62 năm báo Tiền Phong ra số đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2015)

Những bài báo giấu trong thùng mì tôm

Ông Nguyễn Thanh Chấn bên tờ báo Tiền Phong.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bên tờ báo Tiền Phong.
TP - “Báo Tiền Phong tạo niềm tin và là “vũ khí” giúp tôi chiến đấu vì công lý và công bằng cho chính mình”, người tù oan Nguyễn Thanh Chấn chia sẻ.  

Phóng viên Tiền Phong có mặt tại nhà người tù oan Nguyễn Thanh Chấn tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang chiều 15/11. Nơi xóm nhỏ vắng lặng, thưa bóng người dường như đã trở lại yên bình như bao làng quê nghèo khác. Trước cổng nhà ông Chấn ngổn ngang xi măng, cát, giàn giáo. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, hoang nát ngày trước bị phạt đi một góc nhường chỗ cho một căn nhà 2 tầng nho nhỏ đang dần hình thành nơi cuối sân. Ông Chấn không có nhà, cánh cửa vẫn mở toang. Hỏi mấy người thợ xây, họ bảo chắc ông đi xin cây chuối về cho lợn…

Ngồi trò chuyện vui vẻ với mấy người thợ xây, họ hay thích gọi ông Chấn là “anh hùng”. “Nhưng “anh hùng” này không biết tiêu tiền”, một người thợ nhận định. Hơn một tiếng sau, người “anh hùng” mới trở về cùng một xe cải tiến đầy những thân cây chuối cùng với người con dâu và con gái, cô gái có tên là Quyền, con gái út của ông vừa ở nước ngoài về. Nhìn ông khắc khổ với bộ dạng gầy gò, bộ quần áo lao động nhàu nhĩ, lem bẩn bởi nhựa chuối nhưng đôi mắt chợt sáng lên khi nhắc đến báo Tiền Phong. Rít một hơi thuốc lào đùng đục, ông như trở lại với những ngày đầy khó khăn trong trại giam ở Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc thuở nào. “Tôi còn nhớ như in hôm bà ấy (bà Chiến - vợ ông Chấn) mang cho tôi bài báo có tiêu đề: “Có chứng cứ ngoại phạm vẫn bị tù chung thân” trên báo Tiền Phong của tác giả Đỗ Sơn. Lúc ấy không được mang cả tờ báo vào mà phải mang các bản phô tô, giấu kỹ dưới đáy những thùng mì tôm tiếp tế cho tôi. Lần đầu, tôi đã mắng cho bà ấy vì phô tô mờ quá, nhiều chữ mất cả nét. Ấy thế mà mấy anh em trong tù cũng luận ra được rồi lấy bút tô lại cho rõ”, ông Chấn tâm sự.

“Nhân kỷ niệm 62 năm ngày Báo Tiền Phong ra số đầu tiên, tôi xin được cảm ơn tờ báo đã luôn bên tôi, giúp tôi có thêm niềm tin và nghị lực để sống đến ngày được minh oan”.

Ông Nguyễn Thanh Chấn

Bài báo của Tiền Phong khi đó đã theo ông Chấn suốt cho tới tận ngày ông được minh oan năm 2013. Cứ có dịp là gia đình ông lại gửi bài báo được phô tô ấy qua nhiều hình thức đến ông, nhưng phổ biến vẫn là giấu kỹ trong những thùng mì tôm khi vào thăm ông. Có bài báo, ông lại tích cực viết đơn để gửi ra ngoài. Đơn từ thì dễ hơn vì có cửa hàng bán giấy, bút ở ngoài cho phạm nhân viết nhưng bài báo thì không phải lúc nào cũng có nên thi thoảng ông lại phải giục vợ gửi bản phô tô bài báo vào để gửi cùng đơn. Đặc biệt, ông tận dụng mỗi lần có quan khách đến thăm nhà tù để kêu oan, gửi tài liệu cho họ. Cứ có đoàn khách nào là ông tìm mọi cách mon men đến gần rồi đưa đơn cùng bài báo cho họ. Ông kể nhiều lần ông bị quản giáo mắng vì tội không chịu ngồi yên mỗi khi có khách đến. Rồi ông nhờ cậy mọi mối quan hệ tốt với các quản giáo để gửi đơn nhưng nhiều lần đi ra ngoài, ông vẫn thấy đơn từ của mình vứt đầy đường. Ông biết, nhiều người không quan tâm đến việc kêu oan của ông. Chạnh lòng, nhưng ông vẫn kiên trì và hy vọng có ngày được nhìn thấy ánh sáng của công lý.

Ngày 30/8/2013, hôm ấy có đoàn về dự đặc xá, các trại được quét dọn cẩn thận, khu vệ sinh được vảy “com pho” cho thơm nức. Điều lạ, trong đợt này là đoàn được chỉ định bất kỳ buồng giam nào để đến thăm và nói chuyện. Bất ngờ là khu vực giam giữ ông Chấn được chỉ định vào thăm. Ông Chấn cùng các phạm nhân khác háo hức chờ đợi sự có mặt của đoàn lãnh đạo này. Ông Chấn thậm chí đã vui sướng đến mức khi trưởng đoàn mời mọi người ngồi xuống để nói chuyện thì ông nhất định đứng để kêu oan. Trong khoảng thời gian rất ngắn ấy, ông chỉ kịp nói sơ qua về vụ việc của mình rồi gửi cho người trưởng đoàn ấy bản phô tô của bài báo. “Hôm ấy vội quá, quên cả mang đơn, tôi chỉ kịp lấy bản phô tô bài báo rồi gửi cho cán bộ. Tôi nghĩ, chỉ cần với cái tên của bài báo là “Có chứng cứ ngoại phạm vẫn bị tù chung thân” đã khiến cho những ai có tâm sẽ phải lưu ý rồi”, ông Chấn nhớ lại.

Sau khi được chính thức minh oan, trở về nhà sau hơn 10 năm ngồi tù oan, cùng với các tờ báo khác, báo Tiền Phong luôn ở bên cạnh, đồng hành cùng người tù oan Nguyễn Thanh Chấn. Cầm tay tôi, ông Chấn xúc động: “Nhân kỷ niệm 62 năm ngày báo Tiền Phong ra số đầu tiên, tôi xin được cảm ơn tờ báo đã luôn bên tôi, giúp tôi có thêm niềm tin và nghị lực để sống đến ngày được minh oan. Đó là một tờ báo đã luôn đứng về phía những người dân bị thiệt thòi như chúng tôi, cùng chúng tôi vượt qua hoạn nạn. Có một dịp thuận lợi, tôi nhất định sẽ đến thăm tòa soạn để gửi lời cảm ơn các anh, các chị trong thời gian qua”.

Chia tay tôi, ông Chấn lại tất tả đi tắm rửa, chuẩn bị cơm nước để đến bệnh viện chăm sóc người vợ đã luôn cùng ông vững tin vào tương lai tươi sáng. Bà Chiến đang bị bệnh, đã nằm ở khoa cấp cứu 3 ngày hôm nay. Bà vẫn bị chứng đau đầu, huyết áp cao hành hạ và ngày càng có nguy cơ bị nặng hơn. Kẹp những tờ Tiền Phong tôi tặng vào chiếc xe máy đã cũ để chuẩn bị đến bệnh viện, ông Chấn nở nụ cười: “Mang đến tối đọc cho đỡ buồn cháu ạ. Ở trong đó ban đêm nhưng điện cũng sáng lắm…”.

MỚI - NÓNG