> Điểm chuẩn dự kiến của ĐH Ngân hàng TP.HCM giảm mạnh
> Gần 40 trường công bố điểm, nhiều thủ khoa điểm cao
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói, hằng năm cứ mỗi mùa tuyển sinh lại có hai đợt sóng xô về hai bờ: Tự nhiên, kỹ thuật và kinh tế… theo kiểu tâm lý đám đông. Ông Bình cũng cho rằng, cơ cấu ngành nghề 5- 10 năm nữa cần có sự điều tiết vĩ mô, chứ không thả nổi như bây giờ.
Những con sóng trong mỗi kỳ tuyển sinh như ông Bình nói đang ngẫu hứng cập bờ? Hay cách như nhận định của ông Bình là “theo tâm lý đám đông”.
Về định hướng vĩ mô thì đại diện Bộ GD&ĐT khuyên các trường nhìn vào chiến lược phát triển nhân lực đến 2020 mà tuyển. Thế nhưng, các trường thì lại nhìn thí sinh để chiều. Trong khi đó thí sinh thì như hàng vạn con sóng nhỏ, sóng nào cũng đến bờ nhưng không chung nhịp điệu. Họ chọn nghề theo thị hiếu, theo tâm lý đám đông và đôi khi là ngẫu hứng chẳng theo thứ gì... Sự định hướng của Bộ GD-ĐT chưa thực sự mạnh mẽ để phân luồng các con sóng và cứ để các trường và thí sinh tự tìm nhau trong biển thông tin bao la.
Cách đây mấy năm, thí sinh hướng mọi sự quan tâm về chứng khoán, ngân hàng... Các trường đón lõng tâm lý ấy thi nhau mở ngành này. Thế rồi, kinh tế suy thoái, chứng khoán tụt dốc, ngân hàng sau thời gian “sốt cao” đã đi vào ổn định. Nhân lực các ngành này ra trường thừa mứa! Một số trường theo đó đóng các ngành mới nổi mấy năm qua giờ đang mất giá. Lớp thí sinh đi sau – những con sóng vỗ sau cũng nhìn về phía trước để cập bờ cho hợp thời, hợp thế...
Nhìn cảnh thí sinh chọn ngành mà nhớ cảnh bà con nông dân ta với điệp khúc “trồng - chặt”. Thấy con nào lên ngôi thì nuôi, cây nào thời thượng thì trồng. Khi bí đầu ra thì bỏ con này nuôi con khác, chặt cây này trồng cây kia. Cái vòng đó chỉ thêm lúng túng, thiếu ổn định, chứ không mang lại giàu có.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, các cơ quan là nơi nhận các sản phẩm đào tạo thì không được lợi từ việc “chạy đi chạy lại” của thí sinh. Kiểu đào tạo khi thì quá nóng ngành này, lạnh ngành kia và ngược lại chỉ làm rối thêm và gây mất ổn định cho bức tranh lao động.
Cái sự học ở ta dù đã có cải tiến nhiều vẫn nặng bằng cấp. Học chỉ nhằm có cái bằng. Chỉ cần thí sinh được phân luồng từ THPT (dựa theo học vấn và khả năng đầu ra) thì việc lựa chọn ngành nghề cũng đã bớt đi sự ngẫu hứng và lãng phí.
Người ta tổ chức hội chợ việc làm để cho doanh nghiệp và lao động gặp nhau, qua đó có cái nhìn tổng thể để định hướng nghề nghiệp, dạy nghề cho đúng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kỳ thi tuyển sinh cũng là dịp thí sinh – nhà trường – nhu cầu xã hội gặp nhau, qua đó rút ra những kinh nghiệm trong điều tiết phân luồng.
Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm và cũng “người người quan sát”, năm nay Bộ GD-ĐT cũng cần để ý xu hướng mới trong chọn ngành nghề để định hướng cho trúng trong phân luồng nhân lực quốc gia.