Những cột mốc chủ quyền thầm lặng giữa đại dương

Ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: L.H.V.
Ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: L.H.V.
TP - Không chỉ góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, những người gác hải đăng tại Trường Sa còn giúp chỉ đường, dẫn lối cho tàu thuyền quốc tế qua lại khu vực. Hiện cả huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) có 9 ngọn hải đăng.

Khi màn đêm buông xuống, ghe tàu của ngư dân chỉ cần thấy những ánh đèn chớp sáng của hải đăng Trường Sa là có thể yên tâm đánh bắt trên vùng biển của ta.

“Mắt thần” trông coi chủ quyền

Hiện cả huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) có 9 ngọn hải đăng, được xây dựng tại các đảo: Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Trường Sa Lớn. Tất cả 9 ngọn hải đăng này đều do Cty Bảo đảm Hàng hải Biển Đông và Hải đảo (Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam, Bộ GTVT) quản lý.

Mỗi ngọn hải đăng không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ dẫn đường, chỉ lối cho tàu thuyền hoạt động qua lại khu vực Biển Đông, đây còn như những cột mộc chủ quyền sừng sững giữa đại dương. Những ngọn hải đăng được ví như “mắt thần” trông coi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.

Việc xây dựng những hải đăng này theo luật pháp quốc tế là trách nhiệm của quốc gia có biển, được Cơ quan quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế. Ngọn hải đăng đầu tiên tại Trường Sa được xây dựng tại Song Tử Tây, vào năm 1993.

Trong hải trình ra Trường Sa cuối năm, chúng tôi may mắn đi qua 4/9 ngọn hải đăng (gồm Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, An Bang), với tên gọi thân thương là “nhà đèn”.

Tháng 11/2011, Trạm hải đăng Trường Sa Lớn được Thủ tướng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiều chuyến công tác ra đảo Trướng Sa, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng không ít lần tới thăm và để lại bút tích khen ngợi anh em gác trạm hải đăng.

Nhìn từ xa, hải đăng đảo Đá Lát không khác gì cột thu phát sóng truyền hình. Do cột đèn được xây dựng trên đảo chìm, sáng sớm mỗi khi biển lặng nước triều xuống đảo mới nhú khỏi mặt biển 3-4 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại đảo chìm sâu dưới mặt biển 2-4m. Vì vậy, để xây dựng đèn, 4 trụ sắt được cắm thẳng xuống biển, trên đó là nơi diễn ra mọi hoạt động của anh em trông coi và vận hành đèn. Những khung sắt đã hoen gỉ vì muối biển, chân đèn hà bám kín xung quanh. Mỗi khi nước lên, anh em trông coi đèn ngồi từ trên có thể ngắm cá tung tăng bơi lội ngay dưới chân mình. Khổ nhất với anh em hải đăng đảo Đá Lát là nước ngọt, do dụng cụ lưu trữ nước mưa có hạn. Còn thực phẩm chủ yếu đồ đông lạnh, đồ hộp và cá tươi mỗi khi nước xuống anh em đi câu được. Hải đăng Đá Lát cách vị trí đóng quân của Hải quân tới 300-400m, nên hai bên muốn sang thăm nhau phải đi bằng xuồng. Tuy vậy, hải đăng đảo Đá Lát lại đặc biệt quan trọng, vì nằm trong tuyến hàng hải quốc tế Bắc - Nam, tàu buôn qua lại tấp nập.

Những ngọn hải đăng khác, như trên đảo Đá Tây, Trường Sa Lớn, An Bang… được đầu tư xây dựng kiên cố, rộng rãi nên có phần thuận lợi hơn hải đăng đảo Đá Lát. Những năm gần đây các ngọn hải đăng trên đảo đều được trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời và điện gió, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào máy phát điện chạy xăng dầu như trước đây. Tuy nhiên, vào những hôm trời mưa bão vẫn phải chạy thêm máy phát điện, việc trông coi đèn lại vất vả hơn để đảm bảo đèn hoạt động ổn định cả đêm.

Không chỉ dẫn lối cho tàu vận tải hoạt động qua lại khu vực huyện đảo Trường Sa không mắc cạn, những ngọn hải đăng còn là điểm tựa của ngư dân đánh bắt cá tại ngư trường Trường Sa mỗi khi đêm xuống, trời trở gió. Những ghe tàu của ngư dân hư hỏng, mất định vị trong đêm tối chỉ cần thấy ánh sáng chớp nháy của hải đăng là yên tâm, không bao giờ lo mất phương hướng giữa trùng khơi.

Những cột mốc chủ quyền thầm lặng giữa đại dương ảnh 1

Ngọn hải đăng trên đảo An Bang.

Những công nhân thầm lặng giữ biển khơi

Tới thăm trạm hải đăng đảo Trường Sa Lớn vào mùa biển Đông gió mạnh, sóng lớn. Từng ngọn sóng cao cả mét đánh vào bờ bọt tung trắng xóa, hơi nước như sương tạt thẳng lên đảo khiến bàn ghế của trạm lúc nào cũng ẩm ướt. Trạm trưởng Trần Văn Khánh cho biết, trạm hải đăng Trường Sa Lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2003, hiện đang có 3 người trông coi, người ít tuổi nhất cũng đã ngoài 40, người cao tuổi nhất còn một năm nữa sẽ về nghỉ hưu. Anh Khánh quê Hải Phòng, năm nay đã ngoài 45, với 20 năm công tác tại Trường Sa, từng đi qua 6/9 ngọn hải đăng nơi đây.

Anh Khánh ra Trường Sa năm 1994, chỉ 1 năm sau khi ngọn hải đăng đầu tiên tại Trường Sa được xây dựng trên đảo Song Tử Tây. Hằng ngày, các cán bộ tại trạm hải đăng phải chia ca trực 24/24 giờ, ngoài nhiệm vụ đảm bảo đèn hoạt động ổn định mỗi đêm, các anh còn phải quan sát và ghi nhận mọi hoạt động của tàu thuyền qua lại khu vực. 

Cũng ra với những ngọn hải đăng Trường Sa từ năm 26 tuổi, tới nay đã bước sang tuổi 45, anh Trịnh Văn Nguyên (Trạm trưởng hải đăng đảo An Bang) đã có 19 năm sống tại 7/9 ngọn hải đăng ở Trường Sa. An Bang mùa này sóng gió tạt nước biển ướt cả nửa đảo, rau và gà của anh em trạm dính nước muối chết gần hết. “Mùa biển yên, rau anh em ăn không hết, nhưng mùa nay đã một tháng nay anh em không có rau tươi ăn”, anh Nguyên nói, trước trạm vườn rau chỉ trơ cọng. Để trồng lại rau, các anh phải mất cả tháng tưới nước ngọt rửa mặn cho đất.

Dù học bằng lái tàu biển, nhưng anh Nguyên lại chọn làm “lính” hải đăng vì sở thích được lặn và ngắm san hô. “Khi còn đi học, mỗi khi xem các chương trình nước ngoài về thám hiểm đại dượng mình thích lắm, nên ước mơ được ra biển. Khi học xong thì xin đi gác hải đăng. Lúc mới ra Trường Sa, chiều nào tôi cũng bơi và lặn ngắm san hô, những dãy san hô ở Trường Sa còn đẹp hơn cả các chương trình trên ti vi”, anh Nguyên nói.

Những cột mốc chủ quyền thầm lặng giữa đại dương ảnh 2

Anh Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng hải đăng đảo An Bang đã có 19 năm sống tại Trường Sa.

Với anh em nhà đèn, số lần được về nhà ăn Tết với gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong 19 năm làm nghề, anh Nguyên mới được đón Tết với gia đình 3 lần. Trong 16 cái Tết trên biển, anh Nguyên nhớ nhất Tết năm 2007, khi anh đang làm nhiệm vụ tại hải đăng đảo Đá Tây. Cuối năm đó, do biển động, tàu của công ty không thể đem nhu yếu phẩm ra trạm, gạo, muối của trạm hết sạch. Đợi tới ngày 29 Tết vẫn chưa thấy tàu, anh em trạm phải “cầu cứu” lực lượng Hải quân. Để giúp anh em nhà đèn, chỉ huy đảo Đá Tây phát loa kêu gọi anh em lính mỗi người góp một thứ giúp anh em nhà đèn. Nhờ đó, không chỉ có gạo, muối đón Tết, anh em nhà đèn còn được chiến sĩ cho cả gà. Thậm chí, ngày mùng 1 Tết chiến sĩ đảo Đá Tây đưa xuồng đón anh em nhà đèn sang liên hoan năm mới cùng anh em đảo. “Kỷ niệm ấy cả đời tôi không bao giờ quên, luôn biết ơn tấm lòng anh em bộ đội với nhà đèn”, anh Nguyên nhớ lại.

Còn với anh Khánh, nhắc đến Tết anh nhớ mình đã không ít lần phải rớt nước mắt vì nhớ và thương vợ xa chồng, con mong bố, trong khi những gia đình khác xum vầy. Những năm trước đây, khi các đảo Trường Sa chưa được phủ sóng điện thoại, mỗi dịp Tết anh em trạm phải dùng máy điện đàm Icom gọi về đài phát thanh tỉnh, sau đó nhờ kết nối với điện thoại để nói chuyện với vợ con.

Mỗi năm Cty Bảo đảm Hàng hải biển Đông và Hải đảo có 4 chuyến tàu đưa các nhu yếu phẩm ra các điểm đèn hải đăng tại Trường Sa. Tuy nhiên, dù chỉ còn 1 tháng nữa là tới Tết Âm lịch 2015, nhưng tới nay tàu của công ty vẫn chưa ra theo kế hoạch do biển động. “Tàu của công ty nhỏ nên biển chỉ động cấp 4-5 là không thể đi được, đã hơn tháng nay anh em trạm hết ché thuốc”, anh Khánh nói. 

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.