'Những chuyện bỏ dở'... của Nguyên Hồng và những chuyện với cha tôi

'Những chuyện bỏ dở'... của Nguyên Hồng và những chuyện với cha tôi
TP - “Đi với Nguyên Hồng. Hắn đánh bạc. Cũng ngổ lắm. Có 1 $ được 40 $... Sáng hôm sau đi làm, khoe với anh em cùng sở là mình được bạc”.
'Những chuyện bỏ dở'... của Nguyên Hồng và những chuyện với cha tôi ảnh 1
Chân dung Nguyên Hồng với lời đề tặng ở mặt sau: “Tặng “Tào Ngu” Nguyễn Huy Tưởng - ký Nguyên Hồng - 8/12/49”. Bên dưới, người nhận có đề thêm mấy chữ: “Không lạy nhau đâu!”

Cha tôi (nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) viết những dòng nhật ký trên ngày 29/10/1944, và có lẽ đó là những dòng lạ lùng nhất, nếu không muốn nói là thú vị nhất, về bác Nguyên Hồng, một người có tiếng là nghiêm ngắn trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngày 29 tháng 10 năm ấy là một ngày Chủ nhật, và với cha tôi, đó hẳn là một ngày đầy không khí lễ hội. Đầu tiên là việc cha tôi sang Yên Viên dự buổi khánh thành lớp Truyền bá quốc ngữ, một công việc mà ông miệt mài theo đuổi.

Nếu như hôm đó, việc gặp lại thày Hoàng Ngọc Phách từng dạy ông hồi học trường Bonnal, Hải Phòng không gây một ấn tượng gì đặc biệt, thì chắc chắn lúc ở tiệm ăn, ông đã rất phấn khích khi được các ả đào quây chung quanh mời sang hát.

Nhiều ả đào đã xin vào lớp học, trong đó có một cô trông rất xinh và lại ngoan ngoãn nữa... Ông thậm chí đã nghĩ đến một câu chuyện tình giữa người thày giáo và cô học trò mà ông gọi là “linh hồn đầy đọa” ấy.

Đêm về Hà Nội, ông lại cùng nhà văn Nguyên Hồng tiếp tục cuộc chơi. Có thể ở một chợ phiên mà cũng có thể tại bất cứ sòng bạc nào vốn nhan nhản thời bấy giờ, bác Nguyên Hồng đã “nổi máu” thử vận đỏ đen.

Một đồng lúc ấy lớn lắm, nhưng đã bốc lên thì có sá gì! Bác Nguyên Hồng quyết định chọn cửa. Vòng quay hay quân súc sắc lăn (bạn đọc cũng như tôi chỉ có thể tưởng tượng được thôi) cuối cùng đã dừng hẳn.

Tất cả các mái đầu châu lại, các cặp mắt đổ dồn, rồi một tiếng “ồ!” đồng loạt cất lên. Bác Nguyên Hồng đã thắng! Bác Nguyên Hồng có thể ăn non. Nhưng bác quyết định chơi tiếp.

Bác  thắng, bác thua, người ta hết mừng cho bác rồi lại tiếc cho bác. Nhưng rốt cuộc bác đã thắng lớn, giữa sự hoan hỉ của tất cả mọi người chứng kiến...

Câu chuyện trên có thể đã diễn ra như thế mà cũng có thể không, vì tác giả đâu có ghi lại kỹ càng từng chi tiết một. Nhưng có điều chắc chắn: Nhà văn Nguyên Hồng đã chơi rất ấn tượng (hay “cũng ngổ lắm”, theo cách nói của cha tôi), và thực sự bác đã trở thành người hùng của đêm đó.

Cha tôi lần đầu tiên gặp bác Nguyên Hồng có lẽ là vào ngày 8/8/1942, như ông từng ghi lại trong nhật ký. Bấy giờ cha tôi đã bước vào tuổi “tam thập nhi lập” nhưng mới đang ở những bước chập chững đầu tiên đến với văn chương.

Còn bác Nguyên Hồng khi ấy tuy mới 24 tuổi đầu nhưng đã là một bậc trưởng lão trong trường văn trận bút; tác giả của những tác phẩm ngay khi mới ra đời đã được xếp vào hàng kiệt tác của văn học Việt Nam: tiểu thuyết Bỉ vỏ, hồi ký Những ngày thơ ấu.

Cha tôi kể rằng, hôm ấy, ở buổi diễn kịch, ông đã gặp vợ chồng Nguyên Hồng, cũng như đã gặp những nào là Trần Tử Anh, Đoàn Phú Tứ, Chu Ngọc...

Thậm chí, Đoàn Phú Tứ còn gây được ấn tượng với ông hơn bởi “để râu và mặc quốc phục”, bên cạnh nhà dàn kịch Chu Ngọc “gắt gỏng và có vẻ khinh bạc”...

Phải một năm rưỡi sau, bước sang tháng tư đầu hè của năm 1944, ông mới lại nhắc đến Nguyên Hồng, nhưng lần này thì gần như liên tục. Và luôn luôn với một mối giao cảm đặc biệt.

Như sau này tôi mới hiểu ra, không phải chuyện văn chương thuần túy, mà chính hoạt động Văn hóa cứu quốc mới là yếu tố gắn kết chặt chẽ hai ông với nhau.

Chúng ta biết rằng, tổ chức Văn hóa cứu quốc đã được nhen nhóm từ cuối năm 1943, và trong số các thành viên đầu tiên có cha tôi và bác Nguyên Hồng.

Bấy giờ cả hai ông đều đang ở Hải Phòng. Rất có thể sau thời gian đầu “bắt mối” mà đương nhiên phải hết sức thận trọng trong việc dò xét thái độ của nhau, giữa hai ông đã hình thành một sự tin cậy hoàn toàn.

Mặc dù đã là những người hoạt động xã hội quảng giao và đôi khi cũng sống khá phóng túng giữa đám văn nghệ sĩ và tài tử đất Cảng, mối quan hệ giữa cha tôi và bác Nguyên Hồng trước sau vẫn là mối quan hệ giữa hai người viết văn nghèo, luôn phải quan tâm đến việc “cơm áo gạo tiền”, cả của mình và của bạn.

Xin lại được trích dẫn vài đoạn nhật ký của cha tôi thời kỳ này để bạn đọc có thể hình dung: “Nguyên Hồng nói Cửu trùng đài đã được kiểm duyệt. Hồng xui mình đi lấy tiền của Thái Bá Cơ.” (23/11/1944);

“Nguyên Hồng túng. Đem cả hoa tai của mẹ và vợ đi cầm. Tiền sách đã hết cả” (20/12/1944);

“Viết thư đòi Nguyên Hồng 15 ký gạo... Nguyên Hồng viết cho một lá thư rất là thống thiết. Ái ngại thay cho hàn sĩ.” (21/2 và 26/2/1945);

“Nguyên Hồng ra. Cùng ở... Mẹ Nguyên Hồng và vợ Kim Lân ra ăn ở nhà mình... Nguyên Hồng tình nguyện xin làm cơm. Đã ăn hai bữa cơm ngon lành”. (31/3 đến 30/4/1945).

Cái chuyện cùng ăn cùng ở trong đoạn nhật ký trên là thế này. Sau khi được đổi từ sở Đoan Hải Phòng lên Hà Nội, đến đầu năm 1945 thì cha tôi thuê được một căn gác ở phố Pescadore, nay là phố Phù Đổng Thiên Vương.

Như theo hồi ký của bác Tô Hoài, ở ngoài cửa ông dùng một cái khóa số. Số khóa: 1789 - năm nổ ra Cách mạng Pháp. Ai biết số cứ việc mở vào (tất nhiên chỉ trong số anh em đồng chí thôi).

Bác Nguyên Hồng là người năng đến nhất. Bác đến giục cha tôi đi đòi nhuận bút cuốn Đêm hội Long Trì. Bác đến góp ý với cha tôi về việc xuất bản Cửu trùng đài (tức kịch Vũ Như Tô) ở nhà xuất bản của Thái Bá Cơ.

Rồi hai ông bàn định với nhau những gì nên viết, sẽ viết - những tác phẩm đứng đắn cho nước Việt Nam tương lai, những bài báo cho số tạp chí đầu tiên của Văn hóa cứu quốc sắp ra trong bí mật.

Bác cũng thẳng thừng chê cha tôi về bài “Trước mộ”, rằng bài ấy khô khan, thuyết lý nhiều, khiến ông trằn trọc cả đêm... Dần dần thấy tiện, bác Nguyên Hồng đến ở luôn với cha tôi.

Vừa hay, thân mẫu bác Nguyên Hồng sẽ lo chợ búa cơm nước, để cho hai ông văn sĩ yên tâm đánh vật với những trang bản thảo. Căn gác rộng thênh thang, đồ đạc chả có gì, mỗi ông một góc tha hồ viết.

Nhưng rồi nạn đói ngày một trầm trọng. Sự kiểm soát bắt bớ của Nhật ngày càng gắt gao. Cộng với cái không khí hầm hập của những ngày hè nước to năm ấy khiến cho ngòi bút của các ông khó mà có thể đưa tiếp.

Những trang tiểu thuyết, truyện dài mới khởi thảo, những màn kịch đang soạn đều phải để lại dở dang, nhường chỗ cho mối lo toan chạy ăn độ nhật và những công việc của đoàn thể ngày một thêm gấp gáp.

Những chuyện này về sau sẽ được bác Nguyên Hồng kể lại trong bài Những truyện bỏ dở... để tưởng nhớ cha tôi sau khi ông qua đời, với giọng văn khá ư là hài hước nhưng cũng rất đỗi tự hào:

“Cái gác có một anh công chức lương không đủ chi một bữa rượu, một văn sĩ cà mèng và một bà cụ buôn bán đầu đường cuối chợ chạy đói ở quê ra, cái gác ấy là một trong những cơ sở và nơi liên lạc của Văn hóa cứu quốc”!

Cách mạng tháng Tám thành công, cha tôi và bác Nguyên Hồng trở thành những yếu nhân của Hội Văn hóa cứu quốc.

Hai ông có chân trong Bộ biên tập tạp chí Tiên phong, vừa lo chạy bài, chạy tiền, chạy in, vừa lo viết bài cho tờ báo. Công việc chắc chắn là ngập đầu, lại nhiều mới mẻ, các ông có làm mấy cũng không xuể.

Kỷ niệm một năm Cách mạng thành công, Hội Văn hóa cứu quốc mở tiệc chiêu đãi. Tối ấy vui lắm. Có thơ. Có rượu… Và cha tôi đã ghi lại trong nhật ký hình ảnh bác Nguyên Hồng mà có lẽ cũng là cảm xúc của chính ông: “Nguyên Hồng nâng cốc với Thi, nghẹn ngào: Đời nhiều việc quá, thấy viết không được như mình muốn, viết khó quá. Và ứa nước mắt khóc.”

Thế rồi chiến sự lan rộng, nhiều văn nghệ sĩ lên đường đi mặt trận Trung Bộ, trong số đó có bác Nguyên Hồng. Ra đi, bác không khỏi bịn rịn lo cho tờ báo, lo cho cha tôi mà bác gọi bằng một từ có hơi bỗ bã, nhưng có thế mới nói được hết hệ lụy của cha tôi đối với công việc:

“Hồng đi rồi khi về sẽ giúp Tưởng về Tiên phong. Tưởng và Thâm Tâm là hai con mõ già của Văn hóa cứu quốc.” (nhật ký của cha tôi ngày 3/11/1946; tôi nhấn mạnh hai chữ mõ già).

'Những chuyện bỏ dở'... của Nguyên Hồng và những chuyện với cha tôi ảnh 2
Lời đề tặng của Nguyên Hồng ở cuốn Cơn bão đã đến, Nhà xuất bản Văn Học, 1968

Toàn quốc kháng chiến. Cha tôi và bác Nguyên Hồng không còn thường xuyên được ở bên nhau như trước nữa. Sau một thời gian ngắn, bác Nguyên Hồng về “định cư” ở ấp Cầu Đen, hay còn gọi là ấp Đồi Cháy thuộc đất Nhã Nam, tỉnh Bắc Giang.

Còn cha tôi theo cơ quan trung ương Hội Văn nghệ nay đây mai đó, khi Bắc Cạn, lúc Bắc Giang, rồi hết Thái Nguyên, Phú Thọ lại Tuyên Quang…

Nhưng mỗi lần có dịp về Nhã Nam, thăm bác Nguyên Hồng, cha tôi bao giờ cũng hồ hởi. Các ông thường cùng nhau đọc to lên những sáng tác mới của nhau, không khí thân mật, xuề xòa như một thính phòng mà cha tôi thấy cần phải dùng đến chữ tiếng Pháp “cénacle” để lột tả.

Nhưng cũng chính bác Nguyên Hồng, cái người dễ mủi lòng, mau nước mắt ấy, đôi khi cũng rất đáo để. Một chiều nọ, cha tôi về đến Nhã Nam và cùng đi chơi phố với bác Nguyên Hồng.

Đang đi, bác bỗng chỉ vào một người ngồi uống rượu trong quán bên đường và cảnh báo: “Thế rồi hôm nào đốt nhà đấy là thường. Kháng chiến mà không biết là kháng chiến”. 

…Cuối năm 1950, cha tôi và bác Nguyên Hồng cùng tham gia Chiến dịch Biên giới. Như cha tôi ghi lại trong nhật ký, hai ông đã có nhiều kỷ niệm thú vị với nhau.

Trong những trang đó, cha tôi thường gọi bác là Nguyên. Rằng “Nguyên xốc nổi, hay to tiếng, cãi nhau luôn”; rằng Nguyên ngồi trong quán, thấy ông liền gọi ời ời mời vào làm vài hớp rượu; rằng Nguyên trên đường đi Sán Luồng, cứ đứng vẫy mãi một bà cụ già và người con gái rất xinh gặp dọc đường, khiến ông cũng thấy vui lây; rằng Nguyên đã khóc khi nghe tin mấy học viên lớp văn nghệ bị thương vong trong chiến dịch; rằng Nguyên thu vén chiến lợi phẩm bộ đội tặng để đem về cho vợ con, những nào là đồ hộp, chăn, giày...

Tất cả đều rất chân chất, rất hồn nhiên, khoáng đạt, đáng yêu, cứ như thể với bác Nguyên Hồng mọi sự đều phải thế!

Ai hay bẵng đi một thời gian sau chiến dịch, cha tôi được bác Nguyên Hồng gửi cho một bức thư, nhưng không phải để ôn lại những chuyện vui buồn, mà là để... kiểm điểm trước Tiểu ban Văn nghệ: Bác bị tố giác là đã  hỏi xin thuốc của bộ đội!

Đầu đuôi sự việc là thế này. Bác Nguyên Hồng bị ốm nặng - sốt và đi ngoài không cầm, cả bác gái nữa. Trong lá thư dày nhiều trang bác “giải trình” sự việc với cha tôi, bác cho biết ngay lúc này đây, khi bác gắng gượng ngồi dậy viết thư, thì ở giường bên, bác gái đang rên hừ hừ!

Bữa trước, nhân có một người, cũng chỗ “văn nhân” với nhau mà tôi xin phép khỏi nêu tên, cho biết sẽ đi khám bệnh, nơi mà vị quân y sĩ trưởng lại là chỗ thân quen với nhà văn Nguyên Hồng; bác đã nhờ người đó cầm hộ bức thư kể bệnh, để, như bác đã dặn đi dặn lại, nếu được thì cấp cho mấy viên thuốc, bằng không, nếu phạm vào nguyên tắc thì chớ có đặt vấn đề xin xỏ gì, mà cũng chớ có đưa bức thư ra.

Không biết sự thể đã diễn ra thế nào, cũng không rõ bác Nguyên Hồng đã được viên thuốc nào chưa, và nếu được rồi thì bệnh có thuyên giảm được chút nào không? Chỉ biết rồi chuyện loang ra, rằng nhà văn Nguyên Hồng đã có chuyện gì đấy với thuốc men của bộ đội!

Chuyện tầy đình đến mức “trên” phải yêu cầu bác kiểm điểm. Tất nhiên bác Nguyên Hồng chỉ có thể kể lại trung thực toàn bộ câu chuyện, rằng bác đã bị đau nặng như thế, rằng bác đã dặn rất kỹ, nếu đúng nguyên tắc thì hãy cho thuốc!

Đó là tất cả những gì bác có thể làm, còn dư luận thế nào thì cũng đành chịu. Nhưng bác Nguyên Hồng luôn luôn là bác Nguyên Hồng. Bác có thể chịu tiếng oan. Nhưng bác cũng có quyền tự quyết định lấy cuộc sống của mình.

Trong thư gửi cha tôi với tư cách là người của Tiểu ban Văn nghệ, bác đã chính thức xin nghỉ việc dài hạn và không ăn lương. Lý do: bác muốn, và cả gia đình bác cũng muốn được tự túc lấy lương thực, để bớt một suất lương cho cơ quan Sở (văn nghệ). Mặc dù trong suốt thời gian ốm đau bệnh tật, bác vẫn có làm việc cho sở đấy!

Vâng, đó có thể là lý do mà cũng có thể không phải, vì bác Nguyên Hồng vốn là người lao động rất biết giá trị lao động của mình. Bác đã làm việc và bác sẽ rất vui lòng nhận phần lương của mình chứ.

Nhưng qua những chuyện kia, những chuyện ì xèo không đáng có một khi còn ở cơ quan, dù là cơ quan gì đi nữa, thì bác cũng đến xin kiếu. Và bác đã nói thẳng lý do thứ hai, mà đây mới là lý do chính, trong bức thư gửi cha tôi: để “tránh những dư luận không tốt”!

Kết cục thế nào, liệu “trên” có cho bác nghỉ việc dài ngày không ăn lương hay không, điều này thì tôi chưa tìm hiểu được. Nhưng có điều chắc chắn, kể từ đây bác Nguyên Hồng là người hoàn toàn tự do, thoải mái về tinh thần, bởi vì bác đã quyết sẽ không chịu lụy bất cứ cá nhân, hay cơ quan nào.

Để rồi, đến thời Nhân văn Giai phẩm, khi cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ trở nên khốc liệt, bác sẵn sàng bỏ về Nhã Nam, bởi một lý do đơn giản đã được bác Tô Hoài kể lại thật ấn tượng trong hồi ký Cát bụi chân ai: “Ông đéo chơi với chúng mày nữa” - “chúng mày” ở đây, theo tôi hiểu, không chỉ riêng cụ thể ai…

Bác Nguyên Hồng về Nhã Nam. Chỉ khi cần bác mới lên Hà Nội. Nhưng bác chỉ bỏ “chúng mày” chứ không bỏ bạn. Mỗi khi lên Hà Nội, thường là bác đến với cha tôi, nếu không phải là chỗ bác Như Phong ở gần chợ Đồng Xuân, Bắc Qua mà bác cũng rất thân. Mẹ tôi kể lại, bác thường đến bất chợt như một cơn lốc.

Bác gọi ời ời suốt từ dưới nhà. Cửa vừa mở, bác đã ào vào, tay cặp tay bị. Rồi bác hỏi thăm khắp lượt, hỏi chuyện con Hiền đang học ở bên Đức thế nào, hỏi con Khánh đâu, đã bạo dạn lên được chút nào chưa.

Rồi bác nói con Hòa tên nó thế không ổn. Hòa là chị gái trên tôi, được sinh trong kháng chiến mà cha mẹ tôi đặt tên là Hòa, chắc là mong cho hòa bình chóng tới.

Nhưng Hòa cũng là tên của cha tôi, ít nhất thì cũng là tên bác Nguyên Hồng đặt cho ông vì một lý do nào đó tôi còn chưa biết. (Trong nhà tôi hiện vẫn còn cuốn Những nhân vật ấy đã sống với tôi của bác Nguyên Hồng với lời đề tặng: “Tặng bà Chánh Hòa những truyện về ông nhà ta rất hết ý”).

Bác cứ đứng nhìn chị tôi rồi bảo: “Hay là anh chị đổi tên cho nó là Dục Tú”. Dục Tú là tên làng tôi mà cha tôi hay kể với bác. Cha tôi vốn yêu quê, lại thêm nể bác, thế là chị tôi may mắn được mang cái tên vào hàng đẹp nhất trong cả mấy chị em.

Về phần mình, cha tôi cũng hay lên Nhã Nam với bác. Không biết đã bao nhiêu lần, trong kháng chiến cũng như sau hòa bình lập lại, cha tôi lên đất Nhã Nam của bác Nguyên Hồng, đến sống ở cái đồi nơi bác đã định cư rồi tái định cư, cái đồi nhỏ thôi nhưng đã đi vào lịch sử văn chương Việt Nam với cái tên ấp Đồi Cháy, hay ấp Cầu Đen trong nhiều tác phẩm của Nguyên Hồng hoặc về Nguyên Hồng.

Chỉ biết lần cuối cùng cha tôi lên với bác Nguyên Hồng là vào tháng 8 năm 1959. Ông lên viết lại Bốn năm sau, tiểu thuyết về công cuộc xây dựng lại mảnh đất Điện Biên lịch sử mà ông đã đi thực tế suốt bốn tháng cuối năm trước đó, và giờ đang quyết tâm sửa lại tập bản thảo cho được như ý.

Ông lên vì cần một chỗ yên tĩnh mà tập trung sáng tác, hay đơn giản vì ông muốn được trở lại cái thời cùng ngồi viết với bạn như ngày nào? Có điều chắc chắn, lúc này, cũng như bác Nguyên Hồng, cha tôi không còn bị hệ lụy gì với công quyền.

Ngay sau hòa bình lập lại, trở về Thủ đô, cha tôi đã có ý xin thôi công tác lãnh đạo. Đến thời Nhân văn Giai phẩm, mong muốn này càng trở nên thúc bách, và cuối cùng đã được “trên” chấp thuận. Kể từ đây, cha tôi được chuyên vào sáng tác, và ông sẽ dành thời gian để viết và giao du với bạn bè.

Ấp Đồi Cháy của bác Nguyên Hồng thật hợp với khung cảnh Điện Biên trong tác phẩm của cha tôi. Điện Biên, theo như nhật ký ngày 22/8/1958 của ông, “lẫn lộn giữa hoang vu và bàn tay người, giữa gian khổ và cố gắng, giữa hỗn độn và tổ chức,… giữa cái nghèo nàn túng thiếu và cái tương lai đầy triển vọng, tất cả đều ở trong một sự hỗn độn, ngổn ngang, chờ đợi, vươn lên”.

Thì ở ấp Đồi Cháy của bác Nguyên Hồng nào có khác gì. Bấy giờ bác mới lên dựng nhà dựng cửa được hơn một năm. Bấy giờ nơi đó còn hoang vu lắm. Không điện, không nước, không đường, nghĩa là chẳng có đèn đóm, cũng chẳng hề có tiếng rađiô hay tiếng động cơ xe.

Trong nhà thì đồ đạc tuềnh toàng chẳng có gì. Bác tự đưa gia đình lên, xa xôi cách trở là thế, làm sao mà chuyển được đồ đạc, mà đồ đạc cũng đâu có nhiều nhặn gì.

Tất cả phải tự làm lấy hết, tự tăng gia, tự ngả tre, đẵn cây lấy gỗ, tự bố trí chỗ ở cho người già, trẻ nhỏ, chỗ làm việc cho mình… Đơn sơ thế mà sao đầm ấm.

Cha tôi lên, bác nhất định đòi dành cho ông cái bàn viết duy nhất của mình. Còn bác vốn quen rồi, ngồi vạ vật chỗ nào cũng viết được.

Thế rồi sau mỗi buổi miệt mài cày xới trên những trang bản thảo ngổn ngang gạch xóa, đến bữa hai ông lại ngồi với nhau, nâng chén mời nhau mà ngẫm nghĩ, mà đàm đạo với nhau về con người, năm tháng, cuộc đời...

Hôm tiễn cha tôi ra cầu Nhã Nam trước khi ông lên xe đạp trở về Hà Nội, bác còn dặn đi dặn lại với cha tôi rồi lại lên viết tiếp cuốn tiểu thuyết về Thủ đô. Bác chẳng thể ngờ được, gần một năm sau, cha tôi qua đời!

Kể từ bấy đến khi trở thành người thiên cổ, bác Nguyên Hồng vẫn hay lại nhà thăm chúng tôi. Bác qua cho cuốn sách mới in với lời đề tặng bao giờ cũng chan chứa ân tình.

Bác qua cho tôi 10 đồng khi được tin tôi trúng tuyển đi học đại học ở nước ngoài…Với mười đồng ấy, tôi đã tự cho phép mình, trước khi ra đi, ăn một bát phở 5 hào, mức cao nhất thời ấy, mà với ngôn ngữ bây giờ có thể nói là hoành tráng được.

Lâu lâu không qua nhà được thì bác viết thư hỏi thăm, hay gửi lời nhắn nhủ qua ai đó. Trong số những thư, những lời nhắn đó, tôi trân trọng nhất bức thư bác viết cho mẹ tôi vào dịp giỗ đoạn tang cha tôi mà bác không thể về dự được. Bức thư có đoạn:

“Ngày mồng 2 tháng 6 tới đây là ngày giỗ đoạn tang anh. Hôm nay, tôi lại trở về Yên Thế, bước chân vào nhà, vẫn thấy như anh còn ngồi viết ở trước mặt tôi, và viết xong, đến bữa, hai anh em nâng chén mời nhau mà chuyện về cuộc đời...

Không phải chỉ một hôm nay, gần đến ngày giỗ anh, tôi mới hồi nhớ lại như thế. Không biết bao nhiêu lúc trên đường đi cũng như trước bàn làm việc, nhất là những ngày tôi giật mình thấy có một sự vắng xa của một hơi hướng, thì tôi càng thấy anh ở gần tôi, chuyện với tôi là cùng tôi làm việc”.

Vâng, một người như bác Nguyên Hồng, mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là một cái “Hỏa Diệm Sơn của tình cảm”, đã để lại biết bao kỷ niệm trong bạn đọc cả nước hơn nửa thế kỷ qua. Với gia đình chúng tôi, bác cũng để lại biết bao nghĩa tình.

Riêng với tôi, ấm áp nhất, hiển hiện nhất  là hình ảnh bác với cha tôi, sau một buổi cày xới nhọc nhằn, đến bữa, “hai anh em nâng chén mời nhau mà chuyện về cuộc đời”.

MỚI - NÓNG