Chiều 31/5, Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm 115 nêu nhiều khó khăn, điển hình như việc cơ sở vật chất của trung tâm xuống cấp, các trạm cấp cứu phải đặt nhờ tại một số bệnh viện.
Theo ông Thành, tổng số xe cứu thương phục vụ cho công tác cấp cứu và vận chuyển cấp cứu chỉ có 22 xe, trong đó 1 xe hư hỏng đang chờ thanh lý. Những năm gần đây, nhiều bác sĩ của Trung tâm bỏ việc, khiến nguồn nhân lực bị thiếu hụt trầm trọng.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, đã có 5 bác sĩ thôi việc, 2 người chuyển công tác, 10 điều dưỡng xin thôi việc. “Theo tiêu chuẩn của WHO, cứ 1 triệu dân thì cần có 15 kíp xe cấp cứu. Hà Nội cần 150 kíp xe cấp cứu thường trực. Nhưng hiện nay, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 14 kíp xe mỗi ngày. Một số huyện ngoại thành thuộc Hà Tây trước đây Trung tâm không phục vụ được vì quá xa”, ông Thành nói.
Ông Thành thông tin, hiện nay rất nhiều bác sĩ của Trung tâm không được cấp chứng chỉ hành nghề, bởi vì theo quy định bác sĩ phải có một thời gian nhất định công tác trong các cơ sở y tế có giường bệnh mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề. “Tuy nhiên, Trung tâm cấp cứu 115 không có giường bệnh nên làm ở đây 10 năm cũng không đủ điều kiện. Nếu nói về góc độ pháp lý, rất nhiều bác sĩ hoạt động không có giấy phép. Nhưng nếu không cho hoạt động thì Trung tâm này sụp đổ”, ông Thành nói thêm.
Ông Thành cũng trăn trở, vẫn còn hiện tượng hành hung, coi thường nhân viên 115. “Bình thường, một kíp cấp cứu có 3 người. Gọi là đến, nhưng không biết đó thuộc đối tượng nào. Có thể gặp ngay đối tượng ngáo đá, vừa thấy đội ngũ cấp cứu đến là vác hung khí ra lùa ngay. Chúng tôi thường xuyên bị tấn công”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng ví dụ, có cả trường hợp khi bệnh nhân tai nạn ngoài đường, nhân viên Trung tâm đến người nhà tấn công ngay, bảo “tao không cần chúng mày cấp cứu”.
Ông Thành cho rằng, ngay cả trong bệnh viện cũng vẫn còn cách nhìn nhận học dốt, không có năng lực mới đi làm nhân viên cấp cứu. “Ngay cả con em chúng ta làm nghề y, có ai đồng ý cho làm 115 không? Lương thấp và nguy hiểm. Ngay cả bác sĩ trong bệnh viện cũng nói kiểu “mấy thằng cấp cứu 115””, ông Thành xót xa.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, nói là đáp ứng 100% cuộc gọi cấp cứu, nhưng thực tế, với trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người như hiện nay, cứ 100 ca có nhu cầu cấp cứu trên địa bàn thành phố, Trung tâm 115 mới chỉ đáp ứng được...7 ca. Đây là bài toán rất khó giải. Sắp tới sẽ phải xin quy hoạch thêm mạng lưới trạm cấp cứu, có thêm cơ chế chính sách thu hút nhân lực.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, đúng là việc nghiên cứu mô hình phát triển cho Trung tâm 115 rất khó. “Chúng ta đang thiếu nhiều cơ sở pháp luật để sắp xếp Trung tâm 115. Nếu bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề thì Trung tâm cũng không thể có giấy phép hoạt động”, ông Hưng nói.
Ông Hưng đánh giá, các nhân viên Trung tâm 115 tiếp cận với bệnh nhân thời điểm ban đầu, rất nhiều loại bệnh tật nên rất dễ bị hành hung, đánh đập, lây nhiễm. “Hiện cũng chưa chú ý nhiều đến bảo đảm an toàn trong cấp cứu 115, trong khi một ca chỉ có 1 – 2 người”, ông Hưng nói thêm.