Những cái tên Việt trong Hồ sơ Panama: Có thể là lách thuế

Những cái tên Việt trong Hồ sơ Panama: Có thể là lách thuế
TP - Trong 189 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam “lọt” vào hồ sơ Panama, phân nửa là những tên Việt, còn lại có tên ngoại quốc. Tài liệu này đã công khai danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian; 19 công ty được thành lập ở nước ngoài và 185 địa chỉ ở Việt Nam (chủ yếu là tại Hà Nội và TP HCM).

Chiều 10/5, sau khi có danh sách 189 cá nhân và tổ chức tại Việt Nam trong hồ sơ Panama được công bố, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Bùi Văn Nam đã chủ trì cuộc họp giao các ban đơn vị liên quan thành lập tiểu ban kiểm tra về vụ việc này. Tiểu ban có thành viên đến từ Vụ Thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan khác của Tổng cục Thuế. 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc kiểm tra sẽ mất nhiều thời gian xem xét, rà soát, do đây là thông tin quốc tế. Ngoài ra, không phải cứ có tên trong hồ sơ Panama thì tất cả đều vi phạm pháp luật. Ngoài ra, nếu người Việt nhưng định cư ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam cũng không làm gì được. Muốn biết đúng, sai phải có tài liệu, chứng cứ. “Đây là vụ việc liên quan nhiều cơ quan, ngành Thuế chỉ là một trong số này. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và có báo cáo về vụ việc này”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nói.

Trong khi đó, một số chuyên gia về thuế khi được hỏi về vụ việc này cũng từ chối bình luận, vì thiếu thông tin. Theo chuyên gia này, mọi nhận định phải dựa trên cơ sở pháp luật, đầu tư ra nước ngoài đã phải nộp thuế, nên phải xem những người đầu tư ra nước ngoài có kê khai và nộp thuế không đúng quy định hay không, để nói được phải có chứng cứ.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, trước vụ việc này cần bình tâm suy xét có nên điều tra hay không, bởi cũng tốn kém nhiều chi phí. Theo ông, đây không phải hành vi trốn thuế mà là lách thuế. Do đó, cơ quan quản lý Việt Nam nên nghiên cứu để tìm cách khắc phục những kẽ hở này. 

Một chuyên gia lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận, các công ty chứng khoán, quản lý quỹ, công ty tài chính xuất hiện nhiều trong danh sách vì thường có các cổ đông lớn là các nhà đầu tư nước ngoài nên việc này nhằm bảo vệ tài sản cho họ. Nhiều cá nhân và các quỹ cũng công khai địa chỉ từ rất lâu rồi chứ không hề giấu giếm. “Đây là một vài thủ thuật của doanh nhân để tối đa hóa lợi nhuận và tránh bị đánh thuế nhiều lần”, vị này chia sẻ.        

Hiện, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cũng khẳng định và tuyên bố rõ ràng trong phần từ chối trách nhiệm (Disclaimer) và phần trả lời câu hỏi thường xuyên (Frequently Asked Questioned) trên trang thông tin chính thức của họ là  “Việc thành lập các công ty và quỹ tín thác offshore thường là hợp pháp. Chúng tôi không khuyến nghị hoặc ám chỉ các cá nhân, công ty hoặc các tổ chức có tên trong ICIJ Offshore Leaks Database đã có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có các hành vi không chuẩn mực”.

MỚI - NÓNG