Ông Trịnh Văn Huyền bên những tấm huân, huy chương
Nuôi gà, lợn trên… lưng
Gặp Đội trưởng đội phá bom Đại đội 293, đội TNXP 34 Trịnh Văn Huyền (sinh năm 1930) tại nhà riêng trong con ngõ nhỏ ở phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân (Hà Nội).
Ông đã bước sang tuổi 84 nhưng vẫn còn minh mẫn. Gạt đi những thiếu thốn về cuộc sống vật chất, ông nói: “Đồng đội tôi nhiều người hy sinh, nhiều người giờ không có chồng, vợ, bệnh tật đầy mình. Cuộc sống như tôi là hạnh phúc lắm rồi”.
Nói rồi ông lấy bức ảnh ông mặc chiếc áo lụa Bác Hồ tặng năm 1954 khoe: “Tôi là người duy nhất được Bác tặng chiếc áo này khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, vì tinh thần hữu ái giai cấp và có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.
Cuối năm 1952, trên đường rời quê hương Hà Tĩnh gia nhập đội TNXP phục vụ kháng chiến chống Pháp ở Điện Biên Phủ, chàng trai Trịnh Văn Huyền mua 5 con gà con và 1 con lợn 5 kg mang theo. 5 con gà và 1 con lợn được ông cõng đi đến các chiến trường ác liệt. Vượt qua mưa bom bão đạn, sau 2 năm, 5 con gà lớn lên mỗi con được 2 kg, riêng lợn nặng 84 kg. Ngày mừng chiến thắng giải phóng Điện Biên Phủ, đồng đội đã mổ con lợn của ông để ăn mừng.
“Hơn hai năm, tôi chỉ ăn mắm kem (nước mắm muối nấu cô lại) còn cá khô hay thịt tôi đều nhường cho anh em”, ông nói. Những giờ giải lao, trong lúc đồng đội nghỉ ngơi, ông vào rừng đào măng, đào củ mài, lấy rau rừng bổ sung thêm thực phẩm cho đồng đội.
Đặc biệt, ông vào bản mua gà về nuôi để nấu cháo tẩm bổ cho người ốm, bị thương nặng. Trong hai năm ông làm được 165 kg thịt gà. Nhiều đồng đội khỏe mạnh nhờ sáng kiến đó của ông.
Thà chết không để đạn nổ
Đó là quyết tâm của Đội trưởng Trịnh Văn Huyền khi kêu gọi đồng đội cứu 8 trong 10 xe chở đạn, gồm 437 viên đại bác 105 ly của ta bị máy bay địch đánh phá tại đèo Pha Đin (Điện Biên).
Lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 cựu TNXP chống Pháp thuộc đội 34 – 40, có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ sẽ được tổ chức vào sáng ngày 16/10/2014, tại hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngày 26/4/1954, khi đang mở đường, phá bom nổ chậm ở đèo Pha Đin, ông phát hiện 4 chiếc máy bay địch bắn xối xả vào khu vực Đại đội ông phụ trách.
Tưởng doanh trại bị lộ, ông ra lệnh cho cả tổ công tác về cứu đơn vị. Đi được 2/3 quãng đường ông bị thương, máu chảy ở bụng, tay, chân, mặt. Về đến nơi phát hiện không phải doanh trại bị bắn mà đó là đoàn xe ô tô gồm 10 chiếc chở đạn đại bác của ta bị lộ. Trước sự việc cấp bách, nếu cứu chậm thì cả 10 xe đạn sẽ bốc cháy hoặc không sơ tán nhanh, máy bay địch đến đánh sẽ thành thảm họa.
Mặc cho vết thương đang chảy máu, ông hạ lệnh: “Thà chết, không để đạn nổ, tất cả tập trung đưa xe và đạn về nơi an toàn”.
Sau 9 giờ đồng hồ lăn lộn, đội của ông cứu được 8 trong 10 xe chở đạn. Là đội trưởng đội phá bom ở đèo Pha Đin và Cò Nòi, nơi địch đánh phá rất ác liệt, ông luôn nêu cao tinh thần “dù hy sinh cũng phải quyết tâm tìm ra cách phá bom nổ chậm có hiệu quả”. Ông phá được 124 quả bom bươm bướm, 6 quả bom nổ chậm.
Ông được bầu 25 lần là chiến sĩ thi đua các cấp, được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, đặc biệt được Bác Hồ tặng 2 lần Huy hiệu của Người và Bác đã viết 3 bài báo khen ngợi.
Ông Nguyễn Tiến Thụ (ngoài cùng bên phải) và ông Trịnh Văn Huyền (ngoài cùng bên trái) hạnh phúc trong thời bình
4 lần bị bom vùi
Đại đội phó phụ trách phá bom Đại đội 404, Đội TNXP 40 ông Nguyễn Tiến Thụ (sinh năm 1934, xã Nội Duệ, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) từng 4 lần bị bom vùi. Ông tâm sự, người phá bom là những người cảm tử.
Đảm nhận phá bom phục vụ kháng chiến ở ngã ba “lửa” Cò Nòi, nơi giao nhau của 2 con đường 13 và 41, Đại đội của ông lúc nào cũng đối mặt hiểm nguy. “Đây là ngã ba rất hẹp và hiểm trở, là huyết mạch giao thông quan trọng vào Điện Biên Phủ. Mỗi ngày địch thả 300 quả bom các loại. Cây xanh, mầm sống ở đây bị hủy diệt hết”, ông Thụ kể lại.
Trong các loại bom thì bom bươm bướm là nguy hiểm, bộ đội và dân công sợ loại bom này nhất. Đây là bom phá dễ, chỉ cần giật dây là nổ. Nhưng một lần, đồng đội ông xử lý bom bươm bướm, chọc, giật kiểu gì cũng không nổ. Đồng đội của ông cầm lên để ném xuống vực.
Trong lúc đó, quả bom phát nổ, đồng đội của ông hy sinh. Trước sự việc đau lòng đó, ông nghiên cứu tìm cách hủy bom bươm bướm hiệu quả nhất. Muốn nghiên cứu được phải mở quả bom đó ra. Ông đào một cái hố sâu ngập đầu, bỏ quả bom lên miệng hố, giơ tay lên vặn ngòi nổ. 5 phút rồi vẫn không được, anh em đồng đội cản, ông vẫn quyết tâm: “Cùng lắm là cụt 2 bàn tay, phải nghiên cứu bằng được”.
Ông vặn ngòi ngược lại kim đồng hồ, quả bom nổ, ông lấy được cái ngòi nghiên cứu. Từ đó, ông tìm ra giải pháp phá bom bươm bướm là thả tất cả bom vào một hố rồi đốt bộc phá. Nhờ giải pháp đó mà việc phá bom đạt hiệu quả cao.
Ông cùng 3 đồng đội rà phá được 120 quả bom các loại, 7 quả bom nổ chậm, 50 quả bom bươm bướm để giải phóng đường nhanh cho lực lượng và xe vào Điện Biên Phủ. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ ông được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc.
4 lần làm lễ truy điệu sống
Đội trưởng đội phá bom Đại đội 404, Đội TNXP 40 Cao Xuân Thọ (sinh năm 1926, xã Hoàng Giang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và đội trưởng Trung đội phá bom, Đại đội 407, Đội TNXP 40 Trần Văn Cam (sinh năm 1936, xã Chí Tiên, Thanh Ba, Phú Thọ, đã mất năm 2011) 4 lần đơn vị làm lễ truy điệu sống trước khi đi phá bom.
Ông Cao Xuân Thọ uống cả nước mắm cho đỡ lạnh để lặn suối phá bom, đã cùng 3 đồng đội rà phá được trên 100 quả bom các loại, được Bác Hồ tặng 3 lần Huy hiệu của Người, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, là chiến sĩ thi đua toàn quốc của lực lượng Công – Nông – Binh…