Bệnh sỏi thận đang gia tăng do thói quen ăn mặn, ăn nhiều đạm, uống không đủ nước, uống nước có hàm lượng can xi cao,… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây suy thận. Nhận thức được điều này nên anh Nguyễn Văn thủy (47 tuổi, trú tại huyện Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh) sau khi phát hiện sỏi thận đã tích cực chữa trị ở nhiều nơi, kể cả uống thuốc nam. Tuy nhiên, bệnh không khỏi triệt để, các viên sỏi thận lớn dần, viên to lên tới 3.8cm.
Viên sỏi to gây biến chứng ứ nước ở thận và nhiễm trùng đường tiết niệu. Viên sỏi lại nằm ở vị trí “hiểm” là chính giữa quả thận khiến việc phẫu thuật gặp khó khăn vì có thể khiến anh Thủy bị cắt thận bán phần, thậm chí cắt cả quả thận. Nhưng khi đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, các bác sĩ tư vấn cho anh Thủy về nội soi tán sỏi qua da dưới định vị siêu âm. Đây là một trong những phương pháp tiên tiến nhất trong điều trị sỏi thận lớn hiện nay, giúp bệnh không phải mổ mở và khả năng bảo tồn thận cao.
ThS.BS Hoàng Thọ - Khoa Phẫu thuật Tiết niệu (Bệnh viện Vinmec Times City) cùng BS Nguyễn Văn Phấn (người có nhiều kinh nghiệm về siêu âm can thiệp) đã thực hiện ca tán sỏi cho anh Thủy. Sau khi gây mê nội khí quản, các bác sĩ đã nội soi qua da dưới định vị siêu âm để tán sỏi 1 lần duy nhất cho bệnh nhân mà không gặp trở ngại nào. Sau gần 2 giờ đồng hồ, toàn bộ 3 viên sỏi được tán thành công.
“Các viên sỏi quá to và cứng thường sẽ được tán 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày nhưng chúng tôi có thể tán sỏi thành công chỉ trong 1 lần nhờ sự phối hợp ăn ý giữa phẫu thuật viên và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, gây mê” – BS Thọ nhấn mạnh. Nhờ đó, bệnh nhân giảm được chi phí, nhanh hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tai biến, nhất là nguy cơ teo thận nếu mổ mở.
Điều đặc biệt là viên sỏi dù rất lớn nhưng ca nội soi diễn ra “êm ru” chứ không đau như tưởng tượng ban đầu của anh Thủy do nội soi qua da là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, không để lại nhiều tổn thương nhu mô thận như các phương pháp khác. Sau 1 ngày can thiệp hết sỏi, anh Thủy đi lại được ngay, xuất viện sau 3 ngày và có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận dễ có nguy cơ tái phát (do cơ địa, ăn mặn, giàu đạm, uống ít nước) nên BS Thọ đã hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt và tái khám để đảm bảo sức khỏe.
Sau ca nội soi tán sỏi, anh Thủy thoát khỏi tình trạng đau đớn, có thể trở lại lao động bình thường
Tán sỏi qua da dưới định vị siêu âm là kỹ thuật hiện đại được triển khai thành công tại một vài trung tâm phẫu thuật lớn ở Việt Nam. Từ đầu tháng 5 năm 2017 đến nay, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City đã thực hiện hơn 15 ca nội soi tán sỏi qua da dưới định vị siêu âm với tỉ lệ thành công 100%.
Thông tin tham khảo
Sỏi thận là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận. Tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau.
Dấu hiệu điển hình của bệnh là đau mỏi thắt lưng, đi tiểu ra máu, có đái dắt/đái buốt. Sỏi để lâu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm: Nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm chức năng thận, ứ nước và ứ mủ bể thận, gây suy thận.
Bệnh thường gặp ở bệnh nhân trong độ tuổi lao động (20-60), tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Cần tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện nguy cơ mắc bệnh. Nếu có yếu tố nguy cơ cần sàng lọc chuyên sâu để phát hiện sớm và được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.