EVN có thật sự cận kề nguy hiểm?- Bài 2:

Những ẩn số trong giá thành điện

Giá điện tăng dưới 7%, EVN sẽ được tự tăng giá (công nhân điện lực đang kéo đường dây điện trên đường Giải Phóng - Hà Nội). Ảnh: Ngọc Châu
Giá điện tăng dưới 7%, EVN sẽ được tự tăng giá (công nhân điện lực đang kéo đường dây điện trên đường Giải Phóng - Hà Nội). Ảnh: Ngọc Châu
TP - Một cựu lãnh đạo EVN cho rằng, việc tập trung dồn chi phí đầu tư xây dựng quá lớn những năm gần đây là nguyên nhân khiến tỷ suất lợi nhuận ngành điện thấp. Các chuyên gia cho rằng, cần cơ chế kiểm soát nguồn vốn của EVN trong bối cảnh sức ép tái cơ cấu đang đè nặng lên Tập đoàn mỗi khi đưa ra đề xuất tăng giá điện.

Giá điện sẽ tăng 10% từ nay đến 2016?

Các báo cáo tài chính mới nhất của EVN và các công ty con về nhu cầu vốn đầu tư nguồn điện cho thấy, bình quân mỗi năm EVN cần khoản 110.000 đến 130.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển nhà máy điện, hệ thống lưới điện, điện nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa, nâng cấp, sửa chữa...

Nhu cầu vốn này kéo dài đến tận năm 2020. Dù công tác huy động vốn trong nước và nước ngoài thời gian gần đây thuận lợi hơn nhưng các tổ chức tín dụng luôn buộc EVN phải có vốn đối ứng với tỷ lệ thông thường khoảng 30%. Còn tính chung cả giai đoạn 2011-2020, tổng chi phí đầu tư cho khâu phát điện theo tổng sơ đồ điện 7 vào khoảng 970.000 tỷ đồng (tương đương 46 tỷ USD), trong đó có hơn 171.000 tỷ đồng được dành để phát triển nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Trong một báo cáo về ngành điện tính đến cuối năm 2014, một tổ chức tư vấn cho WorldBank đánh giá: Có nhiều lĩnh vực hoạt động mà mức biên chế của EVN vượt trên tiêu chuẩn quốc tế. Điều này có thể phản ánh do chi phí lao động thấp, mức độ thuê ngoài thấp. Cùng đó, việc EVN bị lỗ liên tục từ 2008-2011 đã góp phần vào sự suy giảm nghiêm trọng trong tình hình tài chính của EVN cũng như quản lý dòng tiền. 

“Gánh nặng khác tạo áp lực cho chính EVN đó là việc duy trì bộ máy nhân sự quá cồng kềnh. EVN quản lý hơn 20.000 MW trong tổng số hơn 34.000 MW của cả hệ thống điện nhưng lượng người của tập đoàn lên tới 110.000 người. Trong đó, riêng khối điện lực đã chiếm khoảng 70.000 người. Số người đi thu tiền điện, đo đếm công tơ, sửa chữa sự cố quá đông cũng là bài toán mà EVN phải tập trung giải quyết trong nhiều năm tới. So với các nước khác, năng suất lao động của ngành điện chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với họ”, một cựu lãnh đạo EVN thừa nhận.

“Vay mượn của EVN tăng với tốc độ rất cao, hầu hết bằng ngoại tệ. Tổng số nợ tăng từ 86.000 tỷ đồng vào cuối năm 2007 đến 246.000 tỷ đồng trong năm 2012. Đồng thời dư nợ ngoại tệ tăng từ 64% đến 88% tổng số nợ. Điều này đặt lợi nhuận của EVN có nguy cơ suy giảm mạnh do sự mất giá của tiền đồng. Đặc biệt, phần lớn các khoản vay của EVN là ngắn hạn. Khoảng 52% các khoản nợ đến hạn trả nợ trong năm năm tiếp theo. Tuy nhiên, các tài sản mà EVN đang mua lại có chu kỳ khấu hao lâu dài lên đến 25 năm. Do đó, xuất hiện sự không phù hợp giữa tài sản và nợ phải trả của EVN”, báo cáo này phân tích.

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc bức tranh tài chính của EVN sẽ xấu trong trường hợp biểu giá điện không thể tăng thường xuyên. Khi đó, tình hình tài chính của EVN có thể xấu đi nhanh chóng với các khoản nợ không trả được cho không chỉ các đơn vị cung cấp nhiên liệu mà còn có thể là các nhà cho vay. “Điều này rất nguy hiểm khi nó tiềm ẩn nguy cơ phá sản và vỡ nợ cũng như các tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Kết quả là, các nhà cho vay và các nhà cung cấp nhiên liệu sẽ có xu hướng thắt chặt các điều kiện tín dụng vào những lúc có khó khăn về dòng tiền. Trong hoàn cảnh đó, sẽ khá khó khăn để đảm bảo các khoản vay mới và chi phí vốn bị trì hoãn. Các nhà đầu tư tiềm năng sẽ không chấp nhận rủi ro tín dụng với EVN và sẽ yêu cầu thanh toán trực tiếp từ Chính phủ”, báo cáo đánh giá.

Để giải quyết vấn đề trên, từ nay cho tới nửa cuối năm 2016, EVN cần phải tăng giá bán lẻ lên gần bằng mức tối đa là 10% theo chu kỳ 6 tháng điều chỉnh giá một lần theo quy định tại Thông tư 2165. Từ năm 2017 trở đi, mức tăng giá để đảm bảo mục tiêu ổn định khả năng tài chính có thể thấp hơn vào khoảng 50% tốc độ lạm phát giả thiết. “Để đạt được mục tiêu ổn định tài chính cho các công ty điện lực của EVN trong vòng 5 năm tới cần một mức tăng tổng cộng ít nhất là 40% trong vòng 3 năm đầu và sau đó tốc độ tăng chậm hơn để đảm bảo mục tiêu ổn định cho cả giai đoạn sau khi đã tính đến những yếu tố có thể giúp tăng hiệu quả vận hành”, đơn vị tư vấn của WorldBank phân tích.

Một cựu lãnh đạo ngành điện xác nhận, chiếu theo tỷ lệ này, hàng năm EVN phải “chạy tướt bơ” để huy động được vài chục nghìn tỷ để làm vốn đối ứng cho các dự án. Như với dự án nhiệt điện Vĩnh Tân công suất 1.200 MW, vốn đầu tư vay 2 tỷ USD, EVN phải lo vốn đối ứng khoảng 600 triệu USD. Với hàng chục dự án lớn nhỏ đang triển khai, khoản tiền đối ứng tăng lên rất nhiều và EVN chỉ có cách đẩy lợi nhuận tăng lên để lấy lãi làm vốn đầu tư. “Với sức ép dư luận hiện nay, việc EVN có thể được tăng giá điện ở mức 10% là khó do số tiền thu được mỗi năm từ tăng giá điện rất lớn. Ngành điện chỉ có thể chia nhỏ các lần tăng giá, mỗi lần từ 3%-5% thì sẽ bị phản ứng ít hơn”, một chuyên gia am hiểu về ngành điện phân tích.

Những ẩn số

Giá điện hiện nay không phải là thấp, cũng không hẳn đã cao, vấn đề chính là sự minh bạch thông tin về giá thành sản xuất điện của EVN... là những cảnh báo được các chuyên gia nhiều lần khẳng định khi trả lời Tiền Phong. Câu chuyện về những “ẩn số” không được làm rõ trong giá thành điện cũng từng được cơ quan chuyên quản đầy uy tín về kiểm toán là Kiểm toán Nhà nước nói rõ về vấn đề này.

Cụ thể, trong một bản báo cáo về niên độ ngân sách và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty cho thấy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, năm 2010 EVN đã không hạch toán đầy đủ các khoản thu và đầu tư có lợi nhuận vào quá trình tính giá thành như khoản thu cho thuê cột điện, thanh lý một số tài sản đầu tư ngành điện, lãi từ các hoạt động đầu tư... Trong khi theo quy chế tài chính thì những khoản thu này của EVN lên tới 400 tỷ đồng, nếu được hạch toán đúng sẽ giúp giá điện giảm được 5 đồng/kWh. Những khoản thu có lãi hoạt động kinh doanh khác của EVN trên 2.900 tỷ đồng nếu được hạch toán đầy đủ sẽ giúp giảm giá điện thêm khoảng 29 đồng/kWh. 

Theo cựu lãnh đạo EVN, ngành điện phải triệt để thực hiện tái cơ cấu quản trị, phải lắp đặt các công tơ điện tử, tối giản bộ máy nhân sự dư thừa thì mới thay đổi được tình hình. “EVN cần bớt người trong các nhà máy đi, điện tự dùng trong nhà máy cũng hạn chế. Cùng đó cần tiết kiệm trong tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, vận hành, quản lý, tiền lương, giảm tổn thất điện năng, sử dụng các thiết bị tiêu hao năng lượng thấp. Làm được điều này sẽ giúp EVN không cần phải tăng giá điện nhiều nữa, đồng thời có thêm nguồn tiền sử dụng cho việc đối ứng các dự án”, vị này nói.

Tuy nhiên, câu chuyện “lọc” nhân lực chất lượng cao và chất lượng thấp là bài toán khó giải được chính lãnh đạo EVN thừa nhận. “Năm 2014, chủ trương EVN không tăng biên chế. Tuy nhiên, việc đó chỉ duy trì được 6 tháng đầu năm, vì một loạt các trạm 110 KV, 220 KV mới, không thể không người vận hành, trực, buộc chúng tôi phải bổ sung biên chế theo quy định”, Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho biết. Một lãnh đạo khác của đơn vị này cũng xác nhận, công tác nhân sự rất nhạy cảm, không thể cùng lúc đưa hàng nghìn người ra khỏi ngành chỉ vì lý do, chất lượng lao động thấp.

Để giảm tốc độ cũng như mức độ tăng giá điện, theo vị này, mục tiêu số 1 của EVN phải là giảm chi phí, tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ cần EVN giảm được 10% chi phí đầu tư xây dựng là tập đoàn sẽ tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng.

 (Còn nữa)

Nhiều nhà máy nhiệt điện khí có lãi cao

Theo phân tích của lãnh đạo PVN, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) sau 2 năm hoạt động chính thức đã thực sự phát huy được hiệu quả, đi đúng định hướng, không chỉ tạo sân chơi bình đẳng cho các đơn vị tham gia, VCGM còn là nơi để các nhà máy điện, trong đó có các đơn vị thuộc PVN, có điều kiện tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận cho mình. 

Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho thấy, doanh thu của Tổng Cty Điện lực Vinacomin năm 2014 là 11.371 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 432 tỉ đồng (tăng 188% so với kế hoạch). Cty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại 11 tháng đầu năm 2014 lãi trước thuế 1.012 tỉ đồng, vượt 154% kế hoạch, trong đó chỉ có 360 tỉ đồng là lãi do chênh lệch tỷ giá (nhờ đồng yen Nhật xuống giá).

Còn các doanh nghiệp nhiệt điện chạy bằng khí như Tổng Cty Điện lực Dầu khí năm 2014 lãi 1.662 tỉ đồng trên tổng doanh thu 25.996 tỉ đồng, tăng 167% so với kế hoạch. Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 lãi tới 933 tỉ đồng trong khi kế hoạch lợi nhuận ban đầu đề ra chỉ có 8 tỉ đồng. Trong đó phần lãi do chênh lệch tỷ giá hơn 400 tỉ đồng (nhờ đồng euro mất giá).

Nhiệt điện Bà Rịa cũng có một năm thành công tương tự.
Các công ty thủy điện còn thắng đậm hơn với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu từ trên 25% đến trên 50%. Cá biệt, Công ty Đầu tư điện Tây Nguyên có doanh thu 29,9 tỉ đồng nhưng lãi tới 28,7 tỉ đồng. Hoặc một doanh nghiệp nhỏ bé như Cty Cổ phẩn Thủy điện miền Trung, đạt doanh thu 641 tỉ đồng.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG