> Áo xanh nơi lửa đỏ
> Công an điều tra nguyên nhân cháy chợ ở Quảng Ngãi
Họng nước cứu hỏa ở chợ Mai Động (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị hàng hóa che lấp. Ảnh: Mai Xuân Tùng. |
Hà Nội: Lai dắt bà hỏa
Tại chợ Láng, Ngã Tư Sở, Nghĩa Tân, Mai Động, dễ dàng nhận thấy các chủ gian hàng tận dụng tối đa không gian để bày biện hàng hóa.
Những khoảng không lấy ánh sáng tự nhiên vốn ít ỏi đều bị bịt kín để cơi nới bày hàng. Ngày như đêm, các quầy hàng đều phải thắp điện sáng. Dây điện giăng mắc khắp nơi dọc theo các thanh trưng bày quần áo, vải vóc, len sợi.
Tại các bảng điện công tắc lẫn cầu chì với đủ mối nối đặt tại những cọc sắt, cọc tre, tấm rèm phên nứa… Nhiều bảng điện đặt ở chân cột gần sát mặt đất ẩm ướt.
Tại những quầy hàng đóng cửa, bảng điện với dây cắm lủng lẳng để tơ hơ. Các tiểu thương nói đã ngắt cầu dao, tắt điện. Nhiều chỗ, công tơ, cầu dao điện trong chợ lại đặt ở những điểm khó thấy; hoặc dễ thấy thì lại bị che chắn, chặn bởi lỉnh kỉnh hàng hóa, đồ cũ.
Những vật liệu ngăn cách phần nhiều làm bằng tre, gỗ ép, bìa giấy… Thế nhưng không ít tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở khẳng định những thứ này khó mà cháy được vì ọp ẹp mục hết rồi!?
Một mối dẫn bà hỏa nữa là bếp than tổ ong của nhiều quầy hàng bày bán đồ ăn uống phía cuối chợ Ngã Tư Sở.
Tại những khu chợ trên, các thiết bị phòng cháy chữa cháy còn hạn chế. Không có thiết bị báo động sự cố cháy nổ. Tại chợ Ngã Tư Sở, có chiếc kẻng chế từ chiếc vành xe ô tô ở mãi tận cuối chợ là kẻng báo cháy. Bà Đàm Thị Hoài (một tiểu thương bán vải tại chợ Ngã Tư Sở) nói: Có khi chỉ có còi miệng là hiệu quả.
Tại chợ Nghĩa Tân, các bình chữa cháy tại chỗ gần như tập trung tại một điểm. Theo Phương - một tiểu thương có gian hàng chăn ga gối đệm, điểm đặt các bình chữa cháy này đã lâu, gần như không thay đổi. Bụi cũng đã phủ đầy trên những nắp van, khóa bình…
Cả chợ Ngã Tư Sở có một máy bơm nước chính. Ngay phía trên có để các xô nhựa. Song những vật dụng này bị che lấp. Tại chợ Mai Động họng nước chữa cháy bị áo mưa, quần áo… che tầm nhìn hoặc bị chất chồng lên. Bên ngoài chợ, thiếu vắng những trụ nước chữa cháy tại chỗ.
Hàng bày dưới đất, treo mắc phía trên, lại thêm không bảng chỉ dẫn khiến cả khu chợ thành một mê cung. Vì vậy, khái niệm cửa thoát hiểm càng trở nên xa lạ ở Ngã Tư Sở, Láng, Nghĩa Tân, Mai Động… Chị Hoàng – chủ quầy vải chợ Ngã Tư Sở cho hay: “Mấy người lâu lâu mới tới chợ thì bị lạc ngay. Loanh quanh trong chợ là chuyện thường”.
Đáng lo ngại là không phải ai cũng biết sử dụng bình chữa cháy. Bà Lan (chợ Ngã Tư Sở) cho biết: “Phần nhiều chẳng biết dù cũng có mấy đợt ban quản lí chợ tổ chức lớp học phòng cháy chữa cháy”. Phần nhiều các tiểu thương đều cười trừ hoặc lắc đầu như chị Phương (chợ Nghĩa Tân) khi được hỏi cách dùng bình chữa cháy đặt trong chợ.
TPHCM: Lén lút thắp hương trong quầy vải
Chiều 14-2, tại chợ Bình Tây (quận 6), hàng hóa, bàn ghế choán gần hết lối đi. Khu vực để thiết bị chữa cháy cũng bị một số tiểu thương lấn chiếm làm nơi chứa hàng hóa.
Hai bên cổng chợ phía đường Phan Văn Khỏe bị biến thành điểm gửi xe, choán gần hết hai bên lối đi. Bà Phượng, tiểu thương bán hàng khô lắc đầu: “Nói dại, nếu xảy ra hỏa hoạn trong nhà lồng, không biết xoay xở thế nào”.
Những bất ổn nói trên đã được Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM (PCCC) kiểm tra, cảnh báo từ hơn 5 năm trước nhưng đến nay chưa được khắc phục. Tại chợ Thiếc (quận 11), chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5), nhiều khu vực, khách phải nghiêng người, luồn lách mới đi qua được các quầy hàng.
Các chủ sạp đứng nép mình dưới các túi hàng treo đến tận nóc hay ngồi xổm trên đống hàng. Hàng hóa hầu hết là những chất dễ bắt lửa nhưng đặt, treo sát hệ thống điện (theo quy định phải cách tối thiểu 0,5m).
Đa số các chợ ở TPHCM được xây dựng từ trước năm 1975, nay đã xuống cấp trầm trọng. Hệ thống dây điện giăng mắc chằng chịt. Theo ban quản lý một số chợ, việc khắc phục các vi phạm về PCCC vượt thẩm quyền của các ban quản lý.
Đơn cử: Hầu hết các chợ, diện tích quầy hàng trước kia được xây dựng dưới 3m2, lối đi 1,5m trong khi theo quy định hiện nay, diện tích quầy phải từ 3m2, lối đi rộng từ 1,8m trở lên. Muốn khắc phục thì chỉ còn cách…phá bỏ xây chợ mới.
Một số người vô tư hút thuốc lá. Có tiểu thương vẫn đặt bàn thờ thần tài trong quầy và lén lút thắp nhang bất chấp quy định “cấm đốt nhang đèn, thờ cúng” trong chợ...
Theo Sở Cảnh sát PCCC, TPHCM hiện có hơn 350 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó có 161 chợ truyền thống. Mật độ chợ ở TPHCM cao nhất cả nước.
Theo đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, sắp tới lực lượng cảnh sát PCCC sẽ tiếp tục kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC tại các chợ.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị cá nhân chấn chỉnh công tác PCCC, quyết tâm không để xảy ra cháy chợ gây hậu quả nghiêm trọng tại TPHCM.
Họng nước cứu hỏa vẫn khát Thông tin từ Sở PCCC Hà Nội, tính đến năm 2010, Hà Nội có 800 cán bộ chiến sỹ, trong đó có 400 cán bộ chuyên nghiệp, 400 chiến sỹ nghĩa vụ thời gian 3 năm (lực lượng lấy từ tốt nghiệp Trung học phổ thông). Về phương tiện, xe cơ giới có 52 chiếc, trong đó có 4 xe thang còn lại xe chở nước chở bọt khí, chở vòi, điều đáng lưu tâm là chỉ có 30% xe hoạt động tốt, còn lại là kém, có nhiều xe dùng trên 15 năm, thậm chí có xe đã dùng trên 20 năm. Hiện các công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn thành phố đều được trang bị phương tiện PCCC. Các khu nhà tái định cư cũng có trang bị phương tiện PCCC, nhưng không được duy tu bảo trì, vì vậy không đảm bảo an toàn PCCC. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Đại tá Tô Xuân Thiều, PGĐ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Từ khi chuyển đổi Phòng Cảnh sát PCCC lên Sở PCCC, từ 10 Đội thành 10 Phòng, chính vì thế số lượng chiến sỹ PCCC cũng được tăng cường tại mỗi Phòng thuộc Sở PCCC, trang bị thêm 6 xe chuyên dụng PCCC và 3 xe thang loại 32 mét tương đương với độ cao khoảng 11 tầng. Để đảm bảo công tác PCCC tối ưu, Hà Nội cần tới 6.000 họng cứu hỏa, tuy nhiên, hiện nay mới có 1.000 họng. Các vụ cháy tại Hà Nội chủ yếu là dùng nguồn nước từ xe PCCC, trừ các vụ cháy lớn mới sử dụng tới các xe bơm chuyên dụng lấy nước tại chỗ (họng cứu hỏa). Tại một số họng cứu hỏa vẫn xảy ra tình trạng “khát nước”. Minh Đức |