Người thuê viết nay đâu?
Những năm 90, làng thảo đơn thuê ở TP Cần Thơ nức danh một thời, đỉnh điểm có trên vài chục người hành nghề gõ đơn. Sau nhiều lần chính quyền địa phương quy hoạch, đến nay làng thảo đơn thuê được “an cư” tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường An Lạc, quận Ninh Kiều) từ năm 2008.
Nhiều “ông đồ” ở đây cho biết, chẳng biết vì lí do nào, người thuê thảo đơn vắng bóng, nhiều “ông đồ” không sống nổi đành bỏ nghề. Đến nay làng “gõ chữ, kiếm cơm” chỉ còn chưa tới chục người.
Ông Nguyễn Văn Quốc Việt – người có hơn 40 năm với nghề thảo đơn thuê chia sẻ: “Cách đây 5 -10 năm, trước với nghề thảo đơn thuê vợ chồng tôi sống khỏe, nhưng 1 - 2 năm nay thì mỗi ngày chỉ mong có vài người khách… Tiền công kiếm được lo cho cá nhân không xong làm sao nói đến chuyện nuôi vợ, nuôi con”.
Ông Lê Thanh Liêm - đồng nghiệp với ông Việt - tiếp lời: “Tôi làm cùng thời với anh Việt, với nghề này ngày xưa tụi tôi còn lo cho vợ cho con, còn bây giờ làm cả ngày chỉ đủ tiền cà phê, trả tiền mặt bằng và đóng thuế môn bài là mừng lắm rồi. Nhiều anh em sống không nổi đành bỏ nghề nên làng thảo đơn teo tóp, ít người biết đến…”.
Theo ông Việt, ông Liêm, người dân đến đây thuê làm nhiều loại đơn như đơn xin việc, đơn ly hôn, đơn phân tranh đất đai, đơn xin cho con đi học, đơn xin cứu xét…. trong đó đơn tranh chấp đất đai và ly hôn nhiều hơn cả. Về tiền công, tùy theo độ khó của nội dung đơn mà các “ông đồ” tính tiền.
Đơn ly hôn, đơn nhập học, đơn cứu xét giá chỉ vài chục nghìn đến 100 nghìn đồng/đơn. Riêng những loại đơn tranh chấp đất đai hay những vụ việc phức tạp thì có thể lên tới 500 đồng/đơn.
Ông Việt than: “Xưa cả thành phố Cần Thơ này, người dân muốn thảo đơn là tìm đến anh em chúng tôi. Nay tại các quận huyện, những quầy photo cũng làm thêm dịch vụ này nên chúng tôi mất nhiều khách lắm.
Hơn nữa bây giờ công nghệ intenet phát triển, nhiều mẫu đơn, hợp đồng có sẵn trên mạng, người dân cần chỉ in ra. Đặc biệt là các cơ quan nhà nước có quy định thống nhất về các biểu mẫu văn bản nên những mẫu văn bản do chúng tôi thảo khó lòng “lọt cửa””.
Làng thảo đơn thuê “mở cửa” từ 6 giờ sáng hàng ngày. Khách đến đông nhất vào buổi sáng các ngày đầu tuần, còn những ngày cuối tuần hầu như không có khách.
Buồn vui nghề “gõ chữ”
“Với cảnh ế khách như hiện nay đôi lúc tôi cũng thấy nản lắm. Nhưng cũng có lúc tôi có những người khách đặc biệt đến nhờ thảo đơn cho con đi học, xin học bổng hoặc đơn xin cứu xét hoàn cảnh khó khăn gửi đến báo đài xin giúp đỡ…
Chính những người khách nghèo này đã giúp tôi phấn chấn trở lại, thấy rằng việc mình làm không chỉ “kiếm cơm” cho bản thân mà còn để giúp đỡ người khác. Bởi vậy mà không sao bỏ được nghề!”, ông Việt tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Giàu - một ông đồ trẻ nhất làng thảo đơn thuê thấy buồn khi phải thảo những đơn ly hôn
Ngoài ra, ông Việt cũng như nhiều “ông đồ” ở đây cho biết, họ thấy vui khi thấy trình độ dân trí của người dân được nâng lên, nhất là việc nhà nước cải cách thủ tục hành chính; văn bản, biểu mẫu hầu như có sẵn, rất thuận lợi cho người dân.
Đặc biệt, ở các quận, huyện, thành phố đều có những trung tâm hỗ trợ pháp lý, điều này rất giúp ích cho bà con… Mặc dù, chính những lí do này làm “người thuê viết vắng bóng” nhưng các ông đồ, như ông Liêm, ông Việt, ông Thành… đều cảm thấy vui trước sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, làm nghề gõ chữ thuê cũng lắm chuyện buồn, anh Nguyễn Văn Giàu (32 tuổi) – một ông đồ trẻ nhất ở làng thảo đơn thuê cho biết: “Dù tôi chỉ mới vào nghề này hơn 5 – 6 năm gì đó nhưng thấy nghề này có lắm chuyện vui và cũng có đủ thứ chuyện buồn.
Mỗi lần mình nhận được những đơn xin nhập học cho con hay những đơn xin cứu xét hoàn cảnh khó khăn… mình thấy vui như giúp người dân được một việc gì đó. Còn khi phải thảo những đơn ly hôn, tranh chấp tài sản… thấy buồn lắm.
Đặc biệt là đơn ly hôn mỗi ngày một nhiều hơn. Những đơn này rất dễ làm, dễ lấy tiền nhưng trong lòng anh em chúng tôi thấy buồn. Có bác tuy làm nghề nhưng thấy hoàn cảnh khách có con nhỏ nên khuyên răn, giúp hàn gắn gia đình. Nhiều khách tức giận thẳng thừng lớn tiếng, xé đơn, thuê người khác thảo đơn".
Giúp được những vị khách nghèo thảo đơn từ, ông Việt thấy rất vui.
Ngoài ra, những năm gần đây, các loại đơn tranh chấp đất đai, tài sản nhiều mà những người tranh chấp thường là cùng huyết thống. Có khi anh chị em trong nhà, con cái tranh chấp với cha mẹ… Đây cũng là một loại đơn mà các “ông đồ” không muốn làm, nhưng vì miếng cơm manh áo mà phải gạt nỗi buồn sang một bên.