Chia ngọt, sẻ bùi
Có lẽ chỉ khi ra với đảo Trường Sa mới thấu hiểu hết gắn kết keo sơn giữa quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió. Cũng chỉ ra đảo mới cảm nhận hết những hy sinh của quân và dân quyết bám đảo, bám biển vì chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Đến thăm gia đình anh Tô Hoài, người đàn ông 43 tuổi, làn da sạm đen vì nắng gió Trường Sa, cuối những khóe mắt đã xuất hiện nhiều vết chân chim, nhưng anh luôn thường trực nụ cười. Căn nhà kiên cố của gia đình anh Hoài nổi bật trên đảo nhờ mái ngói đỏ, tường quét sơn trắng, nằm giữa màu xanh mướt của rừng cây phong ba, cây tra trên đảo Trường Sa Lớn. Cũng giống trong đất liền, căn nhà khang trang có khoảng sân phía trước, phía sau nhà một phần đất nhỏ để các hộ gia đình trồng rau, chăn nuôi cải thiện bữa ăn. Vợ chồng anh Hoài có 2 con, đứa lớn đang học lớp 12 ở Khánh Hòa, còn đứa nhỏ 7 tuổi theo bố mẹ ra Trường Sa Lớn và hiện đang học lớp 2 trên đao.
Mỗi khi biển yên, anh Hoài lại cùng những người đàn ông khác trên đảo giăng buồm ra khơi đánh bắt, được cá ngoài phần để lại gia đình dùng, các anh lại đem biếu bộ đội trên đảo có cá tươi ăn. Còn chị Đoàn Thị Thịnh - vợ anh Tô Hoài cùng những người phụ nữ khác ở nhà trồng rau, chăn nuôi thêm gà, vịt để giúp gia đình, nếu nuôi được nhiều lại đem biếu bộ đội.
“Trên đảo không có dê, nên anh em chiến sĩ đưa lợn vào tổ chức trò chơi bịt mắt bắt lợn, để tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho quân và dân trên đảo, không khác gì tết ở đất liền”.
Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn
Vào những tháng cuối năm này, biển Đông đang sóng lớn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, những người đàn ông trên đảo không đi giăng lưới được nên ở nhà phụ giúp vợ con trồng rau, nuôi gà. Trên đảo Trường Sa Lớn hiện có 2 cặp lợn sinh sản của các chiến sĩ trên đảo nuôi. Mỗi lợn mẹ một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con, lợn con trên đảo không bao giờ thiếu. Mỗi khi có lứa lợn mới, các chiến sĩ lại đem biếu các hộ dân 1-2 con chăn nuôi thêm.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, có ti vi, tủ lạnh chạy bằng điện năng lượng mặt trời và điện gió, chị Phạm Thị Như Trinh - Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết: Khi còn ở đất liền chị cũng chỉ ở nhà chăm sóc gia đình, còn chồng đi lặn biển bắt tôm, cua. Ra đảo định cư, chồng chị vẫn đi biển, còn chị ở nhà chăn nuôi. “Ở đảo gia đình được các chiến sĩ trên đảo giúp đỡ rất nhiều. Gia đình thiếu gì thì lên xin bộ đội, còn bộ đội thiếu lại xuống nhờ dân”, chị Trinh nói, tay vẫn thoăn thoắt dỡ từng lô hàng vừa được tàu chuyển từ đất liền ra, những giọt mồ hôi lăn dài trên má.
Dù đang là mùa đông, nhưng thời tiết vẫn nóng như giữa mùa hè. Vợ chồng chị Trinh có 2 con cùng theo bố mẹ ra đảo, đứa lớn nay đang học lớp 2, đứa nhỏ mới 2 tuổi.
Thi thoảng, những người phụ nữ trên đảo lại tổ chức làm bánh, nấu chè cho bộ đội, giúp các anh vơi bớt nỗi nhớ nhà, thêm vững tin giữ biển đảo quê hương.
Tết nghĩa tình
Chỉ ra đảo mới có cái Tết mà không nơi đâu có được, không xa hoa nhưng vui tươi và ấm áp tình người. Mâm ngũ quả trên đảo Trường Sa Lớn chỉ một nửa quả thật, nửa còn lại là quả nhựa, nhưng nhìn không thua gì mâm ngũ quả trong đất liền. Cành mai cũng được các chiến sĩ “chế” từ cành cây phong ba, hoa làm từ nhựa. Tết trên đảo cũng bánh chưng đầy đủ, nhưng lá dong từ đất liền đem ra để tới tết hầu hết đều chuyển sang màu vàng, các chiến sĩ phải dùng lá bàng vuông bọc ngoài để tạo màu xanh cho bánh, bánh cũng có nhân thịt, đậu xanh, tiêu bắc…
So sánh tết đảo với tết trên đất liền, chị Phạm Thị Như Trinh nói: “Tết trên đảo không hoa, không pháo, không xe cộ tấp nập. Nhưng trên đảo như một gia đình lớn, dân và bộ đội gắn bó nhau bằng tình cảm. Quân và dân cùng chúc Tết nhau, chơi các trò chơi dân gian, văn nghệ; cùng lên chùa thắp hương tưởng nhớ tổ tông và cầu một năm mới an lành, hạnh phúc, và mọi người cùng lì xì nhau lấy lộc”.
Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn cho biết, mỗi dịp tết đến, xuân về các lực lượng trên đảo đều cố gắng khắc phục khó khăn tạo ra không khí đón xuân như trên đất liền. “Tết đảo luôn có các trò chơi dân gian, như kéo co, ném bóng bàn, đấu bóng chuyền. Thậm chí, trên đảo không có dê, anh em chiến sĩ đưa lợn vào tổ chức trò chơi bịt mắt bắt lợn, để tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho quân và dân trên đảo, không khác gì tết ở đất liền”, thượng tá Hòa nói.