Những ai có nguy cơ mắc sỏi thận?

Sỏi thận là hiện tượng lắng đọng những chất khoáng trong thận, lâu ngày kết tạo thành sỏi. Sỏi có thể cọ sát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu tiện ra máu.

Những người nào có nguy cơ mắc sỏi thận?

Người có thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi. Bình thường lượng nước tiểu 24 giờ ở người lớn khoảng trên 1,5 lít. Khi khối lượng 24 giờ giảm 1/2 thì nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên gấp đôi.

Người có chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, phơi nắng nhiều, người thừa cân béo phì, nghiện rượu, sẽ có nguy cơ mắc bênh cao.

Những bệnh nhân phải nằm bất động lâu ngày như chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa chấn thương người có bệnh cường tuyến cận giáp, các bệnh khác gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh. Người có tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Những ai có nguy cơ mắc sỏi thận? ảnh 1
 

Nguy cơ mắc bệnh liên quan đến yếu tố nghề nghiệp:

Người lao động làm việc trong môi trường lao động nóng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận. Nguyên nhân do ra nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận.

Người lao đông làm việc tiếp xúc với cadmium (công nhân chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin ắc qui,…) và một số chất độc hại khác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận.

Triệu chứng bị sỏi thận như thế nào?

Đau: Đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu, cũng có khi đau xuyên cả qua hông, lưng, có khi buồn nôn và nôn. Đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.

Tiểu máu: Là biến chứng thường gặp của sỏi thận - tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm tiểu máu.

Tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra mủ: Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, tái phát nhiều lần, có thể tiểu ra sỏi.

Sốt: Người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra mủ là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp.

Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: Tiểu tắc từng lúc hoặc hoàn toàn.

Phòng ngừa sỏi thận ra sao?

Uống nhiều nước để tiểu nhiều (khoảng 10 cốc/ngày, tương đương 2,5 lít nước), như vậy sỏi sẽ có ít nguy cơ tái phát.

Điều trị các bệnh niệu như nhiễm trùng, bế tắc đúng quy cách do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện vì nhiễm trùng niệu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây sỏi.

Không sử dụng quá nhiều các loại vitamin C, D. Chế độ ăn vừa phải chất canxi, giảm ăn muối, chất đạm và các thực phẩm chứa nhiều oxalate, tăng cường vận động, giảm béo phì sẽ làm giảm nguy cơ mắc sỏi thận.

Người lao động trong điều kiện nóng phải bù đủ lượng nước đã mất qua mồ hôi. Tùy từng trường hợp cụ thể mà lượng nước bù khác nhau, trung bình sau 20 phút làm việc nên nghỉ uống nước một lần (kể cả khi không cảm thấy khát) với tổng số khoảng 1 lít nước trong một giờ lao động. Nước uống nên để mát khoảng 10 - 15 độ C. Ngoài ra cần có thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh nhịn tiểu quá lâu trong thời gian làm việc.

Người làm việc tiếp xúc với các chất độc hại, ngoài các biện pháp để giảm tối đa mức độ tiếp xúc, nên thường xuyên khám sức khỏe để kiểm tra phát hiện sớm bệnh sỏi thận.

Thành Luân (tổng hợp)

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG