Nhóm lợi ích 'luộc' doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa?

TP - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn, nhằm khuyến khích năng suất lao động và huy động vốn trong xã hội, giải phóng gánh nặng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quy định về cổ phần hóa (CPH) bị các nhóm lợi ích biến báo tìm cách trục lợi.

Do luật quy định CPH hiện nay bắt buộc phải bằng việc định giá tài sản của Nhà nước để đem chia cổ phần, cho nên, đã dẫn đến một hệ lụy là, các nhóm lợi ích cấu kết dìm giá trị tài sản nhà nước xuống thật thấp để mua cổ phần với giá siêu rẻ mà trục lợi.

Đất đai luôn bị đánh giá thấp hơn thị trường đã đành, nhưng nhất là các tài sản khấu hao được, như dây chuyền máy móc, nhà xưởng,... thực tế 10 phần thì bị đánh giá thấp xuống chỉ còn một vài phần. Thành ra, cổ phần hóa lại là cơ hội để họ mua được vốn nhà nước với cái giá rẻ mạt mà trong khi nếu mua ở ngoài thị trường thì họ phải mua với giá cao hơn rất nhiều.

Và trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi CPH thì “đột nhiên” làm ăn lãi lớn, thế nhưng cũng chính doanh nghiệp ấy trước khi cổ phần hóa thì lại chìm trong thua lỗ 1 cách khó hiểu, như thể là họ “muốn” thua lỗ vậy ?!

Tuy nhiên khi xem xét đến chủ trương của nhà nước muốn CPH trước những doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thì lại thấy dễ hiểu là, nếu muốn được nhanh chóng CPH với giá rẻ bèo thì quả thực người ta phải làm cho doanh nghiệp làm ăn bết bát, để đến khi cơ hội CPH đến thì dễ định giá thấp, và chớp ngay cơ hội, thâu tóm các cổ phần giá siêu rẻ. Khi đã chiếm lĩnh được số cổ phiếu lớn nhất này thì họ trở thành người lãnh đạo công ty cổ phần, thành ra đầu tư 1 vốn nhiều lời, biến doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp của mình để làm giàu chỉ thông qua “phép màu” CPH!

Một minh chứng điển hình cho tình trạng lợi dụng chính sách cổ phần hóa này là trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo vừa qua. Bà Thoa và gia đình có khối cổ phần lên tới 700 tỷ đồng ở Cty bóng đèn Điện Quang, thực chất là “thành quả” từ việc thực hiện cổ phần hóa có nhiều vi phạm của bà Thoa trong thời gian đứng đầu công ty này.

Theo tài liệu được biết, giá trị của Cty Điện Quang tại thời điểm 31/12/2003 để tiến hành cổ phần là 245,3 tỷ đồng, nhưng trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Cty chỉ có hơn 15,9 tỷ đồng !? Bất ngờ lớn nữa là theo Quyết định số 127 ngày 11/10/2004 của Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu thì vốn điều lệ đăng ký của Điện Quang “bỗng nhiên” tụt xuống chỉ còn 23,5 tỷ đồng !?

Chưa hết, sau đó ông Bùi Xuân Khu ký tiếp Quyết định số 03/2005/QĐ-BCN ngày 12/1/2005,  sửa tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động trong Cty từ 49% giảm xuống còn 38,9%, bổ sung tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài công ty là 10,04%. Theo đó số lao động được mua cổ phần ưu đãi từ 1.138 lao động bị cắt bớt đi còn 559 lao động, với số cổ phần bán cho người lao động từ 155.150 cổ phần xuống còn 36.298 cổ phần, giá trị được ưu đãi là hơn 3,45 tỷ đồng giảm xuống chỉ còn hơn 1,08 tỷ đồng.

Những con số biết nói trên đã phần nào giải thích số tài sản cổ phần vụt lên đến 700 tỷ đồng của mấy người gia đình bà Thoa, chỉ trong 1 thời gian ngắn. Kết nối lại toàn bộ các diễn biến của sự việc, cho thấy có dấu hiệu nhóm lợi ích dìm giá trị vốn của nhà nước xuống thấp để mua cổ phần với giá siêu rẻ so với thị trường.

Từ những hoạt động CPH vừa qua mà điển hình là trường hợp cổ phần của Cty bóng đèn Điện Quang thời bà Hồ Thị Kim Thoa, đã cho thấy quy định về định giá tài sản vốn nhà nước đã luôn vấp phải tình trạng bị nhóm lợi ích câu kết dìm giá trị xuống thấp hơn nhiều giá trị thực, để sau đó vơ vét cổ phần giá rẻ nhằm hưởng lợi chênh lệch giá. Cho nên, đã đến lúc cần thay thế việc định giá này bằng việc tổ chức đấu giá tài sản doanh nghiệp cổ phần, công bố đấu giá rộng rãi, để thu hút các nhà đầu tư tới cạnh tranh nhau mua lại tài sản nhà nước với giá cao nhất. Chỉ có quy định như vậy thì việc CPH mới miễn nhiễm được với những toan tính trục lợi của các nhóm lợi ích.

MỚI - NÓNG