Góc nhìn khác
Phóng viên chiến trường là sự hội ngộ của bộ tứ: Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm. Tác phẩm tham gia triển lãm này từng dự Liên hoan quốc tế về báo ảnh Visa pour l’image (Giấy thông hành bằng hình ảnh) ở Perpignan, Pháp tháng 9 năm ngoái do phóng viên chiến trường kỳ cựu Patrick Chauvel khởi xướng.
“Các báo như Le Monde (Pháp), The New York Times (Mỹ)… đồng loạt gọi những bức ảnh chúng tôi mang tới Liên hoan là một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam”, nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính lý giải, “Đó là quan điểm của người phương Tây khi phóng viên của họ chụp được chủ yếu cảnh chết chóc, đau khổ tại chiến trường Việt Nam. Ảnh của chúng tôi thì khác, vẫn thể hiện cuộc chiến khốc liệt, nhưng sau đó là những nụ cười”.
Niềm lạc quan hiện diện trong hầu hết các tác phẩm. Từ anh lính nhận thư nhà, những cô thanh niên xung phong náo nức san đường tới cảnh người dân Sài Gòn vây lấy đoàn xe quân giải phóng. “Cuộc chiến của chúng ta là cuộc chiến không cân sức. Chúng ta phải dùng hết ý chí, sức mạnh tinh thần mới mong chiến thắng. Lúc bấm máy, tôi luôn tìm kiếm sự lạc quan. Điển hình là bức Nụ cười bên thành cổ, một nụ cười giữa những ngày đêm máu lửa”, ông Tính nói.
Nhà báo Mai Nam cho biết: “Tôi làm phóng viên Tiền Phong (từ 1953), ra chiến trường chụp thanh niên Việt Nam trong kháng chiến. Tôi tâm niệm dùng những bức ảnh động viên thanh niên cũng như người dân Việt Nam hăng hái chiến đấu, không nhụt chí trước sự tàn phá của chiến tranh”.
Cuộc gặp đầy kỷ niệm
Nhà nhiếp ảnh Hứa Kiểm vốn giã từ nghề nghiệp lâu rồi, về quê Nam Định an dưỡng. Những người bạn cũ, điển hình là nhà báo Chu Chí Thành, vẫn nhớ tới ông. Ông Thành đã chọn trong kho của Thông tấn xã Việt Nam những bức ảnh tiêu biểu nhất của ông Kiểm. “Anh Thành quả hiểu tôi, triển lãm lần này, anh thay tôi chọn loạt ảnh về trọng điểm liên hoàn ATP trên đường 559. Lần tác nghiệp vào binh trạm 14 tại cửa khẩu Việt Nam - Lào, vừa gian khổ lại hết sức nguy hiểm”, ông Kiểm nhớ lại, “Đổi lại, tôi đã chụp được những bức để đời”.
“Việc chọn 4 nghệ sĩ này triển lãm phụ thuộc vào chất lượng ảnh của họ. Tuy nhiên không thể nói tác phẩm của những người khác, không có mặt là dở. Nếu có điều kiện, chúng tôi muốn mời tất cả”.
Patrick Chauvel
Thượng tướng QĐND Nguyễn Huy Hiệu tới triển lãm nhằm chúc mừng người bạn cũ Đoàn Công Tính. Thượng tướng xúc động nhận từ tay ông Tính bức ảnh chụp ông đang cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 bàn kế hoạch chiến đấu bảo vệ thành cổ: “Lúc đó chúng tôi và anh Tính tiếp cận để bám địch. Đồng chí Tính đi như một người lính, tay cầm máy ảnh, lưng giắt lựu đạn”, ông Hiệu kể.
Quay lại với bức Thoát khỏi ngục tù, ông Chu Chí Thành kể thêm: “Tù chính trị được thả trong cuộc trao đổi tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam (năm 1973 tại Quảng Trị) khi đi tới bờ nam sông Thạch Hãn đã cởi bỏ hết đồ do chính quyền Cộng hòa phát, vẫy cờ cách mạng thể hiện khí thế không hề nao núng khi đối mặt với cảnh tù ngục rồi nhảy ào xuống sông, trở về với tự do”.
Kỷ niệm xung quanh những bức ảnh thì kể mãi không hết. Với Hứa Kiểm, ấn tượng sâu sắc trong đời cầm máy của ông chính là ánh mắt của những người dân Sài Gòn: “Năm 1973, tôi thuộc đoàn Bắc Việt trong Ủy ban Quân sự bốn bên, từ khách sạn tới trại Davis chụp ảnh. Trên đường đi, những người dân Sài Gòn nhận ra chúng tôi nhưng tỏ vẻ rất thờ ơ (để tránh bị quy là Việt Cộng nằm vùng). Tuy nhiên tôi có thể thấy sự thân thiết, quan tâm sâu trong ánh mắt của họ”. Để rồi tới 30/4/1975, khi ngồi trên xe Giải phóng tiến vào, ông “gặp lại” ánh mắt ấy. Nhưng lần này, không chỉ là ánh mắt mà cả một niềm hạnh phúc tràn trề trong ngày thống nhất đất nước.