Mỹ-Israel là vĩnh cửu" của Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm lịch sử tới Israel năm 2013 khiến giới quan sát không khỏi nghi ngờ.

MỚI - NÓNG