“Nhìn lại mình đời đã xanh rêu...”

“Nhìn lại mình đời đã xanh rêu...”
TPCN - Tôi thích tựa đề của diễn đàn. Cái từ “lười” rất dễ gợi mở, hình dung…Lười trái ngược với siêng và siêng, tất nhiên là có ý nghĩ tích cực.
“Nhìn lại mình đời đã xanh rêu...” ảnh 1
Yêu và được yêu. Đó là hạnh phúc

Lười thường dẫn đến những hậu quả không hay. Giả dụ như lười ăn thì phải ốm. Lười học thì phải dốt. Lười hoạt động sẽ ù lì…Và lười yêu?

Tôi có một người bạn thân giờ đã qua tuổi năm mươi mà vẫn sống một mình. Cô ấy yêu nhiều, có bạn trai cũng nhiều nhưng rồi đổ vỡ tất cả. Bởi có nhiều mối tình và có nhiều cuộc chia ly.

Và bởi chẳng có tình yêu nào giống với tình yêu nào nên sự chia ly cũng thế. Rốt lại, khi đã thật sự một mình và thấm thía cảnh lẻ loi, bạn tôi mới bàng hoàng nhận ra, là: Cô ấy chưa hề yêu lấy một ai cho trọn vẹn.

Cô ấy luôn yêu nửa vời. Yêu với một phần hai là mãnh liệt và một phần hai là mỏi mệt. Một phần hai là háo hức và một phần hai là thờ ơ. Có một ít nhiệt tình và một ít chán nản trong cách cô ấy yêu. Có một lối cho và một kiểu nhận trong tình yêu không hết mình.

Cứ như thế và “…Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”* để rồi “…Nhìn lại mình đời đã xanh rêu…”*.

Thi thoảng, có dịp gặp nhau bạn tôi luôn hối tiếc, khi nhắc lại những chuyện ngày xưa. Có quá nhiều chữ “giá như” được đề cập đến. Chẳng hạn: “Giá mà tao chỉ biết yêu. Đây, khi thì đắn đo, khi thì tính toán. Khi, thì…”.

Yêu như thế, gọi là vừa yêu vừa nghĩ ngợi chăng. Sẽ hơi quá để kết luận bạn tôi lười yêu nhưng cũng không thể nói là không có.

Mức sống ngày nay đã cao hơn rất nhiều so với thời chúng tôi còn trẻ. Người ta có nhiều cách để giải trí, hưởng thụ… Người ta có nhiều cách để khỏa lấp thời gian nên có điều kiện thì siêng… yêu, bằng không thì xin lười vậy.

Lười…yêu. Yêu như thế e rằng trên cả…lười yêu. Và phải chăng vẫn là một cách vừa yêu vừa…nghĩ ngợi.

 Phương Quỳnh

*:Lời trong ca khúc “Tình xa” của N.S Trịnh Công Sơn

MỚI - NÓNG