Những cánh tay đặt trên ngực trái

Những cánh tay đặt trên ngực trái
TP - Dường như năm nào sự kiện chính Chủ nhật Đỏ (tại Hà Nội) cũng diễn ra trong cái lạnh tê tái. Thế nhưng, chính những chiếc băng đô nhỏ nhắn trên đầu của từng dòng người hiến máu và cả những giọt máu nóng được lấy từ nhiều cánh tay khỏe mạnh đã sưởi ấm giá rét, sưởi ấm lòng người.

Đã 12 năm trôi qua (hiện tại Tiền Phong đang tổ chức lần thứ 13), hình ảnh ấn tượng nhất trong mỗi lần Chủ nhật Đỏ diễn ra, có lẽ là những cánh tay chắc khỏe chìa ra để kỹ thuật viên lấy máu. Có nhiều người đã chìa tay ra hàng chục lần trong đời. Những cánh tay mỗi lần hát Quốc ca luôn đặt về phía trái tim và nhịp đập như bước hành quân từ hàng nghìn năm vọng lại, nay máu hiến chảy nóng hổi. Máu hiến đến từ người có nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, lĩnh vực khác nhau, nhưng hầu hết vẫn là thanh niên. Họ có thể ở trong trường đại học, văn phòng, làng quê xa, miền núi cao… Thậm chí như ở Đắk Lắk, nhiều khi lực lượng đang đi tuần tra đêm hay chốt trực tại đơn vị, nhận cuộc gọi xin máu cấp cứu, những chiến sỹ công an lại âm thầm hướng về phía bệnh viện. Máu của chiến sỹ công an trẻ chăm tập luyện (họ ý thức sống lành mạnh) ở nơi này đã thành “ngân hàng” máu sống. Một loại hình ngân hàng với giao dịch bằng sự sẻ chia, lãi suất là sự sống.

Ở Tây Nguyên, Chủ nhật Đỏ nhiều nơi được tổ chức thực sự như ngày hội đại đoàn kết. Có những buôn hàng trăm người rủ nhau đi hiến máu; trước đó mấy nhà chung nhau mổ 1 con lợn, hẹn sau khi xong việc về sẽ uống rượu cần chung vui vì vừa làm xong việc tốt. Bà con lỡ đến nơi mà không được hiến máu, còn “kiện” ban tổ chức. Nhiều người mộc mạc còn ví máu như mạch nguồn con suối; không có nước, mùa màng khô cạn. Quả thực, máu của những người hiến khác nào nước của con sông luôn vô tư bồi đắp phù sa làm tươi tốt mùa màng, dâng niềm vui cho cuộc sống.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân cần máu nhiều hơn bao giờ hết. Tai nạn giao thông, người mang bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác đều trông chờ vào sự tiếp máu. Nhiều năm nay, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tích cực song hành cùng Báo Tiền Phong vận động người dân hiến máu cứu người. Tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh vào dịp Tết của những người làm công tác chuyên trách.

Hiện nay, trên giấy phép lái xe của lực lượng công an đã ghi nhóm máu, nhưng đa số người dân không có dữ liệu này. Đây là việc cần thiết trong hoàn cảnh cần cấp cứu: Người cho và người nhận khỏi mất thời gian kiểm tra máu trước khi truyền (bởi vì người mất máu, thời gian chỉ tính bằng phút, giây). Thậm chí, trên bằng lái xe hoặc CMND ngoài tên nhóm máu, nhà nước nên ghi nhận số lần hiến máu bằng những ngôi sao đánh dấu. Người nào có nhiều sao, ngoài việc được xã hội tôn trọng, Nhà nước cần ưu đãi trong một số lĩnh vực công. Có như vậy, hoạt động hiến máu sẽ không chỉ tồn tại thông qua các phong trào vận động, mà nó sẽ lan tỏa thiết thực hơn trong đời sống. Nó sẽ như sợi chỉ đỏ kết nối yêu thương, gắn kết con người với nhau.       

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.