Bóng ma chiến tranh hạt nhân ở Nam Á

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ tại châu Á vì sự đối đầu giữa 2 nước sở hữu loại vũ khí này: Ấn Độ và Pakistan.

Tên lửa Ghauri mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan. Ảnh: AP
Tên lửa Ghauri mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan. Ảnh: AP

Pakistan là một trong những nước tích cực xây dựng kho vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Nước này đang sở hữu 120 vũ khí nguyên tử và dự định tăng gấp 3 số lượng trong thập kỷ tới.

Trong khi đó, Ấn Độ có 110 vũ khí hạt nhân nhưng không thể hiện nhiều tham vọng hạt nhân như Pakistan.

Tuần qua, Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakistan đã thông qua hợp đồng trị giá 5 tỷ USD để mua 8 tàu ngầm chạy bằng diesel - điện từ Trung Quốc. Giới quan sát quốc phòng lưu ý các tàu ngầm này có thể chở tên lửa hạt nhân, theo báo New York Times.

Trước đó, vào ngày 9/3, Pakistan đã phóng thử tên lửa đạn đạo Shaheen 3, tầm bắn 2.700 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tấn công tới mọi mục tiêu ở Ấn Độ.

Bất đồng giữa Ấn Độ và Pakistan xảy ra từ rất lâu. Hai nước đã trải qua 3 cuộc chiến lớn. Thù hằn giữa 2 bên tồn tại sâu sắc đến ngày nay.

Dù New Delhi và Kabul đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại hòa bình, 2 nước vẫn chạy đua vũ trang và tăng cường sức mạnh hạt nhân.

Lần xung đột nghiêm trọng nhất giữa 2 láng giềng vùng Nam Á diễn ra vào năm 1999. Từ đó đến nay, Ấn Độ chú trọng phát triển để trở thành cường quốc về kinh tế và chính trị trong khu vực.

Trong giai đoạn này, tình hình Pakistan ngày càng rối ren do kinh tế yếu kém, chính phủ hoạt động không hiệu quả và đặc biệt là phiến quân Hồi giáo Taliban luôn muốn lật đổ nhà lãnh đạo hiện tại để giành quyền thống trị.

Tuy nhiên, thay vì đầu tư hàng tỷ USD để phát triển trong nước như an sinh xã hội, giáo dục và việc làm cho người dân, Pakistan mạnh tay mua vũ khí hiện đại.

Ấn Độ khẳng định sẽ sử dụng quân đội thông thường trước tiên nếu xung đột xảy ra. Tuy nhiên, quân đội Pakistan không thể so sánh về số lượng binh sĩ, các vũ khí hiện đại (xe tăng, máy bay, pháo binh) và sự thiện chiến như quân đội Ấn Độ.

Do vậy, Kabul càng phải dựa vào sức mạnh hạt nhân như các tàu ngầm chở tên lửa, tên lửa tầm trung Shaheen-3, các vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn...

Tướng Khalid Ahmed Kidwai, cố vấn cấp cao của chính phủ Pakistan, khẳng định nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong mọi cuộc chiến với Ấn Độ, đồng thời đe dọa các tên lửa tầm ngắn có thể tấn công tất cả mục tiêu.

"Ấn Độ bây giờ không còn là thiên đường an toàn. Xung đột có xảy ra hay không tùy vào phản ứng của Ấn Độ. Nếu anh gây hấn trước thì tôi sẽ đáp trả", Shajid Latif, một cựu quan chức Không quân Pakistan, nói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tuyên bố, Pakistan chắc chắn không thể yên nếu Islamabad tấn công khủng bố ở Ấn Độ.

Những năm gần đây, báo Washington Post cho biết Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, hiện đại hóa sức mạnh không quân và bổ sung cho hạm đội tàu ngầm.

Hồi năm 2012, Ấn Độ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này, tầm bắn gần 5.000 km.

Do tình hình giữa Pakistan và Ấn Độ chưa bao giờ thuyên giảm, báo New York Times cho rằng các cường quốc phương Tây cần lưu ý tới cuộc chạy đua hạt nhân ở Nam Á, thay vì quá chú trọng vào những thỏa thuận hạt nhân với Iran hiện tại.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.