Hiện, mặt đường cầu Đông Trù xuất hiện khá nhiều vết vá. Từ hướng từ Đông Anh vào trung tâm Hà Nội, có thể thấy hàng chục miếng vá trên mặt cầu có đủ kích cỡ từ 0,5 đến vài m2.
Ông Lê Văn Sỹ - Trưởng phòng dự án 1, Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn cho biết, chủ đầu tư dự án phát hiện có nhiều vết lún nên đã chủ động khắc phục sự cố bằng cách cho vá lại từ dịp tháng 7. "Công trình vẫn trong quá trình bảo hành 2 năm nên thuộc trách nhiệm của nhà thầu phải sửa chữa. Ngày 15/7, đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra việc này nhưng chưa đưa ra kết luận", ông Sỹ nói.
Về nguyên nhân, ông Lê Văn Sỹ khẳng định, không phải do chất lượng mà là trong quá trình thi công có thể đưa cẩu vào sơn vòm cầu đơn vị thi công đã không lót chân cẩu đúng quy định dẫn đến có thể gây nứt, rạn mặt cầu, xe lưu thông qua có thể gây hỏng.
Ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc điều hành thi công gói thầu 13 (thuộc Cienco 4) cho biết, mặt cầu chính Đông Trù không có hiện tượng hàn lún bánh xe, vì nếu vậy phải có vệt dài. "Nghi vấn trong quá trình thi công, do nhà thầu dùng chân cẩu trọng lượng lớn đứng ở thượng lưu hoàn thiện phần vòm cầu dưới hạ lưu, sơ suất bị trượt lớp bê tông nhựa gây lún cục bộ", ông Bình nói. Liên quan đến việc vết chân cẩu không thể rộng vài mét vuông, ông Bình phân trần: "Chúng tôi phải rạch lớp nhựa bị lún, vì ở dưới có lớp chống thấm dạng vải, nên nhìn miếng vá rất lớn".
Đoạn cầu Đông Trù hướng từ Đông Anh vào trung tâm Hà Nội bắt đầu xuất hiện vết lún. Tuy nhiên theo Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, độ lún vẫn trong mức an toàn nên chưa sửa chữa.
Cầu Đông Trù dài 1,1 km, rộng 55 m, dài 1.240 m với 8 làn xe, trong đó cầu chính dài 500 m, bắc qua sông Đuống. Ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80 m và nhịp giữa sông dài 120 m được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tổng đầu tư dự án là 882 tỷ đồng.
Tuyến đường này kết nối hạ tầng giao thông tại khu vực bắc Hà Nội gồm đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, tạo nên giao thông đồng bộ trục vành đai 2. Phương tiện đi từ Hải Phòng đã dễ dàng hơn để đến thẳng sân bay Nội Bài mà không phải đi vòng vào nội thành hoặc qua quốc lộ 3.