Tại những kỳ họp gần đây, công tác phòng chống tham nhũng luôn được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, thậm chí có những phát biểu khá gay gắt.
Tại kỳ họp thứ 6, đại biểu Lê Như Tiến nói rằng, cơ quan chuyên trách chống tham nhũng đồng bộ từ trung ương đến địa phương có “chiến thuật đầy đủ”, “bày binh bố trận”, song tham nhũng chưa được phát hiện bao nhiêu.
Ông Tiến cho rằng, cơ quan phòng chống tham nhũng cần tập trung vào chiến dịch “bắt hổ” - đó là các siêu dự án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm tỷ đồng, hơn là những vụ án “bắt mèo nhỏ”.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 24/10, ông Tiến nhắc đến một vấn đề khác liên quan phòng chống tham nhũng, đó là công tác cán bộ.
Đề cập những quyết định bổ nhiệm “phút 89” trước khi về hưu của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và một số trường hợp khác, ông Tiến đề nghị:
“Phải có quy định cấm cán bộ lãnh đạo quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án”. Bởi đó chính là cách phòng ngừa tốt nhất. Chừng nào không phòng ngừa thì vẫn còn xảy ra vì ai cũng nghĩ rằng, chuẩn bị nghỉ thì không còn gì để mất và cố làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh. Họ cảm giác sắp rời xa nhiệm sở nên cũng muốn ban ơn hoặc có gì đó.
“Nếu chúng ta không có quy định thì công chức, cán bộ vẫn còn làm điều đó, sẽ có kẽ hở và hiện tượng này vẫn tái diễn”, ông Tiến nói.
Đem những băn khoăn của đại biểu Lê Như Tiến hỏi một chuyên gia ngành Nội vụ, vị này cười và trả lời: “Quy định việc cấm như vậy là vi phạm luật. Bởi, dù chỉ còn một ngày trên cương vị công tác, thì vị cán bộ đó vẫn có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm đi cùng. Nếu bổ nhiệm hay phê duyệt dự án sai thì khi về hưu cán bộ đó vẫn phải chịu trách nhiệm và xem xét kỷ luật”.
Như vậy có thể thấy rằng, đề xuất cấm những chữ ký “phút 89” không dễ thực hiện và cuối cùng chỉ còn chờ lòng tự trọng của mỗi cán bộ, công chức.